Một người đàn ông Đồng Tháp thắng đậm nhờ cho loài ốc đặc sản "ngủ quên ngày tháng"

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 05/01/2023 05:53 AM (GMT+7)
Anh Lê Hồng Lâm (39 tuổi; ngụ phường Hòa Thuận, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã phát hiện ốc lác có khả năng ngủ vùi và áp dụng kỹ thuật nuôi "gác bếp", mang lại giá trị cao hơn gấp nhiều lần cho sản phẩm
Bình luận 0

Anh Lâm dẫn chúng tôi tham quan phòng ngủ được thiết kế trong điều kiện môi trường phù hợp để ốc "ngủ vùi" và kể cho khách nghe câu chuyện anh bén duyên với con ốc này.

 

Thắng đậm nhờ cho ốc lác ngủ vùi - Ảnh 1.

Anh Lê Hồng Lâm đang theo dõi ốc ngủ

Khởi nghiệp bằng ốc "gác bếp"

Trong một lần tình cờ, anh Lâm đi công tác ở tỉnh An Giang có mua về nhà một bọc ni-lông ốc lác bán ven đường. Sáng hôm sau, ốc trong bọc ni-lông bò ra khắp gian nhà bếp. Khoảng một năm sau, khi dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, anh phát hiện những con ốc ấy vẫn còn sống ở trạng thái ngủ vùi. Anh lấy những con ốc này ra chế biến, ăn rất ngon, giống hương vị ốc "gác bếp" mà gia đình làm cho anh ăn hồi còn nhỏ. "Thuở đó, cha tôi làm ở nông trường. Mùa nước nổi, ông thường bắt ốc lác về để mẹ tôi gác trên bếp, sau đó chế biến thành món ăn và để dành đãi khách quý" - anh Lâm nhớ lại.

Phát hiện điều trên, dù tốt nghiệp đại học chuyên ngành hóa học, có việc làm ổn định ở một trường cao đẳng nhưng anh Lâm quyết định xin nghỉ việc để quyết tâm khởi nghiệp bằng sản phẩm ốc "gác bếp" với mong muốn mang món ốc đặc sản của miền quê đến với nhiều người tiêu dùng và phát triển kinh tế gia đình. Năm 2018, anh bắt tay vào nghiên cứu sản xuất ốc "gác bếp".

Anh Lâm cho rằng loài ốc lác ở các tỉnh miền Tây có đặc tính ngủ vùi trong đất vào mùa khô và sống trong thời gian dài. Những người đi làm ruộng bắt được ốc lác thường mang về nhà, bỏ vào giỏ tre rồi treo lên giàn bếp để xông khói. Với cách làm này, ốc như "ngủ" nhiều tháng nên mập, thịt ốc sạch, chế biến được nhiều món ăn ngon và rất giàu dinh dưỡng.

Theo anh Lâm, làm ốc "gác bếp" có thể hiểu là tạo môi trường thuận lợi để con ốc "ngủ vùi". Lúc đầu, anh làm cho ốc "ngủ" bằng phương pháp truyền thống như mang ốc treo trên giàn bếp hay vùi trong đất. Tuy nhiên, tỉ lệ thành công thấp vì chỉ sản xuất được số lượng nhỏ, tốn chi phí vệ sinh ốc trước khi mang đi bán. Quá trình thử nghiệm thấy còn nhiều hạn chế nên anh nghiên cứu thành công giải pháp xây phòng kín cho ốc "ngủ" trong môi trường có nhiệt độ phù hợp; xử lý để ốc thải ra hết những chất tồn dư như phân, thức ăn trước khi "ngủ".

Anh đầu tư gần 300 triệu đồng để thực hiện quy trình nghiên cứu cách thuần hóa ốc "ngủ", thiết kế nhà xưởng, đào ao nuôi ốc để miệt mài quan sát tập tính của ốc. Anh phải mất nhiều tháng liền mới nắm được tập tính của ốc như ở nhiệt độ nào ốc sẽ ngủ, độ ẩm nào ốc sẽ bò đi kiếm ăn, thời điểm nào ốc thải chất bẩn.

Thắng đậm nhờ cho ốc lác ngủ vùi - Ảnh 2.

Sản phẩm ốc “gác bếp” của anh Lâm đựng trong chiếc giỏ tre rất bắt mắt

Doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng

Năm 2019, sau khi tạo được sản phẩm ốc "gác bếp" thành công, anh Lâm đưa ra thị trường thăm dò. Những sản phẩm ốc "gác bếp" đầu tiên, sản xuất bằng phương pháp mới của anh đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Thời điểm này, anh thành lập Cơ sở sản xuất ốc "gác bếp" Tình Quê để tạo dựng thương hiệu. Chú trọng mẫu mã bao bì, xem đây là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công của sản phẩm nên anh chọn chiếc giỏ tre dùng đựng ốc "gác bếp". Bao bì này tạo ấn tượng đối với khách hàng vì thân thiện với môi trường.

Hiện nay, sản phẩm ốc "gác bếp" của anh có mặt tại các nhà hàng, quán ăn, siêu thị, cửa hàng bách hóa với giá khoảng 250.000 đồng/kg, cao gấp 3 đến 4 lần so với ốc tươi bình thường. "Sản phẩm ốc gác bếp của tôi có thể bảo quản, hạn sử dụng từ 1 năm trở lên mà vẫn còn tươi ngon" - anh Lâm cam kết.

Đến nay, chưa có nhiều người nuôi ốc lác nên nguồn nguyên liệu chính vẫn phải phụ thuộc ốc tự nhiên, thu mua từ các huyện đầu nguồn biên giới của tỉnh Đồng Tháp, An Giang; bắt đầu thu mua từ giữa mùa mưa đến cuối mùa mưa vì thời điểm này ốc ăn đầy đủ thức ăn nên to, béo. Sau khi mua về, anh loại bỏ những con ốc bị nứt vỏ, kích cỡ nhỏ, xử lý làm sạch rồi cho ốc "ngủ vùi" giống như khi chúng gặp điều kiện khô hạn trong tự nhiên. Ốc "ngủ" khoảng 3 tháng mới bắt đầu xuất bán ra thị trường.

Anh Lâm cũng tiết lộ rằng từ khi sản phẩm ốc "gác bếp" cung cấp cho các thực khách ở các thành phố lớn, mỗi tháng anh bán ra thị trường hơn 1 tấn ốc thành phẩm, thu nhập khoảng 200 triệu đồng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem