Nam Định: "Đổ" tiền tỷ vào nuôi lợn theo cách mới lạ, ông nông dân này nuôi đâu thắng đó

Mai Chiến Thứ ba, ngày 07/09/2021 06:00 AM (GMT+7)
Mặc dù mới áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi lợn nhưng trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Tiệp (thôn Tam Quang, xã Yên thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) đã thu được "quả ngọt" vượt trội hơn so với mô hình chăn nuôi chuồng hở trước đây.
Bình luận 0
Nam Định: "Đổ" tiền tỷ vào nuôi lợn theo cách mới, ông nông dân này luôn né được dịch bệnh  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Tiệp (áo xanh) chia sẻ kinh nghiệm dùng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn tại trang trại của gia đình. Ảnh: Mai Chiến

Đưa công nghệ cao vào chăn nuôi lợn

Đến nay, ông Nguyễn Văn Tiệp đã có hơn 30 năm trong nghề chăn nuôi lợn. Trước đây, gia đình ông chăn nuôi lợn theo phương pháp truyền thống với hệ thống chuồng hở nên không đảm bảo an toàn dịch bệnh. 

Năm 2019, khi dịch tả lợn châu Phi "tấn công", đàn lợn của gia đình ông bị mắc bệnh và chết như ngả rạ. Tổng khối lượng tiêu hủy lên đến hơn 10 tấn lợn hơi, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Sau khi "bão" dịch tả lợn châu Phi qua đi, ông Tiệp lên kế hoạch sửa sang lại chuồng trại, hướng tới chăn nuôi bền vững, kiểm soát dịch bệnh. 

Được sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, ông Tiệp đã mạnh dạn bỏ ra hơn 1 tỷ đồng để đầu tư và xây dựng lại trang trại chăn nuôi lợn rộng 600m2 với 10 ô nuôi.

Theo đó, toàn bộ trang trại được xây dựng theo kiểu chuồng kín, sử dụng các trang thiết bị hiện đại, có lắp đặt hệ thống thông gió làm mát, hệ thống cấp nước tự động, camera giám sát đàn lợn nuôi…

Đặc biệt, chuồng nuôi lợn sử dụng nền đệm lót sinh học, đảm bảo quy trình chăn nuôi khép kín và kinh tế tuần hoàn. Qua đó, nâng cao chất lượng đàn nuôi, giảm thiểu thiệt hại kinh tế gia đình.

Ông Nguyễn Văn Tiệp tâm sự: "Sau sự cố vào năm 2019, gia đình quyết tâm không bỏ cuộc, vẫn bám vào con lợn để kiếm kế sinh nhai, ổn định cuộc sống. Được sự giúp đỡ của các ngành chức năng, gia đình tôi xây dựng lại mới hoàn toàn trang trại theo kiểu chuồng kín, đảm bảo an toàn dịch bệnh...".

Hiện nay, tổng đàn của trang trại luôn duy trì ổn định trên dưới 300 con gồm lợn bố mẹ, lợn choai. Đàn lợn được nuôi trên nền đệm lót sinh học; vừa đảm bảo sạch sẽ, vừa khỏe mạnh.

Ông Tiệp cho biết, ưu điểm của mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi lợn là hạn chế được dịch bệnh tấn công, môi trường xung quanh chuồng nuôi không bị ô nhiễm, tiết kiệm được nguồn nước do đàn lợnkhông phải tắm. Hơn nữa, đàn lợn có sức đề kháng cao, ăn tốt, ngủ khỏe.

Nam Định: "Đổ" tiền tỷ vào nuôi lợn theo cách mới, ông nông dân này luôn né được dịch bệnh  - Ảnh 3.

Nhờ chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn, đàn lợn của gia đình ông Nguyễn Văn Tiệp lớn nhanh, sức đề kháng cao. Ảnh: Mai Chiến

Theo ông Tiệp, nền chuồng nuôi được thiết kế thành 2 phần khác nhau, một nửa chuồng là nền bê tông, nửa còn lại là nền đệm lót sinh học.Trong đó,1/2 nền chuồng phía sau thấp hơn 1/2 nền chuồng phía trước từ 35 -40cm, có độ dốc từ 1 - 2 độ.

Nguyên liệu làm nền đệm lót sinh học chủ yếu là vỏ trấu, đường, chế phẩm MT-BIOMIX. Trước khi làm đệm lót, vỏ trấu được khử trùng xông focmol và thuốc KMn04 trong vòng 48 tiếng. Điều quan trọng là vỏ trấu phải được xử lý trước từ 1 - 2 tuần.

Về xử lý dịch men, áp dụng theo công thức cho 0,5kg men gốc và 1kg đường vào thùng nước 100 lít; sau đó khuấy đều, đậy kín nắp. Và cũng phải xử lý trước 2 - 5 giờ để đảm bảo công dụng. Nếu nhiệt độ ngoài trời dưới 15°C thì có thể dùng nước ấm.

"Quy trình làm đệm lót sinh học rất đơn giản, dễ làm, trải qua 4 bước. Trước tiên rải lớp vỏ trấu dầy 20cm. Tiếp đến phun nước sạch đều lên trên mặt khi đạt độ ẩm khoảng 30 - 40%, trong quá trình phun nước phải dùng cào đảo cho vỏ trấu ẩm đều. Xong công đoạn này thì tưới dịch men. Cuối cùng chờ lên men, nếu mùa hè có thể thả lợn vào ngay; còn mùa đông thì sau 2 - 3 ngày mới được thả lợn vào", ông Tiệp nói.

Ông Tiệp cho biết thêm, công dụng của nền đệm lót sinh học là giúp khử mùi chất thải của lợn, đồng thời thúc đẩy nhanh tốc độ hoai mục trở thành phân hữu cơ không mùi, giúp ích cho cây trồng. Sau mỗi lứa nuôi, cần dọn dẹp sạch đệm lót và làm mới nền sinh học trước khi vào nuôi lứa lợn mới.

Thời gian qua, để đảm bảo an toàn cho trang trại lợn, gia đình ông Tiệp thực hiện "cấm trại", không cho người lạ vào khu vực chăn nuôi. Toàn bộ công nhân ăn uống, sinh hoạt trong khu vực trang trại…

Lợn khỏe, tăng trọng nhanh

Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y Nam Định, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 4 trang trại ở các huyện Nam Trực, Ý Yên, Xuân Trường và Hải Hậu đang áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi lợn. Nhờ áp dụng mô hình này, người chăn nuôi được hưởng lợi ích "kép".

Nam Định: "Đổ" tiền tỷ vào nuôi lợn theo cách mới, ông nông dân này luôn né được dịch bệnh  - Ảnh 4.

Gia đình ông Tiệp giám sát đàn lợn qua hệ thống camera bên ngoài khu nhà quản lý trang trại của mình. Ảnh: Mai Chiến

Ông Ninh Văn Hiểu - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Nam Định cho hay: Qua đánh giá của các cơ quan chuyên môn thì đàn lợn được nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn tăng trọng nhanh; bình quân 0,7kg/ngày. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Tiệp (xã Yên Thắng, huyện Ý Yên).

Theo ông Hiểu, nhờ áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, đảm bảo quy trình sản xuất nên các trang trại đạt tỷ lệ nuôi sống đến khi xuất bán ở mức 100%. Thời gian nuôi, tính từ lúc con giống đến lúc xuất bán dao động từ 110 - 120 ngày.

Phân tích thêm về những lợi ích mang lại từ mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, ông Hiểu cho hay: Mô hình nuôi lợn mới lạ này có ưu điểm vượt trội. Đó là hiệu quả kinh tế, cụ thể giảm thiểu thiệt hại và giảm chi phí trong việc phòng chống bệnh dịch thông qua kiểm soát được nguồn nước và chất thải; 

Chăn nuôi lợn kiểu mới này giảm 70 - 80% nước do không phải tắm cho đàn lợn, qua đó giảm chi phí tiền điện; tăng giá trị sản phẩm. Tạo thêm nguồn thu nhập cho người chăn nuôi thông qua việc cung cấp nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ cho ngành trồng trọt.

Hai là hiệu quả xã hội và môi trường, theo đó giảm tối đa mùi hôi thối; khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn; tạo môi trường sống tốt, không ô nhiễm. Vì vậy cải thiện được môi trường sống cho người lao động.

Không phải thay dọn phân và rửa chuồng trong suốt quá trình nuôi, do đó giảm tối đa nhân công dọn chuồng, lượng nước và lượng điện dùng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm thịt lợn có chất lượng tốt; người chăn nuôi được tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật, nâng cao kiến thức chăn nuôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem