Ngành nông nghiệp TP.HCM đón chờ nhiều giống cây mới, chất lượng cao

Quang Sung Thứ hai, ngày 21/11/2022 17:49 PM (GMT+7)
Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM, đã tạo điều kiện để nghiên cứu, duy trì và bảo tồn nhiều giống cây, con có chất lượng cao, phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị.
Bình luận 0

Qua hơn 1 năm thực hiện Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo về những thành tựu ban đầu. Theo đó, đối với lĩnh vực cây trồng tổng diện tích canh tác rau củ quả ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố là 458,3 ha. Trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Củ Chi 433,8 ha, huyện Hóc Môn 5,3 ha, huyện Bình Chánh 8,59 ha, huyện Nhà Bè 4,68 ha.

Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi và thủy sản, Trung tâm Công nghệ sinh học thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 10 tháng đầu năm đã sưu tập được 17 giống hoa, cây kiểng, 13 giống rau. Đồng thời đang tiến hành phục tráng giống bầu địa phương tại huyện Cần Giờ.

Ngành nông nghiệp TP.HCM đón chờ nhiều giống cây mới, chất lượng cao - Ảnh 1.

Giống hoa lan được lai tạo từ phòng lab của HTX Vườn Lan Việt (TP.Thủ Đức, TP.HCM). Ảnh: Quang Sung

Công tác nghiên cứu và chọn tạo giống hoa, cây kiểng đã xây dựng quy trình cảm ứng tạo các thể đa bội và sàng lọc, đánh giá thể đa bội ban đầu của một số giống lan rừng giả hạc. Qua đó đã chọn được 13 giống hoa có tính thích nghi cao và hoa đẹp, chống chịu tốt với bệnh hại trên địa bàn thành phố (bao gồm 3 giống cẩm nhung: Dia 368, Dia 121, Dia 056; 5 giống cúc lá nhám; 5 giống dạ yên thảo: PET 124, PET 112, PET 904, PET 902).

Đối với đối tượng cây trồng là rau, thành phố đã tiến hành đánh giá tính thích nghi, khả năng sinh trưởng, phát triển 13 giống rau. Kết quả cho thấy có 5 giống rau có tính thích nghi tốt, năng suất cao trên địa bàn thành phố (2 giống bông cải: 1 giống chịu nhiệt Thái Lan, 1 giống White Corona của Nhật Bản có năng suất từ 900 - 1000 gram/bông. 2 giống su hào: su hào trắng của Mỹ và su hào Amori TN128 Nhật Bản có năng suất từ 700 - 900 gram/củ; 1 giống dưa lưới Kimoji 65 có năng suất 24 tấn/ha).

Tạo ra được 2 giống dưa lưới F1, 2 giống cà chua bi F1, 8 dòng dưa lưới thuần, 5 dòng cà chua bi thuần, 8 dòng dưa leo đơn tính thuần, 5 dòng ớt chỉ thiên thuần có triển vọng. Trong đó, 2 giống dưa lưới và 20 giống cà chua bi đang được khảo nghiệm tại Tập đoàn Lộc Trời và Công ty Giống cây trồng miền Nam.

Thành phố đã nộp đơn đăng ký bảo hộ giống mới cho 2 giống cà chua bi thuần, 2 giống cà chua bi F1. Đồng thời hoàn thành nghiên cứu ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR Cas9 trên cây dưa leo và chọn tạo được 2 giống dưa leo trinh sinh (Fuji và Lyssa) có đặc tính tốt phù hợp với điều kiện trồng trên địa bàn thành phố.

Đối với cây dược liệu, thành phố đã hoàn thành nghiên cứu ứng dụng chỉ thị phân tử DNA barcode đánh giá di truyền 30 giống cây dược liệu.

Ngành nông nghiệp TP.HCM đón chờ nhiều giống cây mới, chất lượng cao - Ảnh 3.

Thu hoạch dưa lưới và dán tem tại một HTX nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Quang Sung

Về nhân giống, TP.HCM đã hoàn thành quy trình nhân giống invitro cho 4 giống hoa (bao gồm: lan Dendrobium pensoda, lan ý, hoa cúc Pico, hoa hồng bạch cổ) và 1 quy trình nhân giống dược liệu là cây thành ngạnh. Thực hiện thành công việc tái sinh được chồi mai vàng Đại Lộc (Ochna integerrima (Lour.) Merr.) từ mô lá. Nhân giống nhằm lưu giữ, bảo tồn 5 dòng rễ tóc, phôi sâm Ngọc Linh. Thực hiện nhân nhanh in vitro các dòng tế bào rễ tóc sâm Ngọc Linh. Duy trì các giống rau đã phục tráng (cải bẹ xanh Bình Chánh, dưa leo Củ Chi, đậu đũa, đậu bắp Hóc Môn, bầu An Giang), đã nhân giống 9kg hạt giống rau các loại đã được phục tráng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu UBND thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, theo hướng tiếp tục tạo điều kiện cho chủ thể là doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ dân tham gia đầu tư phát triển sản xuất giống. Đồng thời tăng cường ứng dụng những giống mới, giống chất lượng cao. Đặc biệt tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ cao vào quá trình sản xuất

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các sở ngành có liên quan tham mưu UBND thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành "Nghị quyết quy định hỗ trợ phát triển sản xuất giống phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn TP.HCM".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem