Lợn ăn lá thuốc, “tập thể dục”
Là người khởi xướng nhiều ý tưởng phát triển trang trại nông nghiệp ở địa phương với các mô hình như: nuôi ba ba gai, chạch đồng, lợn..., nên anh Việt là người khá nhạy bén trong sản xuất. Năm 2016, khi giá lợn xuống thấp, dịch bệnh triền miên, anh luôn trăn trở tìm cách vực lại sản xuất bằng việc tạo ra mô hình chăn nuôi thực sự bền vững.
Anh Việt cho biết: “Thực tế dù giá lợn xuống thấp, người tiêu dùng vẫn luôn quan tâm đến những sản phẩm sạch, rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, có quy trình chăn nuôi an toàn, dù giá cao. Sau khi đánh giá thị trường, nhìn nhận lại quy trình chăn nuôi, tôi quyết định phải thay đổi phương pháp nuôi lợn để tạo ra sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng. Đó là phải đảm bảo các tiêu chí: an toàn, vệ sinh, tốt cho sức khỏe và giá cả phù hợp nhất”.
“Gia đình tôi từng bước chuyển đổi từ chăn nuôi lợn công nghiệp sang nuôi theo hướng hữu cơ, bảo đảm ba khâu: con giống an toàn – thức ăn an toàn – an toàn dịch bệnh. Quá trình sinh trưởng của lợn phải đồng nhất, các giai đoạn phát triển của lợn được ghi chép chi tiết và theo dõi, đánh giá sát sao”, anh Việt chia sẻ.
Cụ thể, anh ưu tiên sử dụng thức ăn hữu cơ cho lợn, nhất là cám gạo, cám ngô, rau... kết hợp với thức ăn công nghiệp, bảo đảm thành phần dinh dưỡng, an toàn, lành mạnh. Trong đó, 2 tháng đầu, lợn được cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp. Đến tháng thứ ba, thức ăn được nấu chín như phương pháp truyền thống, với thành phần chủ yếu là rau muống, rau khoai lang, bèo, chuối... và bổ sung cám gạo, đậu tương, ngô.
Đặc biệt, từ tháng thứ năm đến khi xuất chuồng, anh Việt ngừng cho lợn ăn cám công nghiệp, đồng thời cho chúng ăn một số loại thảo dược như lá đinh lăng tươi, lá lốt... nhằm tạo ra sự khác biệt trong thịt lợn. Theo Đông y, đinh lăng là vị thuốc của người Việt, từ củ, rễ, lá, thân đều dùng được, có tác dụng trong điều hòa khí huyết, bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng. Mặt khác, để đàn lợn giảm mỡ, tăng quá trình trao đổi chất, anh cho chúng ra sân để tăng cường vận động.
Trong trang trại rộng 14.000 m2 , ngoài khu vực chuồng trại, ao nuôi ba ba, chạch, anh Việt tận dụng các khoảng đất trống, bờ ao để trồng đinh lăng; dành vài sào đất để trồng rau muống, chuối... để làm thức ăn cho lợn. Những cây khế, đu đủ... trong vườn cũng là nguồn quả tươi để anh “cải thiện” cho chúng. Vừa được ăn rau, thảo dược, vừa được vận động thường xuyên nên đàn lợn nhà anh Việt lúc nào cũng khỏe mạnh, hồng hào, có chất lượng thịt thơm ngon đặc trưng.
Được tận mắt chứng kiến từng khâu trong quá trình sản xuất, chăn nuôi, mới thấy được tâm huyết của người nông dân này. Hiện, trong chuồng nhà anh Việt luôn có từ 70 - 100 con lợn nuôi theo quy trình này. Kiên trì với chế độ chăn nuôi an toàn, hướng hữu cơ và dài ngày, anh Việt đã có những lứa lợn thịt chất lượng.
Điều quan trọng, tất cả lợn của anh đều được mổ tại chỗ, phân loại, cắt lát để bán trực tiếp hoặc đóng gói, cấp đông chuyển lên Hà Nội. Giá thịt lợn thảo dược của anh Việt luôn cao hơn từ 20 - 30% so với các loại thịt lợn trên thị trường. Thậm chí, giai đoạn giá lợn xuống đến 30.000 đồng/kg (năm 2016, 2017), anh vẫn bán được giá trung bình 50.000 – 55.000 đồng/kg. Hiện, giá bán thịt và sản phẩm từ thịt lợn của anh ổn định ở mức 90.000 – 120.000 đồng/kg mà không đủ để cung cấp cho khách hàng.
Anh Việt chủ động đầu tư xây hầm biogas để xử lý phân lợn, nước thải kết hợp với một số nguyên liệu khác tạo thành thức ăn cho chạch nuôi. Đây là cách xử lý khép kín, vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa phục vụ phát triển trang trại hợp lý và hiệu quả.
Cùng làm, cùng hưởng lợi
Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Việt còn truyền đạt kinh nghiệm cho các hộ trong thôn. Năm 2016, anh mạnh dạn đứng ra thành lập HTX Dịch vụ - chăn nuôi an toàn Siêu Việt, với 24 thành viên, hầu hết là những người đã gắn bó với chăn nuôi từ nhiều năm nay. Mục đích là cùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư để giảm thiểu ô nhiễm và tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn, chất lượng.
HTX do anh Nguyễn Văn Việt làm giám đốc còn quy tụ cả những thành viên làm nghề giết mổ gia súc, sơ chế, chế biến giò chả, xúc xích, từ đó hình thành chuỗi sản xuất, sơ chế, tiêu thụ khép kín, giải quyết bài toán đầu ra cho xã viên. HTX còn liên kết với doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn, bảo đảm chất lượng, ổn định về giá theo hình thức trả chậm.
Hiện, mỗi ngày HTX Siêu Việt tiêu thụ ổn định từ 4 - 6 con lợn, qua đó có thể bao tiêu 100% sản phẩm cho xã viên. HTX đã phát triển được chuỗi 4 cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm tại thị trường Hà Nội và Hưng Yên. Thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn của HTX đều được bao gói hợp vệ sinh, có chỉ dẫn địa lý để truy xuất nguồn gốc dễ dàng, có tem chống hàng giả.
Định hướng trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, xây dựng mô hình chăn nuôi - chế biến - tiêu thụ khép kín quy mô hơn. Đồng thời phát triển chăn nuôi lươn, chạch, trồng rau màu và cây ăn quả, nhằm khai thác tối đa các chất thải loại từ ngành chăn nuôi. Lượng thức ăn thừa trong dạ dày lợn sau giết mổ đưa vào ủ với men vi sinh chuyên dụng, sẽ là nguồn thức ăn rất tốt cho lươn, chạch. Phân bón từ hầm biogas chăn nuôi được coi là phân hữu cơ chất lượng cao sản xuất rau an toàn.