Một nước Đông Nam Á đột ngột mua nhiều, giá một loại nông sản chủ lực của Việt Nam tăng vọt, đạt 517 USD/tấn

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 29/05/2023 18:57 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh nguồn cung thấp, nhu cầu tăng cao từ Philippines, Indonesia, châu Phi, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2023. Theo đó, giá gạo xuất khẩu trong tháng 5/2023 đạt 517 USD/tấn.
Bình luận 0

Theo báo cáo mới nhất của Bộ NNPTNT, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt 2,02 tỷ USD, tăng 49,0%. Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, trong tháng 2/2023 đạt bình quân 517 USD/tấn, tăng 5,8%.

Thực tế, từ đầu năm đến nay, giá gạo của Việt Nam luôn đứng ở mức cao. Dữ liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 5/2023, 213.000 tấn gạo đã được bốc dỡ tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh, với phần lớn gạo được chuyển đến Philippines, Indonesia và châu Phi.

Trong 3 tháng đầu năm 2023, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 45,9% thị phần, đạt 893.300 tấn và 450,4 triệu USD, tăng 32,9% về khối lượng và tăng 44,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, thị trường có giá trị tăng mạnh nhất là Indonesia (gấp 177,4 lần).

Xuất khẩu gạo Việt hướng đến phân khúc cao cấp - Ảnh 1.

Việt Nam muốn tăng xuất khẩu các loại gạo thơm. (Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại Cần Thơ). Ảnh: H.X

Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 đặt mục tiêu cụ thể là nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỷ USD.

Châu Phi cũng đang có nhu cầu nhập khẩu một lượng gạo khổng lồ. Năm 2023, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo của châu Phi trong niên vụ 2022/2023 dự báo đạt 24,3 triệu tấn, tăng 1,7% so với niên vụ 2021/2022; trong đó khu vực Bắc Phi ước đạt 3,6 triệu tấn, tăng 23,7% và khu vực châu Phi hạ Sahara ước đạt 20,7 triệu tấn, giảm 1,2%.

USDA cũng ước tính sản lượng gạo tiêu thụ và dự trữ toàn châu Phi trong năm 2023 đạt trên 42,2 triệu tấn, tăng hơn 570.000 tấn so với năm 2022.

Trong nhiều năm qua, mặc dù diện tích gieo cấy lúa tại châu Phi đã được mở rộng nhưng sản lượng gạo sau thu hoạch tại các nước thuộc châu lục vẫn ở mức thấp so với thế giới và bị hạn chế bởi một số yếu tố như: giống lúa chất lượng thấp, ít cải tiến, điều kiện thời tiết diễn biến thất thường, cơ sở hạ tầng canh tác nông nghiệp kém phát triển, nguồn lực hạn chế, dịch hại, quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản yếu kém... Nhìn chung, sản xuất gạo của châu Phi dự báo sẽ chưa bắt kịp được mức tăng trưởng về nhu cầu tiêu thụ gạo của người dân và gia tăng dân số của khu vực.

Để đáp ứng nhu cầu về gạo ước đạt trên 42,2 triệu tấn trong năm 2023, châu Phi dự kiến nhập khẩu khoảng 17,7 triệu tấn, giảm 4,5%. Trong thời gian tới, nguồn cung cấp gạo chính của châu Phi vẫn sẽ tập trung chủ yếu vào các nước Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan và Việt Nam.

Để nâng cao giá trị xuất khẩu gạo, mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã ký Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26/5/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030.

Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu gạo với quy mô, cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu hợp lý, ổn định, bền vững và hiệu quả; củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm và phát triển các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng, các thị trường FTA; gia tăng thị phần gạo Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt thị trường các nước phát triển.

Chiến lược cũng đặt mục tiêu cụ thể là nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỷ USD.

Theo mục tiêu chiến lược, ngành hàng lúa gạo Việt Nam cũng sẽ gia tăng xuất khẩu các loại gạo có phẩm cấp cao. Cụ thể, trong giai đoạn 2023 - 2025, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 15%; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 20%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 40%; gạo nếp chiếm khoảng 20%; các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 5%. Phấn đấu tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 20%.

Trong giai đoạn 2026 - 2030, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 10%; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 15%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 45%; gạo nếp chiếm khoảng 20%; các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 10%. Phấn đấu tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 40%.

Chiến lược cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối của các thị trường lên khoảng 60%; nâng cao hiệu quả xuất khẩu qua kênh trung gian, nhất là đối với các thị trường không thuận lợi trong vận chuyển và thanh toán. Phấn đấu đạt khoảng 25% gạo xuất khẩu trực tiếp mang nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam rice vào năm 2030. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem