Một xã vùng cao đặc biệt khó khăn ở Lào Cai quyết tâm về đích nông thôn mới năm 2022

Minh Ngọc Thứ sáu, ngày 25/06/2021 13:39 PM (GMT+7)
"Chương trình xây dựng nông thôn mới như một làn gió làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống của người nhân từng bước được nâng cao" - ông Nguyễn Thành Công - Chủ tịch UBND xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên (Lào Cai) vui mừng chia sẻ với PV Báo NTNN.
Bình luận 0

Còn nhiều rào cản, thách thức

Kim Sơn là xã vùng 3 của huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai dân số 7.801 khẩu với 11 dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn 17 thôn, bản. Trong đó, dân tộc kinh chiếm 25,5%, dân tộc Tày chiếm 42,6%, dân tộc Dao chiếm 19,9%, dân tộc Xa Phó chiếm 9,2%, dân tộc Mông chiếm 1,9%, còn lại dân tộc khác chiếm 0,9%.

"Là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn trở ngại lớn nhất của chúng tôi là làm thế nào để nâng cao thu nhập cho người dân" - đây là những trăn trở của lãnh đạo xã Kim Sơn trong suốt quá trình từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM).

Thổi làn gió mới đến xã vùng cao - Ảnh 1.

Gia đình ông Đỗ Tài Chính (thôn Bảo Ân, xã Kim Sơn) có thu nhập gần 100 triệu đồng từ nuôi cá thương phẩm. Ảnh: Minh Ngọc.

"Ngoài tái cơ cấu nông nghiệp, Kim Sơn quyết tâm xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội phù hợp, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, gắn phát triển nông thôn với phát triển đô thị theo quy hoạch với quyết tâm đến tháng 11/2022 cán đích NTM".

Ông Nguyễn Thành Công - Chủ tịch UBND xã Kim Sơn

Chủ tịch UBND xã Kim Sơn Nguyễn Thành Công cho biết, sự ảnh hưởng từ những phong tục tập quán từ trước để lại, người dân với tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, cơ sở vật chất chưa đồng bộ đang là rào cản khi bắt tay vào thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM.

Trước những thử thách đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng nhân dân xã Kim Sơn đã cùng nhau đoàn kết, gỡ khó từng nút thắt để đến thời điểm tháng 6/2021, xã đã hoàn thành 14/19 tiêu chí.

"Trên lộ trình xây dựng NTM, Kim Sơn đối diện với bộn bề khó khăn. Trong đó, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, đất đai bị chia cắt bởi núi cao, suối sâu, giao thông đi lại khó khăn, dân cư sinh sống không tập trung, trình độ dân trí thiếu đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao… Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị của cấp ủy, chính quyền sở tại, sự đồng thuận trong nhân dân đã có bước chuyển khởi sắc" - ông Công bộc bạch.

Theo đó, để khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, cấp ủy và chính quyền xã Kim Sơn đều xác định triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó mấu chốt là phát huy nội lực của địa phương, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Mặt khác, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, củng cố hệ thống tổ chức bộ máy tham mưu, giúp việc thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM. Để minh chứng cho điều này, ông Công dẫn tôi đi trên con đường khang trang, được trải bêtông vắt vẻo bên sườn đồi như một dải lụa, hai bên là đường hoa đủ sắc màu như khẳng định sức sống đang vươn mình ở xã đặc biệt khó khăn này.

Hướng đến tái cơ cấu nông nghiệp

Ngoài những tiêu chí đã hoàn thành, hiện nay xã Kim Sơn còn 5 tiêu chí chưa đạt, đó là tiêu chí số 5 (trường học), số 6 (cơ sở vật chất - văn hóa), số 10 (thu nhập), số 17 (môi trường) và 19 (an ninh - trật tự - xã hội).

Để sớm hoàn thành những tiêu chí này, xã Kim Sơn xác định xây dựng NTM mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp nâng cao giá trị và phát triển bền vững nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

"Kim Sơn sẽ tập trung xây dựng 3 - 5 mô hình kiểu mẫu về phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, phát triển thương hiệu cho sản phẩm. Từ đó, làm nền tảng nâng cao thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 48 triệu đồng/người/năm" - ông Nguyễn Thành Công chia sẻ.

Trong đó, mục tiêu cụ thể, chuyển đổi diện tích đất lúa không có hiệu quả chuyển sang chăn nuôi thủy sản, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao nâng tổng diện tích trồng dâu nuôi tằm trên 37ha, nuôi cá thương phẩm trên 25ha và rau, đậu...

Đặc biệt, kêu gọi đầu tư thành lập doanh nghiệp về nông nghiệp, hợp tác xã và các tổ, đội sản xuất.

Đến thăm mô hình nuôi cá thương phẩm của ông Đỗ Tài Chính (thôn Bảo Ân, thuộc tổ sản xuất cá thương phẩm xã Kim Sơn) tôi không khỏi ngạc nhiên khi ông có cách nuôi cá bài bản và cơ sở vật chất được đầu tư hiện tại từ máy cho cá ăn tự động, máy sục khí.

Ông Chính chia sẻ: "Từ khi tham gia vào tổ sản xuất cá thương phẩm, các thành viên thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với nhau từ đó tìm ra cách nuôi cá hiệu quả".

Hiện nay, với diện tích 1ha nuôi cá thương phẩm ông Chính đã có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem