Nếu làm dự án gang thép, Bình Định sẽ dời toàn bộ 566 hộ dân thôn Lộ Diêu

Dũ Tuấn Chủ nhật, ngày 28/05/2023 10:45 AM (GMT+7)
Khu vực dự án cảng chuyên dùng và khu liên hợp gang thép Long Sơn, dự kiến sẽ bao trùm toàn bộ dân cư thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, TX.Hoài Nhơn (Bình Định) và di dời toàn bộ 566 hộ dân.
Bình luận 0

Người dân di dời, đảm bảo điều kiện ít nhất là bằng hoặc tốt hơn nơi cũ

Ngày 28/5, UBND tỉnh Bình Định đã có công văn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng, chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư dự án đầu tư cảng chuyên dùng khu liên hợp gang thép Long Sơn giai đoạn 1, tại xã Hoài Mỹ, TX.Hoài Nhơn.

Nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Gang thép Long Sơn Phù Mỹ đề xuất đầu tư dự án, với tổng vốn 6.800 tỷ đồng, từ vốn tự có của doanh nghiệp và vay các tổ chức tín dụng.

Diện tích dự kiến sử dụng là 496,9ha (trong đó: 23ha hiện trạng là đất ven biển, 473,9ha hiện trạng là đất mặt nước), phục vụ vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho khu liên hợp gang thép Long Sơn (đã được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư). 

Nếu làm dự án gang thép, Bình Định sẽ dời toàn bộ 566 hộ dân thôn Lộ Diêu - Ảnh 1.

Thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, TX.Hoài Nhơn, Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn.

Theo UBND tỉnh Bình Định, về tác động của dự án cảng chuyên dùng khu liên hợp gang thép Long Sơn giai đoạn 1 và khu liên hợp gang thép Long Sơn, khu vực dự án bao trùm toàn bộ dân cư của thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ. Khi thực hiện dự án phải di dời toàn bộ dân cư, khoảng 566 hộ của thôn Lộ Diêu.

UBND tỉnh Bình Định xác định, đây là dự án trọng điểm của tỉnh. Chính quyền tỉnh cam kết sẽ tạo sinh kế, lâu dài ổn định, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân di dời, đảm bảo điều kiện ít nhất là bằng hoặc tốt hơn nơi cũ. 

Ngoài ra, người dân cũng được tạo điều kiện tuyển dụng, làm việc tại dự án và không vi phạm các di tích lịch sử... 

Nếu làm dự án gang thép, Bình Định sẽ dời toàn bộ 566 hộ dân thôn Lộ Diêu - Ảnh 2.

Bờ biển Lộ Diêu nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ thuộc phía Bắc tỉnh Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn.

Dự án không được tự ý liên doanh, sang nhượng cho đối tác nước ngoài

Theo UBND tỉnh Bình Định, phạm vi triển khai dự án cảng chuyên dùng tại xã Hoài Mỹ với diện tích là 496,9ha, chủ yếu là khu vực mặt biển, không ảnh hưởng lớn đến thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ và quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. 

Khi triển khai thực hiện, dự án không tự ý liên doanh, liên kết, chuyển đổi sang nhượng dự án với các đối tác nước ngoài, kể cả Việt kiều khi chưa có ý kiến của Bộ Quốc phòng và các cơ quan có liên quan. 

Nếu làm dự án gang thép, Bình Định sẽ dời toàn bộ 566 hộ dân thôn Lộ Diêu - Ảnh 3.

Di tích Bến tàu không số Lộ Diêu, nơi cập bến của một con tàu không số từ miền Bắc chi viện vũ khí cho miền Nam. Ảnh: Dũ Tuấn.

Nhà đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, giải quyết các nội dung liên quan đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; có biện pháp quản lý chặt chẽ lực lượng lao động (nhất là người nước ngoài) vào làm việc tại khu vực dự án.

Tỉnh Bình Định cũng đề nghị, có ý kiến thẩm định về mặt quốc phòng của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Quốc phòng đối với dự án nêu trên, trong giai đoạn nghiên cứu khả thi. 

UBND tỉnh Bình Định cho biết, qua rà soát, về ranh giới đề xuất của dự án tại xã Hoài Mỹ, thì có sự chồng lấn với ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển. 

Cụ thể, thuộc đoạn 9 (xã Hoài Mỹ) với chiều dài khoảng 2 km, chiều rộng hành lang khoảng từ 80,2m - 287,7m. 

Trường hợp, dự án được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, việc điều chỉnh ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh theo quy định của pháp luật. 

Ngoài ra, dự án có sử dụng khu vực biển, theo quy định, trường hợp dự án được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường giao khu vực biển. 

Do đó, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường về vị trí, ranh giới, tọa độ, diện tích khu vực biển nơi dự kiến triển khai dự án. 

Nếu làm dự án gang thép, Bình Định sẽ dời toàn bộ 566 hộ dân thôn Lộ Diêu - Ảnh 4.

Làng biển Lộ Diêu - nơi dự kiến sẽ làm dự án gang thép Long Sơn. Ảnh: Dũ Tuấn.

UBND tỉnh Bình Định cho rằng, để đầu tư xây dựng và vận hành nhà máy thép thì không thể thiếu cảng biển phù hợp gắn kết, phục vụ nhà máy. 

Công ty Cổ phần Gang thép Long Sơn đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu liên hợp gang thép Long Sơn, nay đăng ký đầu tư xây dựng cảng chuyên dùng khu liên hợp gang thép Long Sơn, là phù hợp. 

Đóng ngân sách "khủng"

Ước tính sơ bộ, dự án cảng chuyên dùng khu liên hợp gang thép Long Sơn giai đoạn 1 đi vào hoạt động tích hợp, gắn kết với khu liên hợp gang thép Long Sơn, sẽ giải quyết việc làm trực tiếp cho hơn 7.500 người (giai đoạn 1 là 3.000 người).

Ước tính nộp ngân sách ở giai đoạn thi công khoảng 4.926 tỷ đồng, ở giai đoạn đi vào sản xuất toàn bộ dự án khoảng 10.395 tỷ đồng, đóng góp tổng sản phẩm địa phương theo giá hiện hành khoảng 20.524 tỷ đồng.

Sẽ không có sự cố như Formosa

Nhiều người dân ở thôn Lộ Diêu lo ngại, nếu thực hiện dự án gang thép sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sinh kế.

Chủ tịch UBND Bình Định Phạm Anh Tuấn khẳng định, khi triển khai vận hành nhà máy sản xuất thép này, thì việc lặp lại như Formosa chắc chắn sẽ không xảy ra.

Theo lịch dự kiến, sáng 30/5 tỉnh Bình Định sẽ công khai thông tin dự án gang thép Long Sơn, tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem