Má Ba - 40 năm làm từ thiện dù mắc tới 3 căn bệnh ung thư

Huyền Anh - Mỹ Anh (Quân đội nhân dân) Thứ hai, ngày 04/04/2022 19:00 PM (GMT+7)
Nhặt ve chai, nuôi heo đất, tự tay may hàng ngàn tấm chăn, chiếc áo tặng cho bệnh nhân phong – những công việc nặng nhọc ấy lại được một cụ bà đơn thân 84 tuổi, mắc tới 3 căn bệnh ung thư bền bỉ và lặng lẽ thực hiện suốt 40 năm nay.
Bình luận 0

Đó là cụ Nguyễn Thị Nga, ngụ tại phường 17, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh

Chiến thắng bạo bệnh, 40 năm làm từ thiện

Tìm đường đến nhà Má Ba không khó, vì người trong xóm lao động nghèo này ai cũng biết đến "Má Ba cô đơn", sống một mình trong căn nhà cấp 4 màu xanh cuối con hẻm. Mở cửa đón chúng tôi là một bà cụ tóc bạc phơ, dáng người gầy nhưng nhanh nhẹn. Bên trong căn nhà của Má Ba, mọi thứ đều giản tiện.

"Chiếc giường" – nơi Má đặt lưng nghỉ ngơi hằng ngày, được làm từ bìa các-tông cũ Má lượm về, chồng lên nhau. Có lẽ, hai thứ mà Má gắn bó và trân quý nhất trong nhà là chiếc máy may và chiếc tủ gỗ cũ, đựng cơ man những dụng cụ may vá, kim chỉ, vải vóc đủ màu. Má gọi đây là gia tài nhỏ của mình.

ma ba.jpg

Chiếc máy may cũ – nơi Má Ba làm ra hàng ngàn bộ quần áo tặng trẻ em mắc bệnh phong.

Ít ai ngờ, bà cụ trước mặt chúng tôi là từng là một mỹ nhân Sài thành thời trẻ. Nhưng vì gia cảnh nghèo, khi cha mẹ mất, bà phải bỏ học, đi bán rau nuôi 6 người em nên người. Đến khi dựng vợ gả chồng cho các em thì bản thân đã lớn tuổi, bà quyết định ở vậy một mình, tìm đến giáo lý Nhà Phật để nương tựa và phát tâm từ thiện.

Suốt hơn 40 năm nay, Má Ba xin vải vụn, nhặt ve chai lấy tiền mua kim chỉ, may những tấm áo, chiếc quần, gửi tặng các cụ già, em nhỏ ở các trại phong tại Pleiku, Đắk Lắk. Từ những chuyến đi gieo duyên cùng các đoàn từ thiện, Má Ba vào rừng sâu, trao tận tay những chiếc chăn, chiếc áo tới bệnh nhân phong còn nhiều thiếu thốn, tự nhiên bà cảm thấy số phận mình vẫn còn hạnh phúc: "Má dù gì sống ở thành phố còn sướng hơn người trong núi, trong rừng. Mình vẫn làm ra đồng tiền, mình tiếp tế cho họ quần áo, gạo, mỳ. Có bao nhiêu thì mình cho bấy nhiêu. Cũng không phải sự nghiệp gì to tát…" – Má Ba khiêm tốn nói.

Còn chúng tôi sau khi biết được những công việc thiện nguyện Má đã cần mẫn làm thì không khỏi khâm phục. Nhà văn Nam Cao từng viết: "Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa."

Ấy vậy mà Má Ba đã chứng minh điều ngược lại. Càng khó khăn, ốm đau, Má lại càng có động lực để giúp đỡ mọi người. Từ năm 1980 đến nay, đã ít nhất 3 lần Má Ba tưởng mình không qua khỏi, bởi Má mắc 3 căn bệnh ung thư quái ác: ung thư tử cung, ung thư vú, ung thư bàng quang. Bằng một phép màu nhiệm lạ lùng, Má lần lượt vượt qua chừng ấy thứ bệnh tật; vừa vào viện điều trị, vừa tiếp tục may quần áo, nuôi heo đất tặng cho người nghèo.

ma ba thoi tre.jpg

Má Ba thời trẻ.

Thời điểm sát Tết Nguyên đán Canh Thìn 2000, khi phát hiện khối u ác tính trên ngực Má, bác sĩ bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh khuyên bà mổ gấp. Nhưng vì hơn chục chiếc áo đang may dở cho các cụ già neo đơn, Má xin bác sĩ cho về nhà, hoàn thành nốt quà biếu Tết các cụ, rồi mới yên tâm nhập viện. Kể về lần phẫu thuật năm ấy, Má cười hiền: "Quỹ thời gian càng ngày càng ít dần. Có lẽ mình sợ nếu sau này ra đi, thì nhiều việc thiện sẽ dang dở nên Trời Phật thương tình, phù hộ cho Má. Không chỉ lần đó, mà những lần phẫu thuật vì ung thư sau này Má đều vượt qua!".

Má Ba còn vượt qua cả căn bệnh Covid-19 khi đỉnh dịch tại TP Hồ Chí Minh lên cao. Nhớ về thời điểm đó, tình nguyện viên Lê Thị Kiều Phương, công tác tại Bệnh viện quận Gò Vấp, Khoa điều trị Covid-19 Cơ sở 2 đã từng chăm sóc cho hàng ngàn F0, nhưng đến nay vẫn không thể quên được một bà cụ tóc trắng nhập viện với hoàn cảnh đáng thương. Bởi khi xét nghiệm cho kết quả dương tính, Má Ba chỉ có một mình, không người chăm sóc. Má bèn xin y tế phường cho phép nhập viện điều trị. Cũng may, triệu chứng của Má không quá nặng, chỉ ho và nhức đầu.

Sau khi tiếp nhận, tình nguyện viên Kiều Phương dặn Má: "Lầu của mình, nhà vệ sinh đang bị hỏng, tụi con đang chưa sửa được. Bệnh nhân ở đây phải sử dụng khu vệ sinh tầng dưới hoặc tầng trên. Má có leo cầu thang nổi không?" Như để không làm phiền ai, Má cười nói sẽ tự lo được. Vậy mà ngay sau đó, nữ bệnh nhân lớn tuổi nhất tìm ngay chiếc bồn cầu bị nghẹt, tự thông tắc giùm các y, bác sĩ.

Không chỉ vậy, Má kiếm dây, đinh, tạo thành các giá phơi đồ, giúp các bệnh nhân dọn dẹp vệ sinh buồng bệnh. Mỗi buổi sáng, Má đi đến từng phòng, động viên người bệnh đứng dậy ra ngoài hít thở, phơi nắng. Cụ bà 84 tuổi đã tạo nên cả một phong trào tập thể dục cho các bệnh nhân.

"Nhìn thấy Má, ai dù mệt đến mấy cũng vui vẻ hơn. Đến khi khỏi bệnh, Má xin tình nguyện ở lại bệnh viện dọn dẹp và phụ giúp chăm sóc cho các F0 nhưng vì Má tuổi đã cao, chúng tôi động viên Má về nhà…" – Kiều Phương chia sẻ.

cac tinh nguyen vien chup anh ky niem cung ma ba sau khi ba khoi benh covid-19.jpg

Các tình nguyện viên chụp ảnh cùng Má Ba sau khi bà khỏi bệnh Covid-19.

Một đời làm theo cái tâm thiện lành

Sau khi hồi phục, việc đầu tiên Má làm, không gì khác là ngồi vào máy may quần áo, nhặt ve chai gom tiền nuôi 2 con heo đất. Má chắt chiu từng đồng tiền lẻ, 3 ngàn, 5 ngàn để dành nuôi heo. Lâu lâu thèm một bát mỳ vằn thắn giá 40 ngàn đồng, Má định ra tiệm mua rồi lại tiếc tiền. Nghĩ đến cả tháng nhặt ve chai để tiết kiệm cũng chỉ bằng 2 bát mỳ, Má quyết định về nhà lấy 40 ngàn đó cho vào heo đất.

Má kể trong niềm hân hoan: "Vậy là Má đã chia bát mỳ cho tất cả những người nghèo. Đối với Má, đó là bát mỳ ngon nhất mình từng ăn!". Đến lúc các hội đoàn tổ chức vào Tây Nguyên thăm trại phong, Má lại mổ heo, một con để mua 2 tấn gạo, một con để mua 200 thùng mì tặng người khó khăn. Khi tôi hỏi sao Má không kêu gọi nhiều người cùng quyên góp, để làm việc thiện được nhiều chỗ, giúp được nhiều người hơn?

Má trả lời rằng giúp người cần xuất phát từ cái tâm thiện lành. Má không muốn vì người khác nể mình mà miễn cưỡng họ phải cho đi. Còn khi đã thực sự muốn là việc nhân ái thì không thiếu gì cách. Tự mình sẽ làm được và thậm chí là duy trì việc thiện đó mãi mãi. Dẫn chứng cho suy nghĩ của mình, bà kể chúng tôi nghe về một người bạn vong niên đã mất từ lâu, cùng tham gia công tác từ thiện. Vì thương hoàn cảnh Má Ba sống một mình không ai chăm sóc, trước khi mất, người phụ nữ ấy có trăng trối lại với chồng và con, mỗi tháng phải đến nhà thăm nom và biếu tiền cho Má.

"Cổ mất rồi nhưng mười mấy năm nay, con trai cổ vẫn đều đặn đến chơi và biếu tiền, Má đã thay gia đình họ để dành tiền đó vào heo đất, làm việc thiện, hồi hướng công đức, tích phước cho con cháu họ. Đó là cách làm của Má!, Má Ba nói.

Đang tiếp mạch câu chuyện thì có tiếng gõ cửa. Đó là chị Trần Thị Hiền, một người hàng xóm mang cơm trưa tới cho Má. Chị Hiền cho biết, từ khi mắc Covid-19, sức khoẻ của Má yếu hơn, chị Hiền đỡ đần nấu cơm cho bà hằng ngày. Với chị, Má Ba không chỉ là người hàng xóm thiện lương, mà còn thân thiết như người mẹ, người dì trong gia đình: "Má sống trọn vẹn, bác ái. Thỉnh thoảng có dịp, tôi thường theo Má đi thiện nguyện. Học theo Má, tôi thấy sau mỗi chuyến đi lại càng thấy mình như khoẻ ra, vui vẻ hơn vì mình đã giúp đỡ được những hoàn cảnh khó khăn hơn mình".

Còn chị Bùi Ngọc Hà, Hội trưởng Hội phụ nữ phường 17, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, khi được hỏi về Má Ba thì chia sẻ: "Mãi đến năm 2017, cô Nga (tên thật của Má Ba) mới thoát hộ nghèo. Nhưng từ trước đó nhiều năm cho đến bây giờ, cô vẫn nghị lực, tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện của các đoàn thể, tổ chức. Hội phụ nữ coi cô là tấm gương quý để các chị em học tập, noi theo".

Để cho Má Ba cơm nước, nghỉ ngơi, chúng tôi xin phép ra về. Căn nhà vắng khách lại trở nên hiu quạnh, thi thoảng chỉ vọng lại tiếng máy khâu chạy theo nhịp đạp chân của bà cụ đang tỉ mẩn may áo cho người nghèo. Chào chúng tôi, Má Ba lưu luyến và dặn dò nhớ ghé nhà chơi mỗi khi có thì giờ.

Tôi hỏi: "Chúng con về, Má lại một mình, Má có buồn không?" Bà Má nở nụ cười tươi làm cho gương mặt thêm sắc hồng hào: "Buồn gì con? Con thấy không, trong nhà quá trời quần áo, đó cũng như là đồng bào nghèo luôn ở cạnh bên Má!".

Khi viết ra những dòng này, tôi vẫn nhớ như in một câu châm ngôn được Má treo trên tường nhà: "Thiếu phương pháp, người tài cũng lạc lối. Có phương pháp, người thường cũng làm được điều phi thường." Điều vĩ đại, phi thường đôi khi chỉ cần bắt đầu từ những điều giản dị, giống như cách Má đã dành gần 40 năm để sưởi ấm cho những mảnh đời khác bớt thiếu thốn, cô đơn…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem