Ngược ngàn tìm trái hồng Vành khuyên (kỳ 1): Thăm cây hồng tổ

Gia Tưởng Thứ ba, ngày 28/09/2021 07:01 AM (GMT+7)
Tại nhiều xã của huyện biên giới Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, khi mùa thu tới, người dân chỉ nói chuyện về hồng. Quả hồng đi vào từng bữa ăn giấc ngủ của người dân và cả sự lo lắng của chính quyền địa phương khi những rừng hồng chuyển từ xanh sang vàng, báo hiệu mùa thu hoạch.
Bình luận 0

Hiện nay, các xã Tân Mỹ, Hoàng Việt, Hoàng Văn Thụ... của huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã có gần 1.200ha chuyên canh cây hồng. Mỗi năm, người nông dân toàn huyện bỏ túi ngót nghét cả 100 tỷ đồng.

Ít ai biết rằng, sản phẩm nông nghiệp, OCOP tiêu biểu của huyện Văn Lãng lại xuất phát từ một cây hồng tổ ở thôn Nà Mò, xã Tân Mỹ.

Cây hồng gia truyền

Vào mùa hồng chín, ông Hoàng Việt Sầm (sinh năm 1956, thôn Nà Mò, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) lúc nào cũng như rạo rực cả người. Bởi lẽ, những cây hồng mang cho ông niềm vui lớn, cả về công việc lẫn thu nhập.

Theo ông Sầm, bố ông có lẽ là một trong những người trồng hồng đầu tiên ở Nà Mò này. Nhưng tất cả hồng đều xuất phát từ một cây hồng tổ nằm ở khe Pắc Tạc.

Ông Sầm kể: "Người Nà Mò tôi trước kia không có giống hồng này đâu. Vườn rừng quanh nhà đều là tạp cả, trồng cây cối linh tinh phục vụ gia đình thôi. Mùa đông ở Nà Mò trên này lạnh lắm, nhìn tiêu điều xơ xác chỉ một màu xám xám thôi".

Rồi có mấy ông cụ đi chống Pháp ở mạn Bắc Kạn về, mang theo một cây hồng trồng ở khe Pắc Tạc. Lúc đó, hồng là một cây mới, bà con chưa nhìn thấy bao giờ, cũng chưa biết ăn ra sao. Sau rồi nghe người ta nói là quả hồng muốn ngon thì phải ngâm xuống suối, ăn mới giòn và không bị chát, cứ thế người dân làm theo.

Ngược ngàn tìm trái hồng Vành khuyên (kỳ 1): Thăm cây hồng tổ - Ảnh 1.

Ông Hoàng Viết Sầm tại khu Pắc Tạc trồng cây hồng cổ. Ảnh: Gia Tưởng

Sau hơn 30 năm, đến nay, hồng Vành khuyên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Nhiều người ăn nên làm ra, trở thành triệu phú nhờ gắn bó với những cây hồng Vành khuyên này.

"Đến khoảng năm 1971, cây hồng tổ đã to lắm rồi. Từ dưới gốc của nó bắt đầu mọc lên những mầm cây con nhỏ, bà con bảo nhau đánh về vườn, rừng nhà mình để trồng chơi cho vui thôi. Cũng không ai nghĩ sau này trồng đại trà để làm sản phẩm hàng hóa như bây giờ cả"- ông Sầm kể.

Ông Sầm cho biết thêm, cây hồng tổ to lắm, dễ đến hơn một vòng tay người ôm. Những năm được mùa, quả sai đến vài tạ, có những cành cao bà con cũng không hái được. Mùa hồng chín, lũ chim cũng về ăn lộc của rừng rất nhiều.

"Nhưng cách đây khoảng chục năm về trước, cây hồng già và tự nhiên chết, bà con ai cũng tiếc. May mắn là từ cây hồng tổ đó, chúng tôi đã nhân ra hàng vạn cây con khác. Bây giờ, chúng tôi có nhiều rừng hồng nổi tiếng lắm, nhiều gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm"- ông Sầm cho hay.

Cây hồng là loại cây kiên cường như chính những người nông dân miền núi vậy. Mùa đông, cây hồng rụng lá, khẳng khiu, im lìm. Nhưng khi xuân tới, mỗi đốt ra một bông hoa, đậu quả, quả được nuôi dưỡng trong mùa hè đến trung thu thì chín. Ở xã Tân Mỹ, có những vườn hồng đẹp như tranh vào mùa quả chín, có thể làm du lịch sinh thái.

Câu chuyện Vành khuyên

Ngược ngàn tìm trái hồng Vành khuyên (kỳ 1): Thăm cây hồng tổ - Ảnh 3.

Quả hồng có một vòng tròn quanh núm được đặt tên là hồng Vành khuyên. Ảnh: Gia Tưởng

Động đến câu chuyện quả hồng, ông Sầm đúng như vào mạch: "Đến năm 1980, người trong làng trồng hồng khá nhiều. Ăn không hết, chúng tôi rủ nhau gánh ra thị trấn Đồng Đăng để bán hoặc đổi gạo. Cứ 10 quả hồng thì được 1 ống sữa bò gạo. Rồi khách ở dưới xuôi cũng thích quả hồng quê tôi lắm, giòn, ngọt, lại rất thơm nữa. Bây giờ quả hồng đã là quả đại diện cho làng tôi rồi".

Khi quả hồng được đổi thành gạo, bán được tiền, dân làng Nà Mò bảo nhau: "Nhất định không để cho giống hồng ở làng mình sang làng khác, vì nhiều xã có đồng rừng đất tốt hơn, cây hồng sẽ phát triển hơn". Nhưng rồi con gái trong làng lấy chồng đi thiên hạ, cũng về nhà đẻ xin bố mẹ vài cây hồng giống để trồng trước cửa nhà chồng. Rồi lại ông thông gia sang xin... Cứ thế, cây hồng được nhân giống dần ra theo xã, theo huyện để thành những rừng hồng, vườn hồng quả lúc lỉu như bây giờ.

Đến đầu những năm 1990, quả hồng ở Văn Lãng đã được lái buôn miền xuôi tìm đến thu gom với số lượng lớn. Hồng thì nhiều loại, nhưng lại không có một cái tên nào cho thống nhất. Đầu tiên, người ta gọi là hồng Nà Mò, vì quả hồng xuất xứ từ thôn Nà Mò. Nhưng cái tên này là tiếng địa phương, khó gọi quá. Rồi hồng được nhân lên trồng ở cấp xã, người ta gọi là hồng Tân Mỹ.

Nhưng rồi nhiều xã khác cũng trồng nữa, thì biết gọi sao bây giờ? Rồi ở Lạng Sơn cũng đã có giống hồng Bảo Lâm thơm ngon, nổi tiếng lâu năm, nhưng chỉ đất thuộc xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc trồng được thôi. 

Khi đó, có một thương lái người Bắc Giang phát hiện ra giống hồng Văn Lãng có một đặc điểm mà giống hồng Bảo Lâm không có. Đó là xung quanh núm của mỗi quả hồng đều nổi lên một đường gân nhỏ hình tròn rất đẹp. Người lái buôn buột miệng gọi đó là Vành khuyên, bà con nông dân thấy có lý nên cứ thế gọi theo. 

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem