Một tàu cá đánh bắt trái phép bị bắt ở vùng biển nước ngoài, nhiều cơ quan, tổ chức phải kiểm điểm

Bùi Phụ Thứ năm, ngày 27/04/2023 14:29 PM (GMT+7)
UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ những việc chưa thực hiện, thực hiện chưa tốt dẫn đến một tàu cá của ngư dân Bình Thuận vi phạm vùng biển nước ngoài.
Bình luận 0

Tàu hết hạn đăng kiểm vẫn ra khơi

Ngày 27/4, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này đã ký văn bản (1419 –UBND -KT) gửi Sở NNPTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nội vụ và UBND huyện Hàm Tân yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm vì còn để tàu cá của địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài.

Một tàu cá đánh bắt trái phép và bị bắt ở vùng biển nước ngoài, nhiều cơ quan, tổ chức phải kiểm điểm - Ảnh 1.

Tàu cá Bình Thuận đang neo đậu ở vùng biển TP. Phan Thiết. Ảnh: Bùi Phụ

Văn bản nêu rõ, qua báo cáo của Sở NNPTNT, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh Bình Thuận về vụ việc tàu cá trên địa bàn xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân vi phạm khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài và bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ ngày 14/1/2023, ngày 2/2, Cục Kiểm ngư (Bộ NNPTNT) có Công văn gửi tỉnh Bình Thuận đề nghị xác minh tàu cá mang số hiệu BTh-96328-TS bị Malaysia bắt giữ.

Thông tin xác minh ban đầu của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, chủ tàu cá BTh-96328-TS bị bắt trên là bà Trần Thị Ngọc Linh (SN 1972) địa chỉ thường trú tại thôn Đá Mài, xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Tàu có chiều dài 14,85 mét, công suất 290 Kw, hoạt động nghề câu nhưng tàu này thường xuyên hoạt động, lưu trú tại các vùng biển ở các tỉnh Tây Nam Bộ.

Ngày 5/1/2023 vừa qua, tàu này xuất bến tại biển Gành Hào (Bạc Liêu), trên tàu lúc này có 7 lao động do Nguyễn Quý Phi (con bà Linh) làm thuyền trưởng.

Khoảng hơn 1 tuần sau, tàu bị mất liên lạc và bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ ngày 14/1. Tại thời điểm xuất bến tại Gành Hào, Bạc Liêu, tàu hết hạn đăng kiểm, không đủ điều kiện hoạt động trên biển…

Kiểm điểm trách nhiệm nhiều cơ quan

Để đảm bảo thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị, cá nhân liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các tổ chức kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu địa phương.

Một tàu cá đánh bắt trái phép và bị bắt ở vùng biển nước ngoài, nhiều cơ quan, tổ chức phải kiểm điểm - Ảnh 2.

Theo Công điện ngày 17/4/2023, Thủ tướng Chính phủ phê bình tỉnh Bình Thuận cùng với 3 tỉnh khác (Bình Định, Khánh Hòa - Kiên Giang) còn để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài từ đầu năm 2023 đến nay. Ảnh: Bùi Phụ

Cụ thể là Chủ tịch UBND xã Tân Xuân, Trưởng phòng NNPTNT huyện Hàm Tân, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân phụ trách công tác chống khai thác IUU.

Bên cạnh đó là kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu đơn vị khác như: Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận phụ trách công tác chống khai thác IUU; Đồn trưởng Đồn Biên phòng phụ trách địa bàn có tàu cá vi phạm; Giám đốc, Phó giám đốc Sở NNPTNT phụ trách công tác chống khai thác IUU; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản phụ trách công tác chống khai thác IUU.

Riêng huyện Hàm Tân, địa phương có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tiến hành kiểm điểm trách nhiệm các chức danh cấp xã, cấp huyện, Đồn Biên phòng phụ trách địa bàn.

Đối với các chức danh cấp tỉnh, như Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, Sở NNPTNT, Chi cục Thủy sản, tiến hành kiểm điểm tại cơ quan, đơn vị.

Nội dung kiểm điểm phải làm rõ những việc chưa thực hiện, thực hiện chưa tốt dẫn đến hạn chế, vi phạm, nguyên nhân của hạn chế, nội dung đã xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm, đề ra những giải pháp cụ thể gắn với trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị nhằm ngăn chặn, chấm dứt vi phạm thời gian tới.

Việc kiểm điểm trách nhiệm phải làm rõ nếu do lãnh đạo, quản lý thiếu chặt chẽ để xảy ra vi phạm, nếu do buông lỏng trách nhiệm đến mức phải thi hành kỷ luật thì xử lý theo quy định.

Địa phương, các cơ quan cấp tỉnh gửi báo cáo kết quả kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị, cá nhân liên quan (kèm bản kiểm điểm của cá nhân liên quan) về Sở NNPTNT, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh Bình Thuận chậm nhất là ngày 5/5/2023.

UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở NNPTNT phối hợp Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh nội dung báo cáo kiểm điểm để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/5/2023.

Theo Công điện ngày 17/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê bình tỉnh Bình Thuận cùng với 3 tỉnh khác (Bình Định, Khánh Hòa, Kiên Giang) còn để tàu cá của địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài từ đầu năm 2023 đến nay.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/5.

Một tàu cá đánh bắt trái phép và bị bắt ở vùng biển nước ngoài, nhiều cơ quan, tổ chức phải kiểm điểm - Ảnh 3.

Tàu cá của đang neo đậu ở vùng biển TP. Phan Thiết tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Bùi Phụ

Kiểm điểm chủ tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài

Trước đó, ngày 18/3/2022, các cơ quan chức năng thị xã La Gi (Bình Thuận) đã đưa chủ tàu ra kiểm điểm công khai trước nhiều người.

Cụ thể, tàu cá của bà Trần Thị Thanh Huyền - Trần Thị Thống (ở phường Phước Hội, thị xã La Gi) bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ phương tiện cùng các thuyền viên khi khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước này vào tháng 9/2021 và tháng 1/2022.

img

Buổi kiểm điểm chủ tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài ở thị xã La Gi: Ảnh: BTO

Tại buổi kiểm điểm, bà Trần Thị Thanh Huyền và bà Trần Thị Thống chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đã lần lượt đọc bản kiểm điểm của mình trước sự chứng kiến của bà con ngư dân cùng chính quyền địa phương.

Các chủ phương tiện đã thấy việc sai phạm và cam kết không tái phạm, đồng thời vận động nhiều người khác không khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.

Tại buổi kiểm điểm, lãnh đạo phường và thị xã La Gi đã phân tích rõ tính chất nghiêm trọng, những biện pháp xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật để các chủ phương tiện, thuyền trưởng, ngư dân nhận thức được hành vi, tư tưởng sai trái của mình. Từ đó cảnh tỉnh, rút kinh nghiệm trong cộng đồng ngư dân, bằng mọi biện pháp để chấm dứt tình trạng ngư dân khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem