Ngôi chợ đêm có nhiều người "em ruột"

Hoàng Ba Đình Thứ hai, ngày 20/12/2021 07:40 AM (GMT+7)
TP.HCM với vai trò đầu cầu kinh tế luôn có sẵn những khu trung tâm thương mại với đủ loại hàng hóa. Điểm danh sơ sơ có rất nhiều: Vincom, Takashimaya, Saigon Center, Bitexco, Aeon mall, Lotte, Vạn Hạnh mall...
Bình luận 0

Dần dà, với sự phát triển của ngôn ngữ, chữ trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại được một bộ phận người dân gọi bằng cách gọi tiếng Anh là "mall". Đại khái có thể hiểu, "mall" có quy mô gấp mấy lần cái siêu thị. Mặt hàng kinh doanh thông thường là thời trang, mỹ phẩm. Điểm chung của các "mall" đó là chuyên kinh doanh các mặt hàng cao cấp, thương hiệu, "mall" có phân khúc thị trường dành cho đối tượng những người có tiền.

Ngôi chợ đêm có nhiều người "em ruột" - Ảnh 1.

Cảnh vắng vẻ khi ban ngày. Ảnh: Hoàng Ba Đình

Đối trọng với "mall" thường là những khu chợ chuyên hàng sỉ lẻ như chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), chợ An Đông (quận 5), khu Saigon Square (quận 1). Tất nhiên, những khu vực chợ này thường bán hàng không chính hãng, theo cách gọi của dân gian đương đại, là bán hàng "fake". "Fake" cũng tùy loại "fake", fake loại 1 thường giá cao hơn các loại fake khác. Nhưng làm sao để phân biệt được fake thế nào, cũng chỉ có trời mới biết.

Nhưng, từ khoảng 5 năm trở lại đây, xuất hiện một khu chợ ở khu vực hơi xa trung tâm thành phố, ban ngày là chợ bán hàng hóa thông thường, đến tối lại khoác lên một cái áo khác, trở thành trung tâm mua sắm hàng "fake" số một Sài Gòn. Đấy chính là chợ Hạnh Thông Tây (đường Quang Trung, Gò Vấp). Một số người còn gọi vui, gọi đấy là "Hạnh Thông Tây mall", hoặc "Hạnh Thông Tây plaza", bởi sự đa dạng về mặt hàng cũng như giá cả của ngôi chợ này.

Ngôi chợ đêm có nhiều người "em ruột" - Ảnh 2.

Chỉ riêng mảng đồ bộ đã có 3 mức giá khác nhau để khách lựa chọn.

Về vị trí, ngôi chợ này nằm đối diện nhà thờ Hạnh Thông Tây, khá dễ tìm. Ban ngày chợ không có gì nổi bật, chủ yếu bán cơm, cá, rau, mắm... như bao chợ khác. Đặc sản ăn uống cũng không thấy món gì ngon. Nhưng từ 5 giờ chiều trở đi, hoạt động lại khác hẳn. Từ 5 năm nay, đây có thể xem như một trong những chợ đêm sầm uất nhất TP.HCM.

Nếu chợ đêm Hồ Thị Kỷ nổi tiếng về phố ẩm thực, chợ đêm Bến Thành chủ yếu dành cho khách du lịch, thì chợ đêm Hạnh Thông Tây nổi tiếng về quần áo, giày dép, mắt kính và mỹ phẩm. Nhờ giá cả cạnh tranh nên thu hút rất đông các thành phần như sinh viên, công nhân, giới lao động.

Vừa khi bước vào chợ, đến gian hàng đầu tiên, chưa kịp dòm ngó gì, đã thấy một anh xăm trổ nắm tay kéo vào với mức độ trên cả nhiệt tình: "A, anh ruột, anh ruột, lâu quá không gặp anh ruột. Anh ruột vô lựa đi anh ruột. Có đầy đủ từ dây nịt, áo thun, quần tây... Mỗi món 35, ba món 100. Anh ruột lựa đi anh ruột".

Ngôi chợ đêm có nhiều người "em ruột" - Ảnh 3.

Chị em lựa phụ tùng

Xong lôi đi một vòng hết shop. Sau một hồi giải thích, mới được gã "em ruột" thả cho đi. Chỉ đi một vòng thôi, chắc trở thành người có nhiều "em ruột" nhất Việt Nam. Đâu đó khắp nơi, người thử đồ, người trả giá, kẻ dạo chơi...

Chị Minh Xuân (sinh viên, ngụ Thủ Đức) cho biết: "Mặc dù ở rất là xa, cách chợ Hạnh Thông Tây đến gần 20 km, nhưng tôi vẫn thường đến đây mua sắm. Quần áo trong này có nhiều loại để lựa chọn về mẫu mã cũng như giá cả. Giá niêm yết rất rõ ràng, nhưng có điều, phải trả giá. Bắt buộc phải trả giá từ 20-40%, thậm chí có khi trả giá 50% cũng bị hớ như thường.

Ngoài việc mua sắm quần áo, ở đây còn bán rất nhiều mỹ phẩm, đồ trang trí. Rảnh rảnh đi dạo một vòng, có thể săn được nhiều cái ốp điện thoại hết sức xinh xắn kèm giá cả phải chăng. Đối với con gái tụi tôi, một trong những thú vui đó là đi xem đồ, ngắm đồ, thử đồ, xong trả giá. Hoặc mua những đồ đeo tay, vòng trang trí xinh xinh nho nhỏ. Nhiều lúc mua xong, quả thật cũng không biết làm gì, đồ mang về để đầy nhà, có khi dùng 1-2 lần rồi thôi. Vậy mà vẫn cứ đi. Nhiều lần tự nhủ với lòng, đi coi cho vui thôi, mà chẳng hiểu sao lần nào về cũng phải mua cái gì đó mới chịu được".

Ngôi chợ đêm có nhiều người "em ruột" - Ảnh 4.

Đi mệt thì vào đây xơi tạm ly chè

Quả thực những điều như chị Minh Xuân vừa chia sẻ, hầu như chợ nào cũng có. Vậy điều gì khiến cho chợ Hạnh Thông Tây thu hút, để từ chợ Hạnh Thông Tây trở thành "Hạnh Thông Tây mall"?

Chị Minh Thư (sinh viên Đại học Tài nguyên Môi trường, ngụ Tân Bình) lý giải: Một trong những ưu điểm của ngôi chợ này đó chính là văn hóa của người bán hàng.

Ở những ngôi chợ khác, nếu bạn trả giá quá đáng, trả giá cho vui, trả giá để từ chối, nhưng người bán vẫn chốt đơn bán, mà bạn không chịu mua, thì coi như "tới số" với người bán. Trước hết, họ tỏ thái độ ngay, sau đó lại mấy phen đá thúng đụng nia, lườm nguýt đủ kiểu..., thậm chí có thể đốt phong long.

Nhưng ở chợ Hạnh Thông Tây hiếm khi gặp chuyện đó. Cứ vô tư trả giá, trả giá xong không mua cũng được, chủ hàng đều vui vẻ.

"Nói thật, tụi em là sinh viên, đâu có dư dả, đỡ được đồng nào hay đồng nấy, nên ở đây rất phù hợp với túi tiền. Mà giá cả khá là ảo, có lần em thấy cái áo để giá 100 nghìn, em trả 20 nghìn, mà shop chốt đơn luôn cái rụp", chị Thư nói thêm.

Còn với những người chuyên đánh hàng sỉ về tỉnh để phân phối lại như chị Xuân Lan (Long Xuyên, An Giang), có cảm nhận khác: "Tôi là mối ruột của các shop trong này. Hàng trong chợ rẻ, nhưng để lựa được có chất lượng không dễ dàng. Các sản phẩm đa số lấy từ đủ các cơ sở sản xuất nên chất lượng cũng rất khó nói. Chưa kể, hàng thời trang ở đây lại thường ra chậm so với xu hướng của thị trường. Cho nên phải thực sự tinh ý, phải thực sự tỉnh táo, mới có thể tránh lấy nhầm hàng lỗi thời, khó bán".

Từ hồi chợ Hạnh Thông Tây vươn mình thành "Hạnh Thông Tây plaza", những điểm bán quần áo "si đa", giày dép đổ đống vỉa hè... ở quanh đây coi như chết hẳn. Nếu như bán đồ "si đa", giày dép đổ đống... thường để ở những nơi hơi tối tối, làm mờ mắt người xem thì chợ Hạnh Thông Tây lại chuộng hình thức đèn đuốc rực rỡ, để làm lóa mắt người xem.

Mờ mắt hay lóa mắt, kiểu gì cũng dính chưởng, nhưng với khách hàng, chắc chắn sẽ thích thú hơn khi được mua hàng trong shop. Bởi nói thế nào, mua hàng shop vẫn oách hơn mua đồ "si đa".

Trong thời buổi 4.0 và sau đợt dịch vừa rồi, chợ Hạnh Thông Tây gặp một đối thủ hết sức sừng sỏ: bán hàng qua mạng, khi hàng loạt các chị em đua nhau livestream bán đủ hết các thứ, giá cả cũng khá ổn. Chỉ cần cái điện thoại cùi bắp mà có camera cũng đủ để làm ăn ngon lành.

Nhưng các shop trong Hạnh Thông Tây cứ yên tâm, bởi vì như chị Minh Xuân nói: "Thú vui của đi sắm quần áo, giày dép... là gì? Đó chính là được mặc thử, được ngắm nghía, được xới tung hết cả shop chỉ để chọn được cái áo giá 20 ngàn mà mình ưng ý. Điều này thì bán hàng qua mạng không thể nào có được".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem