Đưa học sinh ra thị trấn
Là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu, Nậm Nhùn có 11 xã, thị trấn, trong đó có 3 xã biên giới. Toàn huyện có khoảng 27.000 nhân khẩu, thuộc 11 dân tộc anh em cùng chung sống. Tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số chiếm tới 95% dân số của huyện. Dân tộc Mảng là một trong những dân tộc đặc biệt ít người, chủ yếu sinh sống trên địa bàn huyện Nậm Nhùn.
Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Hà Văn Sơn – Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn, cho biết: "Việc xây dựng và triển khai Đề án nâng cao chất lượng giáo dục học sinh THCS người dân tộc Mảng trên địa bàn huyện là rất cần thiết. Bởi lẽ, đồng bào dân tộc Mảng chủ yếu cư trú ở vùng sâu, vùng xa trong huyện, giao thông đi lại khó khăn. Những vùng này thường có ít ruộng nương, điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Hơn nữa, đồng bào dân tộc Mảng trong huyện có trình độ học vấn thấp, tập quán canh tác lạc hậu. Đặc biệt là dân tộc này còn tồn tại quá nhiều hủ tục lạc hậu như: Tảo hôn, hôn nhân cận huyết, lạm dụng đồ uống có cồn... Trong khi đó, dân tộc Mảng có dân số đông thứ 3 trong các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện".
Theo ông Vũ Tiến Hóa – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn, hầu hết học sinh dân tộc Mảng đều sinh sống, học tập ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện dạy và học còn nhiều thiếu thốn. Các bậc phụ huynh cũng ít quan tâm đến việc học hành của con em mình. Đó cũng chính là những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng học tập cũng như kỹ năng sống, giao tiếp của học sinh.
Để việc triển khai đề án đạt kết quả cao, huyện Nậm Nhùn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương của huyện cũng như mục đích và sự cần thiết của đề án. Qua công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của phụ huynh, học sinh người dân tộc Mảng được nâng lên. Người dân tạo điều kiện cho con em mình theo học bán trú tại trường THCS thị trấn Nậm Nhùn.
Từ năm học 2019 – 2020, trường THCS thị trấn Nậm Nhùn có thêm nhiệm vụ nuôi dạy học sinh dân tộc Mảng. Trao đổi với phóng viên, cô giáo Nguyễn Thị Thùy Dương – Hiệu trưởng trường THCS thị trấn Nậm Nhùn, cho hay: "Năm học 2019 – 2020, nhà trường đón 50 em học sinh dân tộc Mảng về học bán trú, trong đó có 25 học sinh lớp 6 và 25 học sinh lớp 7. Các em đều đến từ các xã, bản vùng sâu, vùng xa của huyện. Những ngày đầu ra đây, hầu hết các học sinh dân tộc Mảng đều ngại giao tiếp. Các em đều tỏ thái độ rụt rè khi các thầy, cô giáo hỏi chuyện. Thậm chí có học sinh hỏi gì cũng không trả lời. Trong sinh hoạt, các em cũng rất luộm thuộm, quần áo thay ra thì vứt bừa bộn trên giường...".
Những tiến bộ rõ nét
Nhận thức rõ mục đích của Đề án, các thầy cô giáo trường THCS thị trấn Nậm Nhùn đã không ngại khó, ngại khổ, nỗ lực nuôi dạy các em học sinh dân tộc Mảng. Ngoài thời gian lên lớp, các thầy, cô giáo nhà trường còn thường xuyên gần gũi uốn nắn, bảo ban, hướng dẫn các em học sinh dân tộc Mảng từ việc vệ sinh cá nhân hàng ngày cho đến cách ăn mặc, giao tiếp... Mưa dầm thấm lâu, trước sự dạy dỗ tận tình của các thầy, cô giáo, các em học sinh dân tộc Mảng ngày càng tiến bộ về mọi mặt.
"Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức khảo sát chất lượng học tập của học sinh dân tộc Mảng để xây dựng kế hoạch học tập phù hợp, phụ đạo, bồi dưỡng đúng đối tượng học sinh. Tăng cường giáo dục các kĩ năng sống cho các em. Giáo dục tinh thần đoàn kết dân tộc, sống hòa nhập trong tập thể; khuyến khích các em tham gia bày tỏ ý kiến tạo cho các em sự tự tin, mạnh dạn trong các hoạt động tập thể, giao tiếp hàng ngày. Sau một thời gian theo học bán trú tại trường, học sinh dân tộc Mảng giờ đã thay đổi trông thấy. Các em không chỉ học tập tốt hơn, mà còn mạnh dạn hơn, tự tin hơn khi giao tiếp" – cô giáo Dương nhấn mạnh.
Sinh sống, học tập trong môi trường mới, học sinh dân tộc Mảng có nhiều điều kiện thuận lợi để vươn lên. Chất lượng giáo dục mũi nhọn và toàn diện đối với học sinh dân tộc Mảng của trường THCS thị trấn Nậm Nhùn có nhiều chuyển biến tích cực. Năm học 2019 – 2020, có 3/5 học sinh người dân tộc Mảng tham gia và đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện...