Liên kết sản xuất khép kín giúp nông dân trồng chè ở Lai Châu tăng thu nhập hẳn lên

Tuấn Hùng Thứ bảy, ngày 08/04/2023 18:25 PM (GMT+7)
Chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thu sản phẩm có sự tham gia của người nông dân, doanh nghiệp và chính quyền giúp nhiều nông hộ trồng chè ở huyện Tam Đường (Lai Châu) có thu nhập tốt hơn, giảm nghèo bền vững.
Bình luận 0


Clip: Liên kết sản xuất khép kín giúp nông dân trồng chè ở Lai Châu thoát nghèo.

Nông dân loay hoay với cây chè

Tam Đường là một trong những huyện có diện tích trồng chè lớn của tỉnh Lai Châu, cây chè hiện đang là cây trồng chủ lực trong kinh tế của đồng bào nơi đây.

Chỉ tính riêng xã Bản Giang của huyện Tam Đường diện tích trồng chè gần 300ha, chiếm gần 10% diện tích toàn huyện. Tuy nhiên, trước đây trên địa bàn chưa có cơ sở bao tiêu ổn định, người nông dân phải chở đi bán ở những điểm thu gom rất xa, khiến chi phí tăng lên, thành ra thu nhập không còn đáng bao nhiêu.

Liên kết sản xuất khép kín giúp nông dân trồng chè ở Lai Châu thoát nghèo - Ảnh 2.

Tam Đường là một trong những huyện có diện tích trồng chè lớn của tỉnh Lai Châu, cây chè hiện đang là cây trồng chủ lực trong kinh tế của đồng bào nơi đây. Ảnh Tuấn Hùng

Gia đình chị Hạng Thị Dua, người dân tộc Mông ở bản Suối Thầu, xã Bản Giang có một nương chè rộng khoảng 2ha, với những gốc chè khoảng 30 năm tuổi. Nương chè của nhà chị chỉ được chăm sóc đơn giản, đợi cái nắng cái mưa của trời tưới tắm cho cây chè như bao gia đình khác.

Chia sẻ với Dân Việt điện tử, chị Dua cho hay: Trước đây tôi cũng làm cỏ, bón phân, chăm sóc vườn chè kĩ càng như bao gia đình khác nhưng mỗi lần hái chè thì năng suất không được nhiều. Thu hái xong, tôi chở chè búp tưới đến điểm thu gom ngoài thành phố, họ bảo búp chè của tôi không đẹp nên chỉ được giá cao nhất là 3.000đ/kg. Vì thế, thu nhập của tôi chỉ được khoảng 6 triệu/năm, số tiền này không đủ để nuôi 3 đứa con nhỏ.

Còn ở xã Bản Hon, với tích khoảng 120ha trồng chè San, cũng với những gốc chè từ 10 - 30 năm tuổi, nhưng đồng bào nơi đây cũng đang loay hoay tìm đầu ra cho nông sản của mình.

Bà Lò Thị Son, người dân tộc Lự ở xã Bản Hon chăn trở: Gia đình tôi ngoài 2ha trồng chè, thì không có đất trồng thêm cây gì khác nữa. Những ngày trời nắng, chúng tôi hái chè rồi chở ra thành phố bán cho người ta, trong mấy năm dịch bệnh Covid-19, người ta không thu mua nữa, gia đình chúng tôi không biết bán cho ai.

Cùng thời điểm này năm trước, mỗi cân chè mang lên thành phố chỉ bán được 2 nghìn đồng, khi nào cao nhất thì được khoảng 3 nghìn đồng.

Liên kết sản xuất khép kín giúp nông dân trồng chè ở Lai Châu thoát nghèo - Ảnh 3.

Cây chè không chỉ giúp bà con có thu nhập ổn định mà còn là cây xoá đói, giảm nghèo ở nhiều địa phương của huyện Tam Đường, Lai Châu. Ảnh Tuấn Hùng

Được biết trên địa bàn xã Bản Giang trước đây có khoảng 4 cơ sở bao tiêu búp chè tươi cho bà con, tuy nhiên đến nay chỉ còn 2 cơ sở thu mua nhưng không ổn định.

Thực tế cho thấy, do chưa có nhiều kiến thức về cây chè nên người nông dân gặp nhiều khó khăn từ chăm sóc đến bao tiêu sản phẩm. Do đó, thu nhập của người trồng chè bấp bênh, đời sống kinh tế của bà con chưa thực sự ổn định.

Nhiều hộ nông dân ở các xã Bản Hon, Bản Giang (huyện Tam Đường, Lai Châu) thu nhập phụ thuộc hoàn toàn vào cây chè và vẫn loay hoay tìm đầu ra cho búp chè của mình. Trong cái khó khăn ấy nhưng người nông dân trồng chè ở đây vẫn không bỏ cuộc.

Chuối liên kết sản xuất khép kín giúp nông dân tăng thu nhập từ cây chè

Sau nhiều năm loay hoay tìm đầu ra ổn định hơn cho cây chè, đến nay chuỗi liên kết từ chăm sóc, thu hái đến bao tiêu tại chỗ của các cơ sở thu mua chè trên địa bàn xã Bản Hon, Bản Giang đã giúp người trồng chè có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống và thoát nghèo.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Đoàn Văn Nhưỡng, Chủ tịch UBND xã Bản Giang (huyện Tam Đường, Lai Châu) cho biết: Nhận thấy tiềm năng từ vùng chè ở địa phương, một vài năm trở lại đây, nhiều cơ sở thu mua chè đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư vào mặt hàng này.

Liên kết sản xuất khép kín giúp nông dân trồng chè ở Lai Châu thoát nghèo - Ảnh 4.

Cây chè gắn bó với nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Tam Đường, Lai Châu nhiều năm qua, cùng với chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ khép kín đã và đang từng bước nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Ảnh Tuấn Hùng

Qua các cơ sở thu mua, nông dân trồng chè được hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phân bón, bao tiêu đầu ra... từ đó hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, mọi chi phí đều giảm xuống nên bà con rất phấn khởi.

Không giấu nổi niềm vui, ông Nguyễn Đình Xuyển ở bản Đoàn Kết, xã Bản Giang nói: Gia đình tôi trồng chè từ năm 1993 và hiện đang có khoảng 1,5ha. Được hỗ trợ phân bón nên năng suất ổn định, mỗi lứa chè giờ chỉ cách nhau khoảng 45 ngày, giúp cho gia đình tôi thu về khoảng 170 - 180 triệu đồng.

Cũng theo ông Xuyển, hiện toàn bộ diện tích chè do 2 vợ chồng ông chăm sóc nên làm túc tắc mà có thu nhập như vậy thì cũng tương đối ổn định.

Từ chuối liên kết sản xuất khép kín, gia đình chị Hạng Thị Dua, cũng nhờ đó mà có thêm thu nhập cho con đến trường, "từ ngày tôi được hướng dẫn cách bón phân và chăm sóc cây chè, nên mỗi lứa tôi hái được nhiều hơn, nhà máy ở gần lại mua với giá cao hơn trước, không phải mang chè đi bán ở xa nên tôi có thêm thời gian chăm sóc con cái và làm thêm gia tăng thu nhập, giờ cũng đỡ khó khăn hơn năm ngoái", chị Dua hồ hởi cho biết.

Nhiều năm qua người trồng chè ở huyện Tam Đường (Lai Châu) loay hoay bán chè xanh với giá "bèo bọt", nhà đầu tư tại chỗ thì chờ đợi chấp thuận chủ trương nên đành bỏ qua nhiều vụ chè ngon... Đến nay chuỗi liên kết sản xuất chè là hướng đi mới giúp người nông dân trồng chè nâng cao thu nhập.

Liên kết sản xuất khép kín giúp nông dân trồng chè ở Lai Châu thoát nghèo - Ảnh 5.

Đến nay, bà con trồng chè ở xã Bản Giang và Bản Hon (huyện Tam Đường, Lai Châu) đã không còn phải lo lắng về đầu ra cho cây chè. Ảnh Tuấn Hùng

Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Đoàn Văn Nhưỡng, Chủ tịch UBND xã Bản Giang (huyện Tam Đường, Lai Châu) cho hay: Cây chè nhiều năm nay là nguồn thu nhập chính người nông dân. Việc xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ đã giải quyết những thách thức từ trước tới nay, góp phần khẳng định vị thế của cây chè trên địa bàn.

Chuỗi liên kết này giúp cho bà con nông dân thuận lợi hơn trong tiêu thụ chè tại chỗ, giảm chi phí vận chuyển, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn. Từ đó góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo ở địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem