Một khu di tích quốc gia đặc biệt ở Cao Bằng có núi non, sông suối đẹp như mơ đang hút khách du lịch

Thứ bảy, ngày 11/02/2023 19:10 PM (GMT+7)
Khi những cánh đào rừng e ấp đón gió xuân, chúng tôi về thăm lại Hà Quảng (Cao Bằng), được chứng kiến sự đổi thay lớn lao trên mảnh đất quê hương cội nguồn cách mạng. Sự đổi thay ấy không chỉ hiển hiện ở con đường Hồ Chí Minh rộng mở, nối dài từ đầu nguồn Pác Bó...
Bình luận 0

Trong không khí náo nức của mùa xuân, cả nước cùng nhớ về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu. Ở khắp nơi nơi, từ vùng quê đến đô thị, từ miền núi đến hải đảo xa xôi, đâu đâu cũng ra sức thi đua lao động, sản xuất, làm nhiều việc tốt, việc hay để dâng lên Vị cha già dân tộc. 

Cùng với cả nước, mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc huyện Hà Quảng quyết tâm lập nhiều thành tích để báo công lên Bác kính yêu.

Khi những cánh đào rừng e ấp đón gió xuân, chúng tôi về thăm lại Hà Quảng, được chứng kiến sự đổi thay lớn lao trên mảnh đất quê hương cội nguồn cách mạng. Sự đổi thay ấy không chỉ hiển hiện ở con đường Hồ Chí Minh rộng mở, nối dài từ đầu nguồn Pác Bó, ở những công trình hạ tầng cơ sở kiên cố, hiện đại vừa được Nhà nước đầu tư xây dựng..., mà quan trọng hơn là sự đổi thay của tư duy, nhận thức, quyết tâm, động lực mới.

Nếu như ngày xưa, Bác phải đi ngựa để vào hang Pác Bó, thì nay xe chúng tôi bon bon trên đường nhựa uốn lượn dưới chân những dãy núi trùng điệp về Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng).

Dọc 2 bên đường, cảnh nhà tranh, vách đất xưa kia được thay thế bằng những ngôi nhà xây vững chãi, khang trang, mái tôn tươi đỏ; những cánh đồng lúa vàng mênh mông, những xóm làng bình yên, những thảm hoa rừng đủ sắc màu đẹp như tranh vẽ, những mái trường xinh đẹp ríu rít tiếng trẻ thơ càng làm cho không khí nơi đây thêm phần vui tươi.

    Một khu di tích quốc gia đặc biệt ở Cao Bằng có núi non, sông suối đẹp như mơ đang hút khách du lịch - Ảnh 2.

    Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác.

    Đến Pác Bó, dòng suối xanh màu ngọc có gắn tấm biển lớn suối Lê-nin; phía trên cao, núi Các Mác sừng sững như bức thành đồng, xanh thẳm cây rừng, hiên ngang cùng năm tháng. Men theo con đường đá rêu phong dọc dòng suối Lê-nin là các chứng tích ghi lại sự hiện diện của Bác ngày ấy: Đây là vườn trúc Bác đã trồng, kia là cây ổi Bác thường hái lá đun nước uống, còn kia là chiếc bàn đá Bác ngồi làm việc...

    Thắp nén nhang thơm dâng lên tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Đền thờ thiêng liêng tưởng niệm Bác, lòng mỗi người lại rưng rưng xúc động nhớ về Bác. Năm xưa, Pác Bó vinh dự được đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân, được Người chọn làm căn cứ địa cách mạng đầu tiên. 

    Ngày trở về Tổ quốc, núi rừng và đồng bào Pác Bó vinh dự thay mặt nhân dân cả nước dang rộng vòng tay, hân hoan đón bước chân Người. Dẫu trong muôn vàn khó khăn của công cuộc xây dựng căn cứ địa cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc luôn coi việc dựa vào nhân dân, lấy nhân dân làm gốc là nền tảng quan trọng nhất của cách mạng. 

    Tại xóm núi Pác Bó, Bác hòa nhập với cuộc sống của đồng bào, chia sẻ với người dân mọi gian khổ từ bữa ăn chỉ có "cháo bẹ, rau măng" tới những công việc hằng ngày. Bác nói tiếng nói của người dân, đến thăm và trò truyện cùng các cụ già, hướng dẫn bà con trong bản các hoạt động sinh hoạt và sản xuất; đồng bào luôn coi Bác là người thân thiết trong gia đình và gọi Người với cái tên rất đỗi thân thương trìu mến "Ông Ké". 

    Dưới sự lãnh đạo của ông Ké, đồng bào các dân tộc Hà Quảng cùng với nhân dân cả nước vùng đứng lên làm cách mạng, giành độc lập cho nước nhà, giành tự do cho nhân dân.

    Giờ đây nước nhà độc lập, nhân dân Pác Bó càng vững tin vào Đảng, vững tin theo đường lối, tư tưởng của Bác Hồ, ra sức thi đua phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Tết đến, xuân về càng ý nghĩa hơn với người dân Pác Bó khi cũng là dịp kỷ niệm ngày Người về thăm lại Pác Bó mùng 5 Tết Tân Sửu. 

    Tròn 20 năm sau khi về nước lãnh đạo toàn dân làm cách mạng, mùa xuân năm Tân Sửu 1961, Bác Hồ trở lại thăm Cao Bằng. Bác trở về quê hương; đồng bào và cán bộ, chiến sĩ đón Bác - người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước như đón người thân lâu ngày về thăm quê hương. 

    Sáng 20/2/1961 (tức mùng 5 Tết Tân Sửu), Bác và đoàn đến thăm, chúc Tết đồng bào Pác Bó. Trông thấy Bác, đồng bào reo hò, phấn khởi. Các cụ vây quanh Bác, có cụ nắm tay Bác, Bác và các cụ nhìn nhau nói không nên lời. 

    Các bà, các chị ai cũng ngân ngấn nước mắt, mừng mừng tủi tủi nhớ lại những ngày khổ cực trước kia và cảnh no ấm đoàn tụ ngày nay. Các cháu nhỏ chỉ biết Bác qua ảnh, qua các bài học, hôm nay mới tận mắt trông thấy Bác. Bác tặng ảnh cho nhân dân, mỗi tấm ảnh đều có chữ ký của Bác rất đẹp. Ba chị dân tộc Nùng vinh dự được đại diện cho nhân dân tặng Bác mấy đôi giày vải tự làm.

    82 năm đã qua kể từ mùa xuân năm 1941 Bác Hồ về Pác Bó trực tiếp lãnh đạo cách mạng nước ta, 62 năm thực hiện lời căn dặn của Bác khi Người về thăm Cao Bằng (tháng 2/1961), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Hà Quảng luôn một lòng vững bước theo Đảng, theo cách mạng. 

    Bác Hồ kính yêu mãi mãi đi xa nhưng tình cảm đồng bào Pác Bó, nhân dân Cao Bằng dành cho Bác vẫn luôn dạt dào nồng ấm. Những nơi năm xưa đã từng là nơi ở, nơi làm việc của Bác giờ đây trở thành những điểm di tích mang ý nghĩa lịch sử to lớn. 

    Với tấm lòng biết ơn vô hạn, nhân dân luôn trân trọng, giữ gìn những dấu tích quý giá của Bác Hồ để lại trên quê hương mình. Đây là những "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng để các thế hệ, nối tiếp thế hệ luôn nhìn thấy Bác gần gũi, ghi nhớ công ơn của Bác, nâng cao niềm tự hào và trách nhiệm của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

    Hôm nay giữa mùa xuân đất nước, về Pác Bó lòng ta nhớ Bác khôn nguôi. Càng nhớ Bác kính yêu, mỗi người dân Pác Bó, xã Trường Hà biến niềm vinh dự, tự hào thành nguồn động lực to lớn, nguồn lực nội sinh, thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước. 

    Đảng bộ xã quan tâm xây dựng, củng cố chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân; chú trọng bồi dưỡng, giáo dục cho thế hệ trẻ; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo chuyển biến cả về nhận thức và hành động trong từng cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

    Thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập cùng đất nước, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Trường Hà luôn phát huy truyền thống anh hùng và đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh... Trước đây, đường sá đi lại khó khăn, nay đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa sạch đẹp, giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện. 

    Xóm có nhà văn hóa khang trang cho người dân sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao nâng cao sức khỏe..., tạo không khí phấn khởi để người dân đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập, tiếp tục đóng góp xây dựng quê hương. Cuộc sống của người dân ngày nay được nâng lên. Nổi bật nhất là hạ tầng cơ sở nông thôn cơ bản được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển sản xuất. 

    Quan trọng hơn cả, tư duy phát triển sản xuất của người dân có nhiều đổi thay, từ việc sản xuất tự cung tự cấp phục vụ cho gia đình, thì nay sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, sản xuất những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và mang lại giá trị kinh tế cao. Những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Trường Hà đạt được hôm nay tựa như những đóa hoa tươi thắm dâng lên vị Cha già kính yêu của toàn dân tộc nhân dịp xuân mới.

    Không chỉ có Pác Bó, xã Trường Hà (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), khắc ghi lời Bác dạy, những năm qua, Hà Quảng luôn phát huy tốt truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, khối đại đoàn kết toàn dân, ra sức thi đua, lao động, sáng tạo, xây dựng Hà Quảng ngày càng phát triển giàu đẹp, bức "phên dậu" vững chắc nơi biên cương. 

    Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hà Quảng Triệu Thanh Sơn, khắc ghi lời Bác dạy, huyện triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" với nhiều nét mới, cách làm sáng tạo, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, tư tưởng, hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. 

    Nhớ về Bác trong những ngày xuân mới, Hà Quảng thêm khắc ghi lời căn dặn của Người, phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng. Năm 2022, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và xây dựng Đảng của huyện đều đạt và vượt kế hoạch; kinh tế tiếp tục ổn định và có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 7%/năm. 

    Thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 20,4 triệu đồng; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 5,23%/năm. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

    Xuân đã gõ cửa từng nhà, chúng tôi chia tay Pác Bó khi mặt trời chếch sườn Tây núi Mác, nghe suối Lê-nin vẫn chảy róc rách như lời thì thầm của đất kể mãi câu chuyện về "Ông Ké" năm xưa.

    Giữa bao la núi rừng, giữa không khí mát lành, lộng gió, giữa thoảng hương thơm mát của những bông hoa rừng li ti nở trên bờ đá, chứng kiến và cảm nhận hơi ấm của Người vẫn còn đâu đây nơi núi rừng Pác Bó, khiến cho ai cũng rung lòng nhớ Bác khôn nguôi, từ trong sâu thẳm tâm hồn nhắc ta luôn tự hào về quê hương, đất nước, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

    Tin tưởng rằng, Đảng bộ và nhân dân nơi đây sẽ nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp như mong ước của Người.

    Hoàng Thu (Báo Cao Bằng)
    Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày Xem