Một phụ nữ Chăm mộ đạo Bàni ở Bình Thuận, đảm việc nhà, giỏi việc "hàng tổng"

Bùi Phụ Thứ sáu, ngày 24/03/2023 06:25 AM (GMT+7)
Nhân dịp Tết Ramưwan của bà con người Chăm (theo đạo Bàni), một ngày cuối tháng 3/2023, chúng tôi đến ăn tết với bà con ở thôn Bình Minh xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình(Bình Thuận). Và ở đây nghe bà con truyền tai nhau một phụ nữ Chăm mộ đạo, đảm việc nhà, giỏi việc "vác tù và hàng tổng"...
Bình luận 0

Thoát nghèo nuôi con thành bác sỹ

Về đây, chúng tôi nghe bà con nói nhiều về một phụ nữ người Chăm, khi khởi nghiệp rất nghèo khó, hai bàn tay trắng... nhưng nhờ hai vợ chồng chí thú làm ăn, được ngân hàng cho vay vốn làm nông nghiệp... gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo, nuôi con ăn học thành tài...

Đó là chị Lư Nữ Mộng Hồng (SN 1977) một phụ nữ người Chăm ở thôn Bình Minh xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận).

Người phụ nữ Chăm ăn cơm nhà "vác tù và hàng tổng"  - Ảnh 1.

Chị Lư Nữ Mộng Hồng ( Áo dài) chụp ảnh lưu niệm cùng các chị trong Hội LHPN huyện Bắc Bình đến thăm nhà dịp Tết Ramưwan. Ảnh: Bùi Phụ

Vừa đến đầu thôn Bình Minh, hỏi nhà chị Mộng Hồng thì ai cũng biết bởi chị là người nổi tiếng. Một phụ nữ người Chăm khác hỏi lại tôi: Chị Hồng có con là bác sĩ phải không? Thấy tôi gật đầu chị đã dẫn tôi đến trước cửa nhà người tôi cần tìm.

Lúc tôi đến, chị Mộng Hồng đang chăm sóc cây xanh trước nhà để chuẩn bị đón Tết Ramưwan. Nhìn căn nhà tường khang trang, sạch đẹp, sân rộng có nhiều cây xanh, chúng tôi cảm thấy tinh thần thư thái...

Sau khi pha trà mời khách phương xa, chị Mộng Hồng kể lại cuộc mưu sinh thăng trầm của hai vợ chồng từ lúc mới cưới cho đến hôm nay...

Chị Mộng Hồng nhớ lại: Hơn 25 năm trước, sau khi cưới chồng, vì người Chăm theo mẫu hệ nên mọi việc gánh vác lớn nhỏ, kinh tế của gia đình đều đặt lên vai chị. Phần đất hơn 2ha gia đình cho chị làm của hồi môn, vợ chồng chị trồng lúa nhưng không khá nổi. Bởi hồi ấy hệ thống thủy lợi, kênh mương chưa thuận tiện như bây giờ...

Tình cờ, gặp cán bộ Hội Nông dân và Hội phụ nữ xã Phan Hòa tư vấn nên chị đi vay tiền của ngân hàng nông nghiệp (Agribank), lấy đó làm vốn chuyển sang trồng thanh long.

Người phụ nữ Chăm ăn cơm nhà "vác tù và hàng tổng"  - Ảnh 2.

Chị Lư Nữ Mộng Hồng trên đường tuyên truyền ở thôn Bình Minh xã Phan Hòa. Ảnh: Bùi Phụ

Nhờ chịu khó học hỏi những nông dân đi trước nên 3 sào thanh long của gia đình chị Mộng Hồng được mùa, được giá… Vài năm sau, gia đình chị thoát nghèo. Chị Mộng Hồng mở thêm quán bán nước, thêm tiệm tạp hóa tại nhà để bán cho hàng lại cho bà con nông dân người Chăm trong xóm, tăng nguồn thu nhập…

"Chuyện kể với nhà báo thì ngắn, chứ hành trình vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định như ngày hôm nay của đình tôi nổi tiếng cả xã Phan Hòa này…", chị Mộng Hồng tâm sự.

Theo lời chị Mộng Hồng, sau khi thoát nghèo, vợ chị quyết nuôi con ăn học thành tài. Bởi vợ chồng chị cho rằng chỉ có kiến thức mới mang lại sự ấm no, hạnh phúc cho mỗi gia đình.

Đến nay hai người con trai lớn của chị Mộng Hồng, một là bác sỹ đang công tác ở TP Cần Thơ, một đang là sỹ quan trong quân đội. Riêng đứa con gái út đang học lớp 10 tại Bắc Bình…

Còn căn nhà mới khang trang, gia đình chị mới xây dựng gần đây từ nguồn tiền tích lũy làm nông nghiệp, buôn bán nhỏ.

"Vác tù và hàng tổng"

Trả lời câu hỏi của chúng tôi vì sao định hướng cho con trai theo đường "binh nghiệp", chị Mộng Hồng nói: "Đất nước mình thanh bình, mình sống trong hạnh phúc, là nhờ các anh bộ đội giữ vững biên cương. Con trai mình đi theo ngành đó cũng mong muốn cho bà con, xóm làng mình luôn hạnh phúc. Hạnh phúc rồi mới làm ăn giàu có, sẽ thoát được nghèo. Một đứa theo nghề bác sỹ là để chữa bệnh cho bà con khi ốm đau…", chị Mộng Hồng cho biết.

Nói về công việc hiện tại, chị Mộng Hồng cho biết, phần đất làm thanh long hiện nay vợ chồng chị vẫn làm, thu nhập ổn định. Nhớ đó mà mấy năm rồi, chị dành nhiều thời gian đi tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bà con người Chăm trong xóm.

"Tôi làm công tác tuyên truyền là muốn mà con hiểu rõ các chính sách, pháp luật để tuân thủ tốt hơn. Cha mẹ nào cũng hiểu rồi thì dạy con cái sẽ được tốt hơn. Các cháu nhỏ ra đường sẽ không vi phạm pháp luật, gia đình sẽ đấm ấm, hạnh phúc hơn. Lúc đó, đi đâu cũng thấy xóm làng mình có nhiều người tốt…", chị Mộng Hồng tâm sự.

Dẫn chúng tôi, dạo một lúc trên đường làng thôn Bình Minh, chị Mộng Hồng thông tin, mấy năm gần đây, chị thường tuyên truyền cho bà con nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường. Việc này nhằm góp phần tích cực hơn, giúp chính quyền thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh nên rất được nhiều bà con ủng hộ...

"Trước đây bà con chưa quen, thường xả rác không đúng chỗ thì bây giờ nhà nào cũng có sọt rác riêng (hoặc bao nhựa) nên góp phần làm sạch các con đường trong xóm này hơn...", chị Mộng Hồng nói.

Người phụ nữ Chăm ăn cơm nhà "vác tù và hàng tổng"  - Ảnh 4.

Chị Lư Nữ Mộng Hồng trước ngôi nhà riêng ở thôn Bình Minh xã Phan Hòa. Ảnh: Bùi Phụ

Chị Trầm Ngân, một phụ nữ Chăm ở thôn Bình Minh cho biết, ngoài việc truyền truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước đến từng gia đình, chị Mộng Hồng còn mất nhiều công sức để thành lập nhóm múa truyền thống của người Chăm.

"Nhờ chị Hồng, truyền lại mà các em gái trẻ trong xóm biết biểu diễn những điệu múa truyền thống hay và đẹp của người Chăm. Nhóm múa này hiện nay hơn 20 em và thường phục vụ cho bà con trong xã...", chị Trầm Ngân cho biết.

Người phụ nữ Chăm có góc nhìn tích cực

Trao đổi với PV Dân Việt, chị Nguyễn Thị Vân Khánh - chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (Hội LHPN) huyện Bắc Bình, cho biết 100% cư dân xã Phan Hòa là người Chăm nên công tác truyền truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, rất cần một người phụ nữ am hiểu sâu, rộng tiếng Chăm và tiếng Việt. Chị Lư Nữ Mộng Hồng rất phù hợp và tuyên truyền rất hiệu quả.

Người phụ nữ Chăm ăn cơm nhà "vác tù và hàng tổng"  - Ảnh 5.

Chị Lư Nữ Mộng Hồng đang ghi chép những công việc cần tuyên truyền. Ảnh: Bùi Phụ

"Chị Mộng Hồng đã đại diện cho phụ nữ Chăm ở xã Phan Hòa, là hình ảnh của người phụ nữ dân tộc "giỏi việc nước, đảm việc nhà". Chị có góc nhìn rất tiến bộ, tích cực và sự quyết tâm thoát nghèo, thoát khổ cho gia đình và các con chị sau này. Chị tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương bằng sự tâm huyết, trách nhiệm, có hoài bão ước mơ được gửi gắm qua chính hành động, việc làm nhỏ nhất của chị về bản thân, gia đình, với cộng đồng người Chăm nơi chị đang sinh sống...", chị Vân Khánh chia sẻ.

Cũng theo chị Vân Khánh, mấy năm qua, chị Mộng Hồng đã bỏ công sức nhiều đi tuyên truyền vận động bà con trong xóm tích cực làm việc để phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con tốt, vận động học sinh không bỏ học...Việc này được chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng đánh giá cao.

Theo UBND xã Phan Hòa, (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) toàn xã có 3 thôn và 4 khu dân cư đều dân tộc Chăm theo đạo Bàni. Đa số bà con sống bằng nghề nông nghiệp. Phan Hòa cũng là quê hương của cầu thủ Dụng Quang Nho.

Nhân dịp tết "Ramưwan", xã đã tuyên truyền cho bà con làm vệ sinh môi trường trên tuyến đường liên thôn, trong khu dân cư và vận động treo cờ tổ quốc và chúc bà con ăn Tết Ramưwan vui tươi, tiết kiệm, lành mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem