Lễ khai giảng đặc biệt là sự kiện nổi bật nhất ngành Giáo dục năm 2021

Diệu Thu Thứ sáu, ngày 24/12/2021 09:55 AM (GMT+7)
Bộ Giáo dục và Đào tạo có Bộ trưởng mới; lễ khai giảng đặc biệt nhất trong lịch sử, lần đầu tiên học sinh lớp 1 của nhiều tỉnh thành chưa một lần được đến lớp…là những điểm đáng chú ý của ngành giáo dục năm 2021.
Bình luận 0

Bộ Giáo dục và Đào tạo có Bộ trưởng mới

Ngày 8/4/2021, Quốc hội phê chuẩn ông Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thay thế cho ông Phùng Xuân Nhạ.

Ông Sơn là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

img

Ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từ lâu, chức danh Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thường rất được dư luận chú ý, quan tâm, kỳ vọng bởi một ngành có tới trên một triệu cán bộ, viên chức đang công tác và đảm nhận đào tạo hơn 20 triệu học sinh, sinh viên hằng năm.

Nhiều người kỳ vọng tân Bộ trưởng sẽ chỉ đạo, điều hành và có những kế hoạch phù hợp cho ngành giáo dục nước nhà.

"Tôi xem đây là cơ hội để có thêm điều kiện làm một số việc ở lĩnh vực mà mình tâm huyết và đã có thời gian gắn bó lâu dài. Đối với tôi, nhiệm vụ mới tại thời điểm này là một thách thức lớn, có thuận lợi nhưng cũng có rất nhiều khó khăn. Hơn một triệu người làm công tác giáo dục và quản lý giáo dục, trong đó có tôi, không có lựa chọn nào khác là chủ động đối mặt để vượt qua các khó khăn đó"”, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ.

Lễ khai giảng đặc biệt nhất lịch sử

Năm 2021, ngành GD&ĐT đã trải qua một năm nhiều biến động với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Ngày 5/9, nhiều địa phương tổ chức khai giảng theo hình thức trực tuyến và đây cũng là lần đầu tiên học sinh một số địa phương dự lễ khai giảng năm học mới qua truyền hình.

img

Học sinh dự lễ khai giảng trực tuyến ngày 5/9/2021. 

Tại Hà Nội, lễ khai giảng được tổ chức duy nhất ở Trường trung học cơ sở Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm vào sáng 5/9 và được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài PT-TH Hà Nội.

Hơn 2,1 triệu học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục Thủ đô cùng nhau đón một buổi lễ khai giảng đặc biệt nhất trong lịch sử - lễ Khai giảng trực tuyến. Trong khi Thành phố và các nhà trường dồn hết tâm sức để dành cho học sinh một buổi lễ khó quên thì đa số các em đều háo hức, hân hoan và có chút buồn khi lần đầu tiên tham dự khai giảng trực tuyến.

Lần đầu tiên học sinh lớp 1 của nhiều tỉnh thành chưa một lần được đến lớp

Năm 2021, bước sang năm thứ 2, dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ca nhiễm mới với tình trạng lây lan cao, hầu hết học sinh, sinh viên trong cả nước phải nghỉ học, học trực tuyến.

img

Học sinh lớp 1 học trực tuyến. (Ảnh minh họa).

Với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, Bộ GDĐT đã điều chỉnh khung kế hoạch năm học, nội dung dạy học các môn học, hướng dẫn tổ chức dạy học trực tuyến, qua truyền hình…

Các địa phương, nhà trường đã vận dụng các hình thức dạy học trực tuyến, chủ động điều chỉnh kế hoạch, nội dung dạy học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Năm học 2021 - 2022, ngành giáo dục xác định học trực tuyến sẽ là việc lâu dài. Nhiều thách thức với học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 1.

Đến hết năm 2021, học sinh lớp 1 tại nhiều địa phương vẫn chưa một lần được đến lớp.

Điểm chuẩn vào đại học cao kỷ lục, nhiều thí sinh 30 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1

Năm 2021, cả nước có gần 1.015.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, tăng khoảng 100.000 so với năm trước. Tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2021 là 795.353. (tăng hơn 150.000 thí sinh so với năm 2020).

img

(Ảnh minh họa). 

Cùng với lượng thí sinh tăng cao, điểm chuẩn năm 2021 tăng đột biến, thậm chí được nhiều người miêu tả là tăng chóng mặt, cao ngất ngưởng... đến nhiều nhà chuyên môn cũng ngỡ ngàng.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có 61 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên không trúng tuyển nguyện vọng nào. Cá biệt, 3 ngành của Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), Học viện Chính trị Công an nhân dân, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội) lấy điểm chuẩn 30 - 30,5. Như vậy nếu thí sinh đạt điểm tuyệt đối (30/30) mà không cộng điểm ưu tiên thì vẫn trượt đại học.

Học sinh lớp 2, lớp 6 học sách giáo khoa mới

Ngày 9/2, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo vừa phê duyệt 72 sách giáo khoa của tất cả các môn học của lớp 2, lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Lớp 2 có 32 sách giáo khoa của 8 môn học và hoạt động giáo dục được phê duyệt, tương đương với 3 bộ sách giáo khoa. Riêng môn Tiếng Anh có 8 cuốn của các đơn vị xuất bản khác nhau.

Lớp 6 có 40 sách giáo khoa của 12 môn học, hoạt động giáo dục. Trừ môn Tin học có 2 bản mẫu, Tiếng Anh có 8 bản mẫu được phê duyệt, các môn còn lại của lớp 6 đều có 3 cuốn.

Theo Bộ GD-ĐT, rút kinh nghiệm từ một số bất cập trong thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa lớp 1, Bộ Giáo dục và đào tạo giám sát chặt chẽ hơn quá trình thẩm định sách giáo khoa lớp 2, lớp 6.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem