Về Nà Tăm ở Lai Châu khám phá Bun Vốc Nặm, lễ hội té nước độc đáo của người Lào

Tuấn Hùng Thứ tư, ngày 07/06/2023 10:58 AM (GMT+7)
Người Lào vẫn duy trì được nhiều nét văn hoá và phong tục tập quán đặc sắc, phong phú như nghề dệt thổ cẩm, tục nhuộm răng đen và các lễ hội truyền thống, trong đó phải kể đến là "Bun Vốc Nặm", lễ hội té nước của người Lào ở xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, Lai Châu.
Bình luận 0

Clip: Nét văn hóa độc đóc ở lễ hội Bun Vốc Nặm của người Lào xã Nà Tăm của Lai Châu.

Đi xin nước trong lễ hội Bun Vốc Nặm

Bun Vốc Nặm của người Lào ở Nà Tăm, huyện Tam Đường, Lai Chau gồm có lễ cúng cầu mùa và lễ cúng cầu mưa, múa xoè, lễ té nước, giao lưu văn nghệ và các trò chơi dân gian.

Theo các già làng ở xã Nà Tăm, lễ hội Bun Vốc Nặm là dịp người dân tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với "Phà" và "Đin" (theo tiếng Lào có nghĩa là trời và đất), tổ tiên, các vị thần linh, đã phù hộ cho dân bản cả năm có sức khoẻ, gặp nhiều may mắn.

Lễ hội còn thể hiện những mong muốn ước vọng tạo sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, thanh khiết hoá cuộc sống của con người. Do đó, vào những ngày lễ hội mọi người thường té nước vào nhau để chúc phúc, cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, vạn vật tốt tươi, nhà nhà hạnh phúc.

Bun theo tiếng Lào có nghĩa là tết, là lễ hội, còn có nghĩa là phúc, là tốt đẹp, vì thế người Lào tổ chức Bun Vốc Nặm để cầu phúc, cầu bình an.

Về Nà Tăm ở Lai Châu khám phá Bun Vốc Nặm, lễ hội té nước độc đáo của người Lào - Ảnh 2.

Lễ hội Bun Vốc Nặm được bà con người Lào ở xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, Lai Châu tổ chức hàng năm thu hút đông đảo du khách thập phương tới khám phá. Ảnh: Tuấn Hùng

Bun Vốc Nặm thường được bà con người Lào ở xã Nà Tăm tổ chức sau khi đã gieo xong những hạt ngô xuống đất và trồng xong vụ lúa mới.

Vào mùa gieo hạt, không chỉ đất khát, cây khát, mà con người và muôn vật dường như cũng thấm đủ cơn khát, cũng đã héo úa đi nhiều. Trước sự đổi thay của mùa vụ và vạn vật, vì vậy phải có nước để bắt đầu hồi sinh, bắt đầu làm lại bằng sự sạch sẽ và mới mẻ. Do đó, vào ngày này, đồng bào làm lễ để cầu mong mưa thuận gió hoà, một năm mới ấm no và sung túc hơn.

Chia sẻ với Dân Việt, ông Vàng Văn Kẻo, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, Lai Châu cho hay: Đồng bào người Lào ở Nà Tăm chiếm đa số, có đến gần 100%. Nhiều nét văn hóa đặc sắc từ xa xưa của đồng bào người Lào vẫn được bà con gìn giữ cho tới ngày nay, trong đó có lễ hội Bun Vốc Nặm.

Lễ hội là dịp để mỗi người dân và mọi nhà thành kính dâng lễ vật tạ "Phà, Đin" và các vị thần linh, đã phù hộ độ trì cho một năm cũ mùa màng bội thu, con người, cây trồng, vật nuôi khoẻ mạnh, qua nghi lễ truyền thống cầu mùa trang trọng và linh thiêng.

"Đây là một lễ hội dân gian thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Lào ở xã Nà Tăm. Mặt khác, lễ hội còn làm tăng thêm tính cộng đồng và lòng tự hào về truyền thống dân tộc. Lễ hội là di sản văn hoá quý giá của người Lào, là sức mạnh tinh thần, là dịp để khuyến khích cộng đồng mường bản", ông Kẻo tươi cười chia sẻ.

Về Nà Tăm ở Lai Châu khám phá Bun Vốc Nặm, lễ hội té nước độc đáo của người Lào - Ảnh 3.

"Chảu mốt" tức thầy cúng, là già làng có uy tín ở xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, Lai Châu. Ảnh: Tuấn Hùng

Để chuẩn bị cho Lễ Bun Vốc Nặm, toàn thể bà con trong xã Nà Tăm cùng nhau đóng góp công sức, vật lực, mua sắm lễ cúng là gà và lợn, rượu, xôi, bánh chưng, hoa, quả, bánh kẹo, khăn vải… là những tín vật dâng lên trong lễ cúng, ống tre để đi xin nước, khâu những quả còn, làm tó má lẹ, tham gia dọn vệ sinh bản làng.

Sau đó bà con sẽ dọn vệ sinh địa điểm làm lễ cúng được chọn trước, họ cùng nhau dựng chòi cúng bằng tre để việc thực hiện lễ cúng cầu mùa và cầu mưa được diễn ra đúng với lễ nghi và truyền thống của dân bản.

Ngày diễn ra lễ hội, "Chảu mốt" cùng đại diện các gia đình: người già rước lễ vật, đàn ông thì mang ống nước, phụ nữ mang theo hoa tươi và mẹp, cùng đoàn người mang lễ vật lên "Phị bản", tức chòi cúng, là nơi hội tụ của thần linh trong bản. Đoàn người vừa đi vừa đánh trống đánh chiêng rộn ràng.

Đến nơi, "Chảu mốt" sẽ cầm mỗi tay một nén hương tiến lại gần "Phị bản" vái 3 vái, sau đó cắm hương vào 2 bên "Phị bản". Cắm hương xong thầy cúng cho đoàn bê lễ là những già làng có uy tín trong bản dâng những lễ vật lên chòi cúng để cúng thần linh. Sau đó họ xếp hàng ngay ngắn đứng bên cạnh chòi cúng.

Về Nà Tăm ở Lai Châu khám phá Bun Vốc Nặm, lễ hội té nước độc đáo của người Lào - Ảnh 4.

"Chảu mốt" sẽ châm hương và bắt đầu làm Lễ cầu mùa xin chủ trời, xin chủ đất, xin ăn, xin ở. Xin cho nước trời vào ruộng, xin cho cá lên khe, xin cho cây lúa mọc mầm... Ảnh: Tuấn Hùng

Có khoảng 200 người dân đại diện cho các bản trong đoàn nghi lễ sẽ đứng xếp hàng xung quanh khu vực chòi cúng. Tất cả đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc Lào. 

"Chảu mốt" thông báo với thần linh: Hôm nay ngày lành tháng tốt, dân bản có những lễ vật để dâng lên, kính mời thần linh đón nhận những lễ vật này để chứng nhận cho tấm lòng của dân bản.

Rồi "Chảu mốt" sẽ thực hiện cúng cầu mùa, xin chủ trời, xin chủ đất, xin ăn, xin ở. Xin cho nước trời vào ruộng, xin cho cá lên khe, xin cho cây lúa mọc mầm, phát triển.

Xin chủ trời, xin chủ đất thương cho dân bản. Bảo vệ cho con trâu, con lợn, con gà, con vịt không bị bệnh dịch. Bảo vệ cho dân bản từ người già đến trẻ nhỏ không bị ốm đau, không bệnh tật, luôn luôn mạnh khỏe. Thóc đầy nhà, gà đầy chuồng, cho dân bản ấm no, hạnh phúc, xin Cho mùa màng bội thu, cho nhân dân phát triển kinh tế.

Sau khi thực hiện xong lễ cúng cầu mùa, đoàn nghi lễ sẽ cùng nhau lên đường, đi gọi "cái nước của trời" làm mát lòng đất mẹ, nuôi cây lúa thêm bông.

Về Nà Tăm ở Lai Châu khám phá Bun Vốc Nặm, lễ hội té nước độc đáo của người Lào - Ảnh 5.

Các chàng trai người Lào tham gia lễ hội Bun Vốc Nặm ở xã Nậm Tăm, huyện Tam Đường, Lai Châu sẽ mang ống tre theo "Chảu mốt" tới gõ cửa những gia đình có uy tín, khấm khá để xin nước. Ảnh: Tuấn Hùng

Đồng bào người Lào sẽ tổ chức lễ xin nước của trời, hay còn gọi là lễ cầu mưa. Đây là thời điểm mở đầu cho chu kỳ sản xuất nông nghiệp và cũng là thời điểm những công việc như phát nương, làm đất, trọc lỗ, tra hạt, cấy lúa đã hoàn tất.

Đồng bào làm lễ cầu mưa để cầu xin trời đất, tổ tiên, các vị thần linh, ban cho những cơn mưa vàng mưa bạc, để hạt nảy mầm, cây xanh lá và vạn vật sinh sôi nảy nở.

Việc tổ chức lễ cầu mưa được bà con dân bản cùng nhau chuẩn bị chu đáo, đoàn xin nước mưa được "Chảu mốt" lựa chọn gồm 80 chàng trai, cô gái khỏe mạnh, ngoan hiền trong bản sẽ cầm ống tre và hoa đi xin nước.

Dẫn đầu đoàn đi xin nước mưa là Chảu mốt, theo sau là các già làng có uy tín của các bản, tiếp đến là những chàng trai được lựa chọn mang ống che đi xin nước, cuối cùng là đoàn rước trống, rước chiêng.

Vừa đi đoàn rước nước vừa đánh trống, gõ chiêng, đập mẹt… để tạo ra những âm thanh giống như tiếng sấm sét, tiếng mưa rơi, mang ý nghĩa phồn thực, cầu trời cho mưa xuống để vụ mùa tốt tươi...

Về Nà Tăm ở Lai Châu khám phá Bun Vốc Nặm, lễ hội té nước độc đáo của người Lào - Ảnh 6.

Xin nước trong lễ hội Bun Vốc Nặm để lấy phúc và giáo dục con cháu về truyền thống dân tộc, đây cũng là cách để giới thiệu những tấm gương sản xuất giỏi cho bà con dân bản học tập, noi theo. Ảnh: Tuấn Hùng

Khi đến cổng nhà của các gia đình làm ăn phát đạt năm trước, thầy cúng có lời xin mở cổng và xin chủ nhà cho nước.

Khi đó chủ nhà sẽ mở cổng để thầy cúng cùng đoàn xin nước đi qua bể nước để chủ nhà cho nước. Nước xin được từ các gia đình khá giả, sẽ được đoàn nghi lễ mang đi rửa tượng phật để làm lễ cúng cầu mưa. Trên đường đi các gia đình trong bản mang nước mưa ra đứng 2 bên đường để té vào đoàn nghi lễ, nước té càng cao, người ướt càng nhiều, thì càng may mắn.

Đoàn rước nước đi đến bờ suối, nơi có dòng nước mát lành để đồng bào thực hiện Lễ hội té nước. Nơi này được "Chảu mốt" lựa chọn trước, bà con trong bản dựng một ngôi chùa để thực hiện nghi thức cầu mưa.

Khi đoàn nghi lễ về đến chùa, "Chảu mốt" nhận lễ vật từ tay của các già làng để dâng vào chùa. Lễ vật gồm có bánh chưng, mía và hoa quả. Sau đó thầy cúng cho phép đoàn rước hoa và nước tiến vào trong chùa để dâng hoa. Một lần dâng hoa và một lần tưới nước nối tiếp nhau cho đến khi dâng hết hoa. Rồi "Chảu mốt" cầm 2 nén hương tiến vào chùa làm các nghi lễ để dâng hương.

Về Nà Tăm ở Lai Châu khám phá Bun Vốc Nặm, lễ hội té nước độc đáo của người Lào - Ảnh 7.

Khi đoàn nghi lễ về đến chùa, "Chảu mốt" nhận lễ vật từ tay của các già làng để dâng vào chùa. Lễ vật gồm có bánh chưng, mía và hoa quả. Ảnh: Tuấn Hùng

"Chảu mốt" lựa chọn 10 chàng trai cô gái khỏe mạnh, ngoan hiền nhất bản cầm ống nước đổ để "Chảu mốt" thực hiện nghi lễ rửa tượng phật, với mong muốn tẩy uế, rửa đi hết những bụi bặm của trần gian trong một năm qua và cầu mong những điều mới mẻ, sạch sẽ nhất cho năm mới.

Sau khi an vị xong tượng phật, thầy cúng bắt đầu thực hiện nghi thức lễ cầu mưa, sau đó "Chảu mốt" sẽ dẫn đoàn người đi quanh chùa 3 vòng, vừa đi thầy vừa cúng.

Sau nghi thức cúng cầu mưa, "Chảu mốt" sẽ dẫn đoàn nghi lễ và dân bản tạo thành vòng xòe phía trước chùa, múa xòe theo tiếng trống, tiếng chiêng để ăn mừng và tạ ơn trời phật đã đồng ý cho mưa xuống.

Bun Vốc Nặm: Khoái nhất là màn té nước

Sau khi nhảy múa vui chơi, đoàn người sẽ cùng nhau xuống suối để thực hiện nghi thức té nước cầu mưa. Khu vực thực hiện nghi thức té nước đã được "Chảu mốt" cho dân bản trồng một cây chuối, cây chuối này tượng chưng cho cây cối mùa màng đang sinh sôi, nảy nở.

"Chảu mốt" đại diện đoàn người xin phép thần trời, thần đất, thần sông, thần suối: Chúng tôi vừa đi xin nước trời về, mời thổ công thổ địa, thần sông, thần suối cho mọi dân bản thực hiện nghi lễ té nước cầu mưa nhé. Phù hộ cho trâu bò đầy đàn, cho người già mạnh khoẻ sống lâu.

Về Nà Tăm ở Lai Châu khám phá Bun Vốc Nặm, lễ hội té nước độc đáo của người Lào - Ảnh 8.

Về Nà Tăm ở Lai Châu khám phá Bun Vốc Nặm, lễ hội té nước độc đáo của người Lào - Ảnh 9.

Màn té nước ở lễ hội Bun Vốc Nặm của bà con người Lào, xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, Lai Châu thu hút rất đông bà con và du khách. Ảnh: Tuấn Hùng

Sau đó trai bản trên, gái bản dưới, không phân biệt người già, trẻ nhỏ kéo nhau ra suối té nước. Vừa té nước họ vừa nói: Hôm nay chúng tôi chắn nước ở khe này chảy sang khe kia, bây giờ chúng tôi sẽ bắt cá ở khe này, cho con rồng không uống nước được phải phun mưa xuống. Bệnh tật hãy trôi theo dòng suối này mà đi thật xa khỏi bản làng.

Bà Lò Thị Sòn, Bản Nà Vàn, xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, Lai Châu hồ hởi cho hay, lễ hội té nước là lễ hội truyền thống của người Lào chúng tôi, lễ hội này để dân bản cầu mong cho mưa xuống cho cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, tổ chức lễ hội đồng bào mình ai cũng vui lắm.

Khi được hỏi về cảm nhận của bản thân khi đễn với lễ hội, chị Ki, du học sinh đến từ Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào bày tỏ, đây là lần đầu tiên tôi được đến thăm và giao lưu với dân tộc Lào của Việt Nam, tôi cảm thấy rất vui, lễ hội này có rất nhiều người đi chơi hội, tôi thấy họ rất vui vẻ.

Bà Yên, du khách đến từ thủ đô Hà Nội chia sẻ cảm nhận: Lễ hội mang lại sự gắn kết, tình cảm, dành cho nhau những cuộc gặp gỡ giao lưu để gắn thêm tình đoàn kết của hai nước Việt – Lào và giữa những đồng bào dân tộc của Việt Nam với nhau. Mỗi du khách đến đây đều mang một tâm thế vui vẻ, phấn khởi, biết được thêm một phong tục tập quán, biết được tình đoàn kết của anh chị em đồng bào, tôi rất phấn khởi.

Về Nà Tăm ở Lai Châu khám phá Bun Vốc Nặm, lễ hội té nước độc đáo của người Lào - Ảnh 10.

Bà con và du khách sẽ được hòa mình vào các trò chơi dân gian tại lễ hội Bun Vốc Nặm ở xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, Lai Châu. Ảnh: Tuấn Hùng

Sau khi té nước thoả thích, bà con và du khách kéo nhau lên bờ suối hoà cùng mọi người nhảy múa, giao lưu văn nghệ, thi chế biến các món ăn truyền thống của người Lào, thi đan giỏ tre làm lồng gà và giọ bắt lợn.

Họ hoà với nhau trong tiếng chiêng tiếng trống và nhảy sạp. Mỗi đôi trai gái ngồi hai đầu một cặp sạp con và gõ theo nhịp 4/4, cứ 3 lần gõ lên sạp cái thì một lần gõ hai sạp con vào nhau tạo ra âm thanh, tiết tấu vừa múa, vừa gõ, vừa hát.

Bà con ở các bản sẽ tham gia thi đấu các trò chơi dân gian thú vị như: tung còn, kéo co, đẩy gậy, "ngu pắt khiết" (rắn bắt nghoé), "tó má lẹ" (đánh cầu lông gà) "phắc láp" (bắt đầu bắt chân).

Vừa để vui, vừa thể hiện tình đoàn kết và sức khoẻ của người tham gia chơi trò chơi. Mọi người không phân biệt già trẻ, gái trai, tất cả cùng vui vẻ tham gia trong tiếng cười tiếng nói, tiếng hò reo, khiến không khí ngày lễ hội càng trở nên sôi động.

Về Nà Tăm ở Lai Châu khám phá Bun Vốc Nặm, lễ hội té nước độc đáo của người Lào - Ảnh 11.

Tới lễ hội Bun Vốc Nặm du khách sẽ được khoác lên mình bộ trang phục của bà con người Lào, trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của bà con như dệt thổ cẩm... Ảnh: Tuấn Hùng

Rồi dân bản lại cùng nhau nối vòng xoè, cùng múa trong điệu lăm vông, nhảy múa, hát ca, thổi khèn hát đối giao duyên và chia sẻ những điều vui vẻ của cuộc sống.

Bun Vốc Nặm là lễ hội truyền thống của người Lào tại xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Thông qua lễ hội, mọi người cùng tìm về tâm linh, tín ngưỡng, bày tỏ khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc bền vững của dân tộc,

Lễ hội thể hiện tấm lòng thành kính biết ơn trời đất tổ tiên, thần linh, những người đã có công khai sơn phá thạch dựng bản xây mường của bà con người Lào, qua đó cầu xin các thế lực siêu nhiên phù hộ độ trì cho mưa thuận gió hoà, vạn vật sinh sôi, làm ăn phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem