Nghe những giám đốc hợp tác xã ở Sơn La kể chuyện khởi nghiệp làm giàu

Thanh Ngân-Phạm Hoài Chủ nhật, ngày 05/06/2022 10:31 AM (GMT+7)
Tại buổi tọa đàm thu hút nguồn lực đầu tư và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo diễn ra ngay sau lễ khai mạc Techfest Sơn La năm 2022, đại diện một số hợp tác xã ở Sơn La đã chia sẻ những khó khăn cùng nỗ lực trong quá trình khởi nghiệp.
Bình luận 0

Khởi nghiệp với du lịch để giới thiệu cảnh sắc quê hương tới du khách thập phương

Anh Là Văn Phong – Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Quỳnh Nhai Travel (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) chia sẻ: Cách đây 7 năm, sau khi rời ghế Trường Đại học Tây Bắc, tôi về quê hương Quỳnh Nhai lập nghiệp. Nhận thấy quê hương mình có tiềm năng về lòng hồ thủy điện Sơn La, phong cảnh đẹp, cũng như những định hướng phát triển du lịch từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, chúng tôi đã quyết định khởi nghiệp làm du lịch. Sở dĩ, chúng tôi lựa chọn làm du lịch là muốn giới thiệu, quảng bá cảnh sắc thiên nhiên núi non hùng vĩ của quê hương mình tới du khách thập phương.

Khởi nghiệp từ tiềm năng, thế mạnh của địa phương - Ảnh 1.

Anh Là Văn Phong – Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Quỳnh Nhai Travel (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của mình tại quê hương Quỳnh Nhai. (Ảnh: Phạm Hoài)

Thời gian đầu, chúng tôi có 3 anh em cùng học Đại học Tây Bắc với nhau lại có cùng sở thích. Vì vậy, chúng tôi đã hội tụ với nhau và tổ chức những tour quy mô nhỏ. 

Đến nay, chúng tôi đã lập Công ty cổ phần du lịch Quỳnh Nhai Travel, với các sản phẩm tour du lịch biển hồ của thủy điện Sơn La, dịch vụ thuê du thuyền trên lòng hồ.

Hiện tại chúng tôi cũng đang quản lý và khai thác khu nhà hàng nổi của vịnh Uy Phong; triển khai xây dựng khu lưu trú nghỉ dưỡng trên 2 hòn đảo thuộc địa phận xã Pá Ma Pha Khing.

Biến vấn nạn ô nhiễm môi trường thành tài nguyên trong canh tác

Anh Đỗ Quý Hạnh – HTX hữu cơ Pa Cốp (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) cho hay: Trước đây, tôi kinh doanh, phân phối các loại thuốc bảo vệ thực vật. Do buôn bán không có lãi, tôi chuyển sang trồng 5ha cam. Khi vườn cam của gia đình bị chết la liệt do mắc sâu bệnh, tôi được Công ty Mavin giúp đỡ và đã thành công từ sự "mách nước" ấy.

Khởi nghiệp từ tiềm năng, thế mạnh của địa phương - Ảnh 2.

Anh Đỗ Quý Hạnh – HTX hữu cơ Pa Cốp (huyện Vân Hồ) đã tận dụng được các loại rác thải như: Bã cà phê, lõi ngô, nước thải cà phê để chăm sóc cho cây ăn quả. (Ảnh: Phạm Hoài)

Cái được lớn nhất trong cách làm của anh Hạnh, đó là đã tận dụng được các loại rác thải như: Bã cà phê, lõi ngô, nước thải cà phê để chăm sóc cho cây ăn quả. 

"Qua 2 năm thực hiện, tôi thấy so với dùng phân bón hóa học thì dùng phân hữu cơ giảm 30-40% chi phí. Cách làm này góp phần làm sạch môi trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Năng suất, sản lượng và chất lượng cây ăn quả của gia đình cũng nhờ đó mà được nâng lên. Sắp tới, tôi sẽ trồng thêm 30ha cam nữa và làm theo hướng hữu cơ" – anh Hạnh phấn khởi nói.

Phát triển mô hình du lịch cộng đồng

Anh Lường Văn Xiên – Hợp tác xã du lịch Ngọc Chiến (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) chia sẻ: Tôi theo học tại Trường Đại học Tây Bắc và ra trường năm 2011. Sau khi học xong, trở về quê hương, tôi đã có ý định làm du lịch. Nguồn tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, con người, văn hóa ở quê tôi còn mang tính hoang sơ, đậm đà bản sắc dân tộc, rất thích hợp làm du lịch cộng đồng.

Năm 2019, chúng tôi được tham gia dự án "Cải thiện sinh kế bề vững" do tổ chức AOP (Úc) tài trợ. Hồi đó, chúng tôi chỉ có 5 homestay. Năm 2020, kết thúc dự án thì HTX du lịch cộng đồng Ngọc Chiến của chúng tôi được thành lập và đến nay phát triển lên 20 hộ tham gia, với 50 lao động thường xuyên.

Khởi nghiệp từ tiềm năng, thế mạnh của địa phương - Ảnh 3.

Anh Lường Văn Xiên – Hợp tác xã du lịch Ngọc Chiến (huyện Mường La, Sơn La) khởi nghiệp từ tiềm năng, thế mạnh của địa phương. (Ảnh: Phạm Hoài)

Từ tài nguyên sẵn có của địa phương, chúng tôi tổ chức các tour du lịch trong cộng đồng. Ngọc Chiến nằm ở độ cao 1.800 so với mực nước biển mát mẻ quanh năm, một ngày ở Ngọc Chiến có 4 mùa; có nguồn suối khoáng nóng tự nhiên rất tốt cho sức khỏe; có những thác nước đẹp, đỉnh núi cao, vạt đồi hoa sơn tra nở rực vào tháng 2 tháng 3. Những ngôi nhà gỗ pơ mu hàng trăm năm tuổi, đó là những thuận lợi để chúng tôi phát triển du lịch Ngọc Chiến.

Thành lập HTX, tạo công ăn việc làm cho người dân

Chị Cao Thị Tâm - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Trung tâm Tân Xuân 269 (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) cho biết: Năm 2012 tôi lên khu vực này sinh sống. Ban đầu, tôi mở cửa hàng tạp hóa. Tiếp xúc với đồng bào Mông, Thái hằng ngày, tôi thấy cuộc sống của họ nghèo nàn và khổ cực, cơm không đủ ăn. Khi đó, tôi nghĩ rằng ở bản địa có nhiều nguyên liệu quý, nhưng không có người hướng dẫn bà con tiêu thụ các sản phẩm này, giúp họ có thêm thu nhập, nâng cao đời sống. Nhận thức tiềm năng, giá trị của cây măng, đây là sản phẩm ẩm thực nổi tiếng của đồng bào thái Sơn La, tôi nảy ra ý định thu mua sản phẩm và bao tiêu cho bà con.

Khởi nghiệp từ tiềm năng, thế mạnh của địa phương - Ảnh 4.

Chị Cao Thị Tâm - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Trung tâm Tân Xuân 269 ( huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) chia sẻ hành trình khởi nghiệp của mình tại buổi Tọa đàm Thu hút nguồn đầu tư và hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Sơn La. (Ảnh: Phạm Hoài)

Nói đi đôi với làm, tháng 3/2019, chị Tâm thành lập Hợp tác xã Tân Xuân 269. Đây là HTX đầu tiên được thành lập ở vùng sâu vùng xa, vùng 3 của huyện Vân Hồ, nên được chính quyền và bà con ủng hộ.

"HTX có 18 thành viên, bước đầu tôi gặp nhiều khó khăn, không biết phải chế biến sản phẩm măng như thế nào cho đẹp, chất lượng để đem ra thị trường. Lúc đó, dự án Whitegrade đã hỗ trợ tôi kiến thức kỹ thuật, kỹ năng bán hàng, cách quản lý… Áp dụng những gì đã được học vào thực tế hoạt động, HTX của chúng tôi ngày càng hoạt động hiệu quả, đến nay phát triển lên 70 thành viên" – chị Tâm thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem