Một nông dân người Hrê ở Bình Định nuôi bò con nào cũng khỏe, trồng keo nguyên liệu, cả làng phục lăn

Diệp Thị Diệu Chủ nhật, ngày 05/03/2023 19:09 PM (GMT+7)
Nhắc đến các mô hình làm kinh tế giỏi tại thôn 2, xã An Hưng, huyện An Lão, tỉnh Bình Định, hầu hết người dân tại đây đều kể đến người đầu tiên là ông Đinh Văn Gôn. Gia đình anh Gôn giờ có của ăn của để cũng nhờ mô hình giảm nghèo: nuôi bò sinh sản, trồng keo nguyên liệu...
Bình luận 0

Ông Đinh Văn Gôn (sinh năm 1963), một nông dân đồng bào Hrê sau nhiều nỗ lực và bằng ý chí, quyết tâm đã thành công, trở thành hộ có thu nhập khá từ mô hình kinh tế vườn, ao chuồng.

Tự hào nói về mô hình kinh tế của gia đình, ông Đinh Văn Gôn cho hay: Thôn 2, xã An Hưng là vùng đất đai khô cằn. Người dân nơi đây bao đời quần quật làm ruộng, chăn nuôi nhỏ lẻ nên cùng lắm là đủ ăn, không thể dư giả. Cũng do cuộc sống nhiều khó khăn mà con cái của nhiều hộ thường bỏ học giữa chừng, cái khó bó cái khôn, một vòng luẩn quẩn suốt nhiều năm qua.

Bình Định: Trồng keo nuôi bò, đồng bào Hrê có của ăn của để - Ảnh 1.

Ông Đinh Văn Gôn, dân tộc Hrê, hội viên, nông dân ở xã An Hưng, huyện An Lão, tỉnh Bình Định xây dựng chuồng trại kiên cố để nuôi 15 con bò. Mỗi năm ông bán từ 2 đến 3 con bò, thu về khoảng 50 triệu đồng. Ảnh: Diệp Diệu

Với ý chí quyết tâm thoát nghèo, khoảng hơn 10 năm trước, sau nhiều trăn trở, ông Gôn được chính quyền xã và Hội Nông dân địa phương hỗ trợ vay vốn từ các nguồn vay ưu đãi và chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số để làm kinh tế.

Mô hình đầu tiên được ông thực hiện là trồng keo nguyên liệu trên diện tích hơn 3ha với hơn 6.000 cây keo, một loại cây dễ trồng, dễ thích nghi tại vùng đất địa phương nên phát triển khá tốt và bắt đầu cho thu hoạch từ vài năm nay. Riêng từ năm 2018 đến nay, bình quân mỗi năm gia đình ông Gôn thu về hơn 50 triệu đồng từ mô hình trồng keo.

Trồng keo nuôi bò, đồng bào Hrê có của ăn của để - Ảnh 1.

Ông Đinh Văn Gôn xây dựng chuồng trại kiên cố, chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Diệp Diệu.

Nhờ có thu nhập, ông Gôn tiếp tục mở rộng đầu tư theo cách mà ông cho là hiệu quả, đó là lấy ngắn, nuôi dài, tận dụng diện tích đất đồi để trồng thêm một số loài có giá trị kinh tế như cây cau ăn trái. 

Không dừng lại ở đó, vợ chồng ông còn tiến hành xây dựng chuồng trại kiên cố để nuôi 15 con bò, đào 60m2 ao thả cá. Mỗi năm ông bán từ 2 đến 3 con bò, thu về khoảng 50 triệu đồng.

Bình Định: Trồng keo nuôi bò, đồng bào Hrê có của ăn của để - Ảnh 3.

Cùng với nuôi bò, ông Đinh Văn Gôn còn đào ao thả cá. Ảnh: Diệp Thị Diệu

Ông Gôn cho biết thêm, mức thu nhập của gia đình ông đến nay đã không ngừng được cải thiện, trung bình mỗi năm thu về hơn 120 triệu đồng. Nhờ nguồn thu nhập ổn định mà cuộc sống gia đình ông ngày càng tốt hơn. Ông đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi, con cái ăn học đến nơi đến chốn.

Bình Định: Trồng keo nuôi bò, đồng bào Hrê có của ăn của để - Ảnh 4.

Trung bình mỗi năm, ông Đinh Văn Gôn thu về hơn 120 triệu đồng nhờ trồng keo, nuôi bò. Ngoài ra, ông Gôn đã giúp đỡ nhiều hộ nghèo trong thôn cùng phát triển kinh tế bằng việc hỗ trợ cây trồng, giống vật nuôi.

Theo anh Đinh Văn Gố - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hưng (huyện An Lão, tỉnh Bình Định): Nhờ sự cần cù, chăm chỉ và chịu khó cộng với tinh thần dám nghĩ dám làm, ông Gôn đã xây dựng thành công mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. 

Ngoài ra, ông Gôn đã giúp đỡ nhiều hộ nghèo trong thôn cùng phát triển kinh tế bằng việc hỗ trợ cây trồng, giống vật nuôi; sẵn sàng cho mượn tiền và hướng dẫn phương thức canh tác, kỹ thuật chăm sóc tận tay để các hộ dân trong thôn nắm bắt, làm theo ông để phát triển kinh tế.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem