Ngành Công thương Hà Nội: Tăng cường công tác đảm bảo ATTP trong bối cảnh dịch bệnh

Nguyễn Minh Hồng Thứ bảy, ngày 30/10/2021 08:37 AM (GMT+7)
Năm 2021, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp nhưng Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động xây dựng và triển khai phương án phù hợp, đảm bảo công tác đảm bảo ATTP của ngành Công thương đạt hiệu quả.
Bình luận 0

Chú trọng đẩy mạnh công tác ATTP

Thực hiện Kế hoạch số 251/KH-UBND ngày 30/12/2020 của UBND Thành phố về công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội năm 2021, Sở Công thương Hà Nội đã xây dựng và triển khai kế hoạch số 478/KH-SCT ngày 1/2/2021 về công tác An toàn thực phẩm lĩnh vực Công thương trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021, tiếp tục thực hiện Đề án "Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025", đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền: phổ biến, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP hiện hành lĩnh vực Công thương; hướng dẫn sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm; vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19,… tới các nhóm đối tượng là cán bộ quản lý từ tuyến thành phố đến tuyến huyện, tuyến xã; chủ doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công thương, người tiêu dùng thực phẩm. Từ đó, từng bước tạo chuyển biến trong nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP, phòng ngừa, ngăn chặn sản phẩm không bảo đảm chất lượng lưu thông trên thị trường.

Ngành Công thương Hà Nội: Tăng cường công tác đảm bảo ATTP trong bối cảnh dịch bệnh - Ảnh 1.

Vai trò của công tác bảo đảm ATTP của ngành Công Thương trong khâu lưu thông hàng hóa trên thị trường, góp phần cung cấp giải pháp đồng bộ trong phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả.

Đồng thời, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở Công Thương đã chủ động xây dựng và triển khai phương án số 629/PA-SCT ngày 08/02/2021 về đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân theo các cấp độ của Trung ương và Thành phố; phương án số 3857/PA-SCT ngày 05/9/2021 về việc đảm bảo nguồn cung, điều phối lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội; thường xuyên chỉ đạo các phòng, đơn vị có liên quan triển khai nắm bắt tình hình thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố về công tác phòng chống dịch Covid-19 của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các chợ, các hệ thống phân phối trên địa bàn.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Thành phố, Sở Công Thương đã xử phạt 5 đơn vị vi phạm với số tiền 29,75 triệu đồng do nhãn ghi không đầy đủ, không đúng các thông tin bắt buộc theo quy định; sử dụng người lao động trực tiếp kinh doanh thực phẩm không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm; dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy…

Các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Sở Công Thương đã kiểm tra 24 siêu thị, trung tâm thương mại; 16 chợ; 16 điểm họp chợ cóc tại 12 quận nội thành; 09 Ban quản lý cụm công nghiệp, 09 doanh nghiệp hoạt động trong cụm công nghiệp. Qua kiểm tra, hầu hết các đơn vị đã chủ động thực hiện công tác phòng chống dịch theo quy định, đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

 Đại diện lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội cho biết, 9 tháng đầu năm 2021, Sở Công thương đặc biệt chú trọng công tác hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản, mùa vụ của 24 tỉnh, thành phố; hỗ trợ kết nối tiêu thụ thông qua các hình thức: Kết nối các sản phẩm của các tỉnh, thành phố vào kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi…), các sàn thương mại điện tử (Lazada, Amazon, Shopee, Sen đỏ, Tiki)… trên địa bàn; kết nối các doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp chế biến lớn trên cả nước; kết nối thông qua hoạt động của các tổ chức đoàn thể (thanh niên, phụ nữ); kết nối đưa vào tiêu thụ tại kênh phân phối của nước ngoài: AEON, LOTTER, MM Market…, tiêu thụ gần 200.000 tấn. Nhiều sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố đã được kết nối đưa vào 35 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội.

Điều này khẳng định vai trò của công tác đảm bảo ATTP của ngành Công thương Hà Nội trong khâu lưu thông hàng hóa trên thị trường, góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép trong bối cảnh Covid 19, vừa phòng chống dịch bệnh vừa thúc đẩy phát triển kinh tế.

Hỗ trợ tối đa cho DN hoàn thiện thủ tục hành chính

Năm 2021, trước tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp, Sở Công Thương Hà Nội đã hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố thực hiện nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm vừa đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. 9 tháng năm 2021, Sở đã cấp 177 giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP theo thẩm quyền quản lý (64 giấy chứng nhận lĩnh vực sản xuất, 113 giấy chứng nhận lĩnh vực kinh doanh); Tiếp nhận 6.003 bản tự công bố sản phẩm (400 sản phẩm của các cơ sở sản xuất và 5.603 sản phẩm nhập khẩu của các doanh nghiệp kinh doanh).

Ngành Công thương Hà Nội: Tăng cường công tác đảm bảo ATTP trong bối cảnh dịch bệnh - Ảnh 3.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (huyện Thanh Trì). Ảnh: HNM

Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: Trước đây, các doanh nghiệp, đơn vị thực hiện tự công bố sản phẩm phải gửi hồ sơ tới Sở Công thương, sau đó theo trình tự Sở sẽ đăng kết quả trên website.

Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Công thương Hà Nội đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và thí điểm việc doanh nghiệp tạo tài khoản và thực hiện tự công bố sản phẩm trực tiếp trên website, sau đó gửi hồ sơ tới Sở để kiểm tra thông tin và duyệt hoàn thành thủ tục. Việc này giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, công sức, đồng thời tăng tính chính xác, phù hợp với phát triển công nghệ 4.0.

Nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm, Sở Công thương Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm việc chấp hành quy định của pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lĩnh vực Công thương, các đơn vị quản lý chuỗi thực phẩm, các điểm kinh doanh thuộc chuỗi trên địa bàn Thành phố.

Trong đó, chú trọng tập trung vào nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, chất lượng của hàng hóa và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm; đánh giá hiệu quả hoạt động của chuỗi, đồng thời đề xuất, kiến nghị các biện pháp, giải pháp đối với các đơn vị có liên quan trong công tác kiểm soát chất lượng thực phẩm lưu thông trên địa bàn thành phố.     

Tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện đề án "Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025"; Triển khai thực hiện kế hoạch "Phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025"; triển khai thực hiện Đề án "Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025" sau khi được UBND Thành phố phê duyệt nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ và tạo niềm tin cho người dân Thủ đô trong việc mua bán thực phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem