Món Bánh trong ẩm thực miền Tây

Nguyễn Thị Tường Linh Thứ bảy, ngày 23/08/2014 06:30 AM (GMT+7)
Những loại bánh của miền Tây có cái tên giản đơn nhưng ngon miệng đến lạ kỳ. Bánh còng, bánh cam, bánh tằm, bánh đúc, bánh lọt, bánh ú, bánh bèo… Không thể kể hết được có bao nhiêu loại bánh xuất phát từ những loại bột, loại củ đậm đà chất quê. Nhưng hầu hết những loại bánh trên đều gắn bó với một thời tuổi thơ trong trẻo, với những kỷ niệm không thể nào quên của những ai  được sinh ra và lớn lên ở quê hương miền Tây.
Bình luận 0

Hai tay bưng quả bánh bò/ Giấu cha giấu mẹ cho trò đi thi

Miền Tây trù phú luôn đem lại cảm giác thanh bình cho những người khách phương xa một lần lạc chân đến đây. Ngồi nghe câu ca dao, được uống chén trà thơm cô đặc mỗi buổi sáng, được ăn miếng bánh “ nhà quê “ thơm ngon, ắt hẳn khi về lại nơi phố vẫn sẽ còn lưu lại những dư âm khó thể nào quên.

img

Ngày nhỏ, mỗi sáng đi học, thể nào cũng có một gói bánh tằm, bánh bò  hay chí ít cũng là cái bánh cam nóng hổi vàng rực mẹ gói để vào một ngăn cặp nhỏ. Những lúc đứng trước mái hiên nhà ngóng những buổi chợ trưa, trong đôi quang gánh mẹ về có đôi bánh còng thơm lựng. Những lúc được ngoại cho xâu bánh ú chạy ù đến chia cho lũ bạn, hay một gói bánh chuối nước cốt dừa béo ngậy, mằn mặn muối mè…

Đa số nguyên liệu để làm bánh đều dễ tìm ở miền Tây. Ví như bánh tằm được làm từ củ khoai mì giã nhuyễn, bánh tét được làm từ nếp, đậu xanh, thịt heo, dừa. Bánh còng được làm từ bột gạo, bột nếp… Hiển nhiên, cách làm cũng dễ. Và giá cả thì cũng rất rẻ, đủ để nếm thử từng loại một đến no căng bụng.

Bánh có mặt ở khắp nơi, nhiều nhất là những phiên chợ quê .Những mâm bánh đầy căng bắt mắt luôn hấp dẫn những đứa con nít vòi áo mẹ xin vài đồng lẻ để mua cho được miếng bánh chuối nướng mềm dẻo hay cái bánh tiêu vàng ruộm đầy mè.

Những lúc nhà có giỗ, tiệc tùng. Các mẹ, các chị cũng hay làm những loại bánh để đãi khách. Bánh tét, bánh ít, bánh xèo, mỗi loại đều có một vị ngon riêng, và bên trong đó là cả một “cái tình” hiền lành , mộc mạc. Sau khi ăn uống no say, mỗi người khách đến đều được một phần bánh mang về ăn “ lấy thảo” – theo cách nói thân thiết và dễ mến của người miền Tây.

Các loại bánh đã trở thành một đặc sản không thể thiếu trong nét ẩm thực phong phú của người miền Tây. Ở thành phố bây giờ cũng có bán nhiều loại bánh của “nhà quê”. Cũng là bánh cam, bánh còng, bánh đúc… nhưng vẫn không sao thấy ngon bằng loại bánh ở quê hương.

Có lẽ tôi quen với mùi hương lá chuối, quen với mùi phù sa, mùi lúa, mùi bùn thân thuộc của quê hương… Thấp thoáng trong tôi là những ngày tuổi nhỏ, với dòng sông quê mát rượi, với những chạng cây đầy bóng râm, và cả xâu bánh ú năm xưa của ngoại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem