Việt Nam là nguồn cung dừa lớn thứ 3 cho Trung Quốc
Theo cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ dừa của nước này rất lớn. Hàng năm Trung Quốc tiêu thụ hơn 4 tỉ trái dừa, trong đó có khoảng 2,6 tỉ dừa tươi, còn lại phục vụ chế biến. Nhu cầu lớn nhưng năng lực sản xuất của Trung Quốc chưa đáp ứng đủ, do đó hàng năm nước này phải nhập khẩu lượng lớn dừa các loại.
Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, giai đoạn 2019 - 2023, nhập khẩu dừa của nước này tăng trưởng bình quân 22,71%/năm. Trong giai đoạn này, nhập khẩu dừa của Trung Quốc duy trì ổn định và tăng trưởng dần đều, đặc biệt trong 2 năm 2022 và 2023, lượng dừa nhập khẩu liên tục đạt mức cao kỷ lục, lần lượt là 1,095 triệu tấn và 1,22 triệu tấn.
Tuy nhiên, nhập khẩu dừa của Trung Quốc trong các tháng đầu năm 2024 giảm. Theo đó, trong 7 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu dừa của nước này đạt 492,32 nghìn tấn, trị giá 249,95 triệu USD, giảm 29,7% về lượng và giảm 33,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ cấu chủng loại: Hiện Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu chủng loại dừa có lớp vỏ bên trong (mã HS 08011200), lượng đạt 474,18 nghìn tấn, trị giá 229,73 triệu USD, thị phần chiếm 96,32% tổng lượng và 91,91% tổng kim ngạch trong 7 tháng đầu năm 2024. Ngoài ra, Trung Quốc nhập khẩu cơm dừa sấy khô (mã HS 08011100), tuy nhiên lượng không đáng kể.
Cơ cấu nguồn cung: 7 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu dừa từ 7 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các nguồn cung dừa chủ yếu cho Trung Quốc gồm: In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, và Việt Nam, thị phần chiếm 96,51% tổng lượng.
Việt Nam là nguồn cung dừa lớn thứ 3 cho Trung Quốc, đạt trên 111,1 nghìn tấn, trị giá 31,79 triệu USD, giảm 30,6% về lượng và giảm 18,6% về trị giá. Thị phần trái dừa của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm nhẹ từ 22,86% trong 7 tháng đầu năm 2023 xuống 22,57% trong 7 tháng đầu năm 2024.
Việc Trung Quốc giảm nhập khẩu dừa Việt Nam chỉ là trong ngắn hạn. Bởi Trung Quốc đã đồng ý cấp phép xuất khẩu chính ngạch đối với trái dừa tươi của Việt Nam từ ngày 19/8/2024. Điều này đã mở ra cơ hội rất lớn cho ngành dừa Việt Nam tiếp cận vào thị trường tiềm năng lớn Trung Quốc.
Hiện, Việt Nam có khoảng 200.000 ha trồng dừa, sản lượng hơn 2 triệu tấn, giá trị đứng thứ4 trên thế giới và là một trong những cây trồng cho thế mạnh xuất khẩu của nước ta. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký nghị định thư cho phép dừa tươi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây vừa là cơ hội để mở rộng thị trường dừa của Việt Nam và là căn cứ để Việt Nam tổ chức, liên kết lại sản xuất cây trồng này hiệu quả hơn.
Theo dự đoán của các chuyên gia, sau khi hai nước chính thức ký nghị định thư, kim ngạch xuất khẩu dừa tươi hàng năm của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ nhanh chóng vượt 1 tỷ USD.
Trong 2 ngày 11 – 12/9, Tổng cục Hải quan Trung Quốc tiến hành kiểm tra 24 vùng trồng, 12 cơ sở đóng gói dừa tươi của Việt Nam trước khi cấp mã số cho các cơ sở này xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu phấn đấu khoảng 80% mã số được phê duyệt trở lên. Để chuẩn bị cho đợt kiểm tra của nước bạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu 15 tỉnh, thành phố đang trồng nhiều dừa cần phải nắm bắt, nghiên cứu kỹ lưỡng và chuẩn bị các vấn đề, tài liệu liên quan theo quy định của nghị định thư đã được ký kết giữa Bộ và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, dừa tươi của Việt Nam được xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm dừa tươi (cả quả có vỏ xanh vàcuống ngắn ≦ 5cm và dừa không có vỏ), phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật, quyđịnh và tiêu chuẩn liên quan đến an toàn và vệ sinh thực phẩm của Trung Quốc, không bị nhiễm các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm, cành, lá và đất.
Tất cả các vùng trồng và cơ sở đóng gói dừa xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được cả Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Trước khi xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải gửi cho GACC danhsách các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã đăng ký để phê duyệt và danh sách này sẽ được cập nhật thường xuyên. GACC sẽ đăng tải danh sách này trên website.
Đồng thời, trước khi xuất khẩu, cán bộ kiểm dịch thực vật tiến hành kiểm tra kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2%. Trong thời gian 02 năm đầu tiên, nếu không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật thì tỷ lệ lấy mẫu sẽ giảm xuống còn 1%.