Một ông nông dân Quảng Trị được ví như "quái kiệt" trong nghề đi biển, dịp tết trúng đậm vì bắt loài tôm này

Chủ nhật, ngày 29/01/2023 19:27 PM (GMT+7)
“Nghề tôm bạc thường chỉ diễn ra từ tháng 10 âm lịch đến sau Tết. Mùa này biển lạnh lắm bất trắc nhưng phải tranh thủ vì tôm xuất hiện nhiều, rồi Tết cũng đã cận kề bao nhiêu việc phải lo”, vừa dứt lời anh Hoàng Đức Toàn (tỉnh Quảng Trị) đã nổ máy chiếc ghe nhỏ thẳng tiến ra Cửa Tùng khi trời còn chưa tỏ mặt người.
Bình luận 0

Làng Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh (Quảng Trị), bao đời nay nổi danh với nghề đi biển. Nghề biển nhọc nhằn, lắm hiểm nguy vậy nên ở Nam Sơn luôn có nhiều ngư phủ giỏi giang, kinh nghiệm đầy mình, được dân làng ví như “quái kiệt” trong vươn khơi bám biển. Anh Hoàng Đức Toàn là người như thế…

Một ông nông dân Quảng Trị được ví như "quái kiệt" trong nghề đi biển, dịp tết trúng đậm vì bắt loài tôm này - Ảnh 1.

Anh Toàn-người được ví như "quái kiệt" trong nghề đi biển ở xã Trung Giang (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) chuẩn bị ngư cụ cho một chuyến ra khơi -Ảnh: H.N

“Nghề tôm bạc thường chỉ diễn ra từ tháng 10 âm lịch đến sau Tết. Mùa này biển lạnh lắm bất trắc nhưng phải tranh thủ vì tôm xuất hiện nhiều, rồi Tết cũng đã cận kề bao nhiêu việc phải lo”, vừa dứt lời anh Hoàng Đức Toàn đã nổ máy chiếc ghe nhỏ thẳng tiến ra Cửa Tùng khi trời còn chưa tỏ mặt người.

Một chuyến ra biển đánh bắt tôm bạc của anh Toàn kéo dài khoảng 6 - 7 giờ đồng hồ. Một mình trên chiếc thuyền nan bé nhỏ giữa sóng gió biển khơi, muốn khai thác được tôm bạc, anh Toàn phải dùng lưới có chiều dài khoảng 450 m, rộng gần 3 m thả lưng chừng mặt nước. Sau khoảng 1 giờ đồng hồ thì bắt đầu kéo lưới.

“Để có được nhiều tôm, ngoài dùng lưới phù hợp, ngư dân cần có sức khỏe tốt bởi công việc này rất nặng nhọc. Cùng với đó phải có kinh nghiệm về thủy triều, nước đục, nước trong rồi hướng gió bởi không phải thả lưới ở vùng biển nào, thời điểm nào cũng có tôm”, anh Toàn chia sẻ.

Như chuyến biển hôm nay, anh Toàn đánh bắt được 7 kg tôm bạc, với giá thương lái thu mua tại bến từ 450 - 500 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh bỏ túi số tiền gần 3,5 triệu đồng. Hơn một tháng nay, chuyến biển nào anh Toàn cũng thu về từ 3 - 5 kg tôm bạc, có hôm trúng đậm từ 7 - 10 kg.

Năm nào cũng vậy, vào dịp giáp Tết, làng biển Nam Sơn lại rộn ràng vào vụ đánh bắt tôm bạc. “Nam Sơn có 350 hộ, trong đó có khoảng 250 hộ mưu sinh bằng nghề biển. Cận tết Quý Mão, ngư dân địa phương vui hơn mọi năm vì sóng êm, gió lặng, việc vươn khơi thuận lợi trong khi sản phẩm làm ra thương lái tranh nhau thu mua với giá khá cao.

Đàn ông trong làng đi biển nhiều nhưng kinh nghiệm, kỹ năng “sát cá” như anh Toàn không nhiều. Giông gió bất thường rồi ngư trường cá tôm không còn dồi dào như trước nên những ngư dân bám biển giữ nghề để có cuộc sống no đủ như anh Toàn là rất đáng quý”, Trưởng thôn Nam Sơn Hoàng Văn Phương cho hay.

Một ông nông dân Quảng Trị được ví như "quái kiệt" trong nghề đi biển, dịp tết trúng đậm vì bắt loài tôm này - Ảnh 3.

Tôm bạc mang lại nguồn thu nhập cao cho anh Toàn trong những ngày giáp Tết -Ảnh: H.N

Biển hào phóng là chuyện của nhiều năm trước. Mấy năm gần đây, nguồn lợi thủy sản sụt giảm rồi giá nhiên liệu tăng cao khiến không ít ngư dân, nhất là ngư dân trẻ ở Nam Sơn dần quay lưng với biển. Làm gì để mưu sinh, để giữ nghề của cha ông? Trăn trở ấy thôi thúc anh Toàn bám biển. Dù là nghề mực ống, nghề cá từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch rồi nghề tôm ở thời điểm này, nghề nào anh Toàn cũng thành thục cả về kỹ năng và kinh nghiệm.

Như đánh bắt mực, anh Toàn rành rẽ cả nghề câu và chụp. “Câu thì dùng câu cần mỗi cần 1 lưỡi và câu thẻ cần dùng 7 - 8 lưỡi. Đối với chụp thì dùng lưới kích cỡ 45 m - 50 m. Nghề nào cũng có ưu điểm, hạn chế. Như câu thì mức đầu tư ban đầu, chi phí cho chuyến biển ít và không cần phải dùng sức nhiều nhưng sản lượng khai thác lại thấp. Còn chụp thì ngược lại. Theo nghề mực, ngư dân phải ra biển từ 3 - 4 giờ chiều.

Chuẩn bị mọi thứ xong xuôi là bắt đầu thả câu, thả lưới, chong đèn dụ mực. Đến tầm 5 giờ sáng thì kết thúc chuyến biển. Nghề này thu nhập không ổn định, hôm ni được 2 - 3 kg nhưng mai có thể 20 - 25 kg. Như chú Lãm đây, tháng 8 vừa rồi trúng mẻ mực khoảng 30 kg, bỏ túi gần 6 triệu đồng”, anh Toàn nói.

Anh Lãm, người có hơn 40 năm đi biển, bạn nghề của anh Toàn góp chuyện: nghe thu nhập vài triệu đồng một đêm thấy có vẻ dễ ăn nhưng đi biển là nghề bấp bênh, nguy hiểm nhất bởi biển cả giông lốc khó lường. Anh em tui đã mấy lần suýt bỏ mạng trên biển. Nói hên xui cũng có nhưng kinh nghiệm là rất quan trọng bởi điều này quyết định một chuyến biển thành công hay thất bại.

“Chú Toàn ni giỏi giang, nhìn trời nhìn nước là biết có giông gió, có tôm, mực hay không. Trong làng không ít người gặp khó với biển nhưng Toàn cứ ra khơi là có tiền. Toàn cũng không giấu nghề, biết chi thì nói, bày vẽ cho mọi người. Nói chuyện nghề với Toàn tui theo không nổi”, anh Lãm bỗ bã.

Một ông nông dân Quảng Trị được ví như "quái kiệt" trong nghề đi biển, dịp tết trúng đậm vì bắt loài tôm này - Ảnh 5.

Kiểm tra mọi thứ trước khi ra biển đánh bắt -Ảnh: H.N

Theo cha ra biển từ năm 15 tuổi, đến nay anh Toàn đã có hơn 30 năm vươn khơi mưu sinh. Ngày mới chập chững vào nghề cho đến nay đã thông thuộc từng con nước, hướng gió rồi luồng cá ở ngư trường, với anh, biển cả vẫn luôn có sức hút rất lớn và dường như đã trở thành một phần máu thịt.

Không chỉ giữ nghề truyền thống, thời gian gần đây, nhận thấy vùng ven biển Cửa Tùng, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh và huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, có nhiều ốc gạo (còn gọi là ốc chép), anh Toàn tiên phong mở nghề mới. 

Anh sắm ghe có động cơ, mày mò “chế” dụng cụ khai thác là cây sào tre già dài 7 m, một đầu gắn lưỡi cào có bọc lưới rộng tầm 0,8 m, dài 1,2 m rồi cùng bạn nghề ra biển khai thác.

Người đưa sào cào ốc, người lái ghe chạy khoảng 500 m thì dừng lại thu ốc. Cứ liên tục như vậy trung bình hơn 1 buổi anh khai thác được khoảng 120 thùng ốc gạo, mỗi thùng 20 kg. Ốc gạo có kích thước như cúc áo với sắc màu sặc sỡ, phần thịt bên trong bé tí, có vị thơm đặc trưng, là món ăn dân dã được nhiều người ưa thích. Với giá bán tầm 20 nghìn đồng/thùng, sau khi trừ chi phí, anh Toàn bỏ túi trên 1,5 triệu đồng.

“Công việc cào ốc gạo rất nặng nhọc, đòi hỏi phải có sức khỏe nhưng bù lại thu nhập khá. Ở Nam Sơn hiện có nhiều người theo nghề này”, anh Toàn chia sẻ…

“Biển trời không lấy đi chén cơm của ai”, tin vào điều này nên dẫu lắm vất vả và hiểm nguy nhưng anh Toàn cũng như nhiều ngư dân ở Nam Sơn ngày ngày vươn khơi và biển đã mang lại cho họ cuộc sống tốt đẹp.

Chiều những ngày cuối năm trong không gian phảng phất vị mặn của biển, rộn ràng tiếng í ới gọi nhau của ngư dân trên bến dưới thuyền, nghe anh Toàn kể chuyện nghề rồi mấy ngư phủ nhắc nhớ nhau chuyện cầu mưa thuận gió hòa, làng biển ngày càng khấm khá đầy lạc quan mới thấy hết tâm thế của ngư dân: vươn khơi không chỉ là chuyện mưu sinh mà còn khẳng định, tiếp nối lời thề giữ biển của ông cha.

Huy Nam (Báo Quảng Trị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem