Loại quả đặc sản trồng trên núi đá của Chi Lăng sẽ được bán online trong mùa dịch

Gia Tưởng Thứ hai, ngày 19/07/2021 17:05 PM (GMT+7)
Lạng Sơn đang đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt thông qua hình thức bán hàng online để sản phẩm na Chi Lăng có thể đi trực tiếp từ người bán đến người tiêu dùng.
Bình luận 0

Sáng 19/7, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị trực tuyến "Xúc tiến thương mại sản phẩm na Chi Lăng và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2021".

Hội nghị trực tuyến tại 2 điểm cầu chính là Hà Nội và Lạng Sơn, cùng sự tham dự, chứng kiến của 7 điểm cầu khác tại Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Nghệ An, Hải Dương và Bắc Giang.

Lạng Sơn hội nghị Trực tuyến bán na Chi Lăng và các sản phẩm Ocop. - Ảnh 1.

Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn giới thiệu về nông sản tỉnh nhà. (Ảnh: Gia Tưởng)

Phát biểu tại hội nghị, ông Lý Việt Hưng - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn cho biết, năm nay, vùng sản xuất na tập trung tại hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng có diện tích trên 3.500ha, trong đó hơn 400ha na được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Tổng giá trị sản xuất ước đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, bình quân thu nhập trên 1ha canh tác na đạt 275 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, Lạng Sơn còn có vùng sản xuất rau tập trung tại các huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Quan, Bình Gia; vùng sản xuất hồng tại các huyện: Văn Lãng, Cao Lộc; vùng cây thạch đen tại các huyện Tràng Định, Bình Gia; vùng sản xuất quýt tại các huyện: Tràng Định, Bình Gia, Bắc Sơn...

Nhằm đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu, Lạng Sơn đã cấp mã vùng trồng cho 12,18ha chuối tại Văn Lãng, 40ha na tại Chi Lăng, 60ha thạch đen tại huyện Tràng Định.

6 tháng cuối năm 2021, Lạng Sơn sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ cấp mã số cho 115 vùng trồng thạch đen tại các huyện Tràng Định, Bình Gia, Văn Lãng.

Lạng Sơn hội nghị Trực tuyến bán na Chi Lăng và các sản phẩm Ocop. - Ảnh 2.

Năm 2021, tổng giá trị sản xuất của na Chi Lăng Tổng ước đạt khoảng 1.200 tỷ đồng. (Ảnh: Gia Tưởng)

Năm nay, do tác động của dịch Covid-19, đặc biệt là đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát khiến đầu ra nông sản nói chung và na Chi Lăng nói riêng gặp khó.

Do đó, Lạng Sơn đang đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt thông qua hình thức bán hàng online. Bên cạnh đó, Lạng Sơn sẽ xây dựng bản đồ số và cửa hàng số đối với mặt hàng na Chi Lăng để sản phẩm có thể đi trực tiếp từ người bán đến người tiêu dùng.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển nông sản - nhận định, năm 2020, sản lượng na Chi Lăng là 210.000 tấn, năm 2021 sản lượng đạt khoảng 240.000 tấn.

Tuy nhiên, việc thu hái và tiêu thụ na Chi Lăng hiện nay gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do thu hoạch chủ yếu tập trung, khó bảo quản tươi, chủ yếu tiêu thụ nội địa, chưa đưa vào xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn đến chuỗi cung ứng nông sản gặp khó khăn.

Tuy nhiên, với việc đa dạng và chủ động các hình thức xúc tiến thương mại, thay đổi phương thức bán hàng đi vào chiều sâu, sẵn sàng ứng phó với tình hình dịch bệnh, na Chi Lăng và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn sẽ có đầu ra ổn định.

Lạng Sơn hội nghị Trực tuyến bán na Chi Lăng và các sản phẩm Ocop. - Ảnh 3.

Lạng Sơn sẽ lập những gian hàng trực tuyến để bán sản phẩm nông nghiệp. (Ảnh: Gia Tưởng)

Cũng tại hội nghị, các sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso đều cam kết sẽ có những hỗ trợ truyền thông, hướng dẫn bà con nông dân quy cách bao gói, bảo quản sản phẩm, xây dựng thương hiệu, vận chuyển và bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử.

Đặc biệt, các sàn thương mại này sẽ hỗ trợ nông dân trong livestream bán hàng, đưa sản phẩm đến 63 tỉnh thành trên cả nước cũng như xuất khẩu.

Ông Bùi Quang Tú - đại diện sàn thương mại điện tử Sendo - cho biết, việc bán hàng online khác với bán hàng truyền thống. Do đó, phía doanh nghiệp sẽ tư vấn, hướng dẫn cho bà con nông dân để đưa sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Nhân dịp này, các doanh nghiệp, HTX sản xuất nông sản tỉnh Lạng Sơn và chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về việc bao tiêu sản phẩm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem