Nam Định phấn đấu năm 2023 có ít nhất 50 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên

Đ. Lực - M. Chiến Thứ hai, ngày 13/03/2023 13:39 PM (GMT+7)
Đến hết năm 2022, toàn tỉnh Nam Định có 329 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 2 sản phẩm OCOP đang trình Bộ NNPTNT đánh giá, phân hạng 5 sao.
Bình luận 0

Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Nam Định cho biết, năm 2022, toàn tỉnh công nhận 91 sản phẩm OCOP của 65 chủ thể sản xuất; trong đó có 14 sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 77 sản phẩm OCOP đạt 3 sao.

Các huyện có nhiều sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP như huyện Giao Thủy 29 sản phẩm, huyện Trực Ninh 18 sản phẩm, huyện Xuân Trường 17 sản phẩm, huyện Hải Hậu 9 sản phẩm.

Lũy kế đến hết năm 2022, toàn tỉnh Nam Định có 329 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (cụ thể 47 sản phẩm 4 sao và 282 sản phẩm 3 sao). Trong đó, có 2 sản phẩm nghêu thịt hộp Lenger (của Công ty TNHH thuỷ sản Lenger Việt Nam) và gạo sạch chất lượng cao 888 (của Công ty TNHH Toản Xuân) đang trình Bộ NNPTNT đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao.

Nam Định phấn đấu năm 2023 có ít nhất 50 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên - Ảnh 1.

Sản phẩm muối sạch của Công ty CP Muối và Thương mại Nam Định đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh: Mai Chiến.

"Chất lượng các sản phẩm OCOP năm 2022 được đánh tốt, hình thức bao bì sản phẩm đẹp, đảm bảo quy định, đặc trưng cho từng vùng miền. Tiêu biểu như sản phẩm chế biến từ ngao của Công ty TNHH thủy sản Lenger Việt Nam, gạo sạch Quỳnh Thanh của Công ty TNHH Thanh Đoàn, Vải tơ tằm thủ công truyền thống Chất Silk của Hợp tác xã lụa Cổ Chất…", ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Nam Định bôc bạch.

Theo ông Hữu, có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ tỉnh đến cơ sở. Bởi, Chương trình OCOP được tỉnh Nam Định thực hiện song song với Chương trình MTQG về xây dựng NTM. Trong đó, Chương trình OCOP được coi là giải pháp quan trọng phát triển sản xuất và là tiêu chí bắt buộc trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, năm 2022, Sở NNPTNT Nam Định đã chủ trì, phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức tập huấn cho hơn 80 cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP về nâng cao kỹ năng thuyết trình, giới thiệu sản phẩm; kỹ năng quản lý sản xuất, xây dựng kế hoạch kinh doanh; xây dựng thương hiệu, marketing, quảng bá, phát triển sản phẩm…

Hỗ trợ các chủ thể tham gia thực hiện Chương trình OCOP hoàn thiện hồ sơ, sản phẩm theo Bộ tiêu chí OCOP bằng nhiều hình thức linh hoạt trực tiếp hoặc trực tuyến qua các nền tảng trực tuyến như zoom, zalo, facebook, điện thoại...

"Nhìn chung các cơ sở sản xuất đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc đầu tư cải tiến, nâng cấp, hoàn thiện chất lượng sản phẩm, hồ sơ sản phẩm đảm bảo các tiêu chí của Chương trình OCOP", ông Hữu đánh giá.

Ông Hữu cho hay, năm 2023, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Nam Đinh tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP. Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong công tác triển khai, thực hiện Chương trình OCOP. Phấn đấu năm 2023 toàn tỉnh có ít nhất 50 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên.

Nam Định phấn đấu năm 2023 có ít nhất 50 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên - Ảnh 2.

Các sản phẩm OCOP của tỉnh Nam Định được trưng bày, quảng bá tại nhiều sự kiện, hội nghị diễn ra trong tỉnh. Ảnh: Mai Chiến.

Để đạt được mục tiêu trên, ông Hữu cho rằng, doanh nghiệp, chủ thể OCOP cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông về Chương trình OCOP. 

Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua việc sử dụng các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream).

Các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác chỉ đạo rà soát và có phương án khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng phát triển sản phẩm OCOP. Xác định sản phẩm OCOP là tiêu chí đánh giá xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tại địa phương.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm OCOP. Hỗ trợ xây dựng, thiết lập mã Qrcode, đăng ký sở hữu trí tuệ, hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm, thiết kế mẫu mã bao bì và tem nhãn hàng hóa đúng quy định. Thực hiện quản lý giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm các sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP", ông Hữu nhấn mạnh.

Theo ông Hữu, triển khai Chương trình OCOP cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt là vai trò của lãnh đạo cấp xã trong việc tuyên truyền phát triển các phương án sản xuất kinh doanh trên địa bàn đối với sản phẩm OCOP.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem