Một xã ở Cao Bằng có tên là bí danh của người giúp Bác Hồ in báo, nơi có nhà tù giam phi công Mỹ

Thứ hai, ngày 13/03/2023 18:35 PM (GMT+7)
Xã Vân Trình trước Cách mạng Tháng Tám 1945 có tên gọi là Tung Cao, thuộc tổng Ngọc Pha, châu Thạch An. Cách mạng Tháng Tám thành công, xã Tung Cao được đổi tên thành xã Vân Trình, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.
Bình luận 0

Vân Trình là bí danh của một thanh niên dân tộc Tày, tên thật là Bế Nhật Huyến, quê ở châu Hòa An, được Đảng bộ Cao Bằng chọn cử đến giúp Bác Hồ in báo, Bác đặt tên là Vân Trình. 

Ngoài việc in báo, đồng chí còn tham gia nhiều việc khác trong hoàn cảnh bí mật. Giữa lúc Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng đang họp thì đồng chí hy sinh. 

Tên đồng chí được đặt cho một xã có phong trào cách mạng sớm nhất ở châu Thạch An, xã Tung Cao được đổi tên là xã Vân Trình của huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng cho đến ngày nay.

Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, một số thanh niên yêu nước đã tổ chức tuyên truyền giác ngộ cách mạng, bí mật hoạt động, phân công nhiệm vụ cho một số quần chúng tích cực. 

Đến tháng 2/1933, xã Vân Trình có 4 đảng viên. Chi bộ đầu tiên của huyện Thạch An được thành lập. Vân Trình cũng là nơi các cán bộ cấp trên thường đi lại, liên lạc với cơ quan lãnh đạo của ta, là nơi chỉ đạo phong trào cách mạng của các đồng chí: Hoàng Đình Giong, Chu Huy Mân…

    Một xã ở Cao Bằng có tên là bí danh của người giúp Bác Hồ in báo, nơi có nhà tù giam phi công Mỹ - Ảnh 2.

    Khu Di tích nhà tù giam giữ phi công Mỹ tại xã Vân Trình (huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng) được bảo tồn, gìn giữ. Vân Trình là bí danh của một thanh niên mang tên Bế Nhật Huyến, quê ở châu Hòa An, được Đảng bộ Cao Bằng chọn cử đến giúp Bác Hồ in báo, Bác Hồ đặt tên bí danh cho Bế Nhật Huyền là Vân Trình.

    Giữa lúc phong trào phát triển mạnh và lan rộng, địch ráo riết lùng sục, bắt bớ cán bộ cách mạng, một số đảng viên cũng bị bắt. 

    Tháng 1/1945, chi bộ Đảng được củng cố lại. Ngày 8/5/1945, chính quyền Việt Minh được thành lập tại Lũng Đang, thuộc thôn Phạc Sliến, xã Vân Trình; tuyên bố giải thể bộ máy tổng lý, kỳ hào của thực dân, phong kiến đặt ra, bãi bỏ các thứ thuế. 

    Chi bộ Đảng phát triển ngày càng lớn mạnh là điều kiện thuận lợi để trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng, vận động nhân dân góp lương thực, thực phẩm, lao động gây quỹ. Tiêu biểu là sự kiện ngày 1/5/1949, bất chấp sự khủng bố của địch, chi bộ chỉ đạo rải trên 10 kg truyền đơn ở khu vực Đông Khê, treo cờ búa liềm tại khu vực trường học Đông Khê. 

    Tại Lũng Đang, nhân dân dựng nhà kho để chứa lương thực, thực phẩm của các xã vùng lân cận đóng góp phục vụ kháng chiến. Xã Vân Trình không chỉ là nơi cất giấu lương thực, vũ khí mà còn là nơi tập kết, huấn luyện, nơi các cơ quan của huyện làm việc.

    Vân Trình không những là chiếc nôi của cách mạng mà còn là hậu phương vững chắc của Chiến dịch Biên giới năm 1950. Giai đoạn này xã có 21 đồng chí bị tù đày, 75 thanh niên tham gia quân đội, 3 trung đội dân quân du kích, có đại đội 670 bộ đội địa phương, 

    Trung đoàn 174 cùng với nhân dân trong xã cam kết lời thề sắt son quyết tâm chiến thắng kẻ thù… Do có nhiều công lao, ngày 10/6/1999, xã vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp.

    Giai đoạn 1954 - 1975 là giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Đảng bộ và nhân dân xã Vân Trình cùng với nhân dân cả nước quyết tâm thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược với khí thế thi đua mỗi người làm việc bằng hai, tất cả cho tiền tuyến. Thời kỳ 1969 - 1974, lực lượng dân quân kết hợp với bộ đội bảo vệ an toàn khu trại giam Đông Slấn - Bó Dường. G

    iai đoạn này xã có 119 thanh niên lên đường nhập ngũ, 23 đồng chí được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, có 15 liệt sĩ, 8 thương binh, 1 Mẹ Việt Nam Anh hùng.

    Trong chiến tranh biên giới năm 1979, quân và dân xã Vân Trình vừa làm nhiệm vụ chiến đấu vừa bảo vệ nhân dân sơ tán, đưa đón các đoàn cán bộ, các đơn vị bộ đội đi qua địa bàn. 

    Trên 70 dân quân và hàng trăm dân công tham gia mở đường chiến lược mang tên "3 - 2" dài 10 km từ Quốc lộ 4A qua Vân Trình đến Quảng Hòa; phối hợp cùng Trung đoàn pháo binh 456 xây dựng trận địa tại Bá Quảng, xã Lê Lai; huy động 110 thanh niên chiến đấu và phục vụ chiến đấu; toàn xã có 5 liệt sĩ, 4 thương binh.

    Ngày 10/1/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 864/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Cao Bằng. Theo đó, sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của xã Thị Ngân vào xã Vân Trình.

    Khai thác lợi thế địa phương để đẩy mạnh phát triển kinh tế, những năm gần đây, xã Vân Trình tập trung trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao, trong đó hồi trở thành cây trồng chủ lực, góp phần giảm nghèo cho người dân.

    Dạ Đăng (Báo Cao Bằng)
    Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày Xem