LĐLĐ TP.HCM: Yêu cầu các cấp công đoàn tăng cường phòng ngừa, giải quyết ngừng việc tập thể

Chinh Hoàng Thứ sáu, ngày 18/02/2022 17:07 PM (GMT+7)
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM yêu cầu các cấp công đoàn chủ động tuyên truyền, phòng ngừa việc người lao động nghỉ việc tập thể để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của họ, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bình luận 0

Cụ thể, LĐLĐ TP.HCM vừa có công văn gửi các cấp công đoàn thành phố tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.

Trong đó, đặt quan tâm, chăm lo việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động làm động lực ổn định doanh nghiệp và ngược lại, phát triển doanh nghiệp là cơ sở để tạo việc làm, thu nhập cũng như nâng cao đời sống của người lao động.

LĐLĐ TP.HCM: Yêu cầu các cấp công đoàn tăng cường phòng ngừa, giải quyết đình công, ngừng việc tập thể - Ảnh 1.

LĐLĐ TP.HCM đưa ra các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công. Ảnh: Lê Tuyết

Các cấp công đoàn cũng cần phải tăng cường chủ động phối hợp, đề xuất với người sử dụng lao động thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm định kỳ hoặc đột xuất hoặc theo vụ việc theo quy định của pháp luật.

Các chủ tịch công đoàn cơ sở cần thiết lập kênh trao đổi thông tin (như Zalo) để kịp thời chia sẻ thông tin, cập nhật tình hình. Chỉ đạo công đoàn cơ sở chủ động phối hợp, hỗ trợ, tăng cường trao đổi thông tin về tình hình doanh nghiệp, tâm tư, nguyện vọng, chế độ đối người lao động.

Khi xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, các cấp công đoàn cần kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ, hướng dẫn công đoàn cơ sở, người lao động, người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng giải quyết, xử lý nhanh nhất.

LĐLĐ TP.HCM cũng yêu cầu các đơn vị phối hợp với cơ quan Bảo hiểm Xã hội TP.HCM, các quận huyện và TP.Thủ Đức để rà soát các doanh nghiệp trên địa bàn nợ đóng bảo hiểm xã hội, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp để đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền kịp thời xử lý.

Đồng thời, phối hợp với các cấp chính quyền, phòng LĐTBXH các quận, huyện và TP.Thủ Đức; Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, Ban quản lý Khu công nghệ cao rà soát, lập danh sách các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn, nợ lương, không khả năng trả thưởng, có nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động để có phương án ngăn chặn, hỗ trợ, giải quyết kịp thời.

Tính đến cuối năm 2021, LĐLĐ TP.HCM quản lý 19.888 công đoàn cơ sở với hơn 1,3 triệu đoàn viên. Đồng thời, theo thống kê của LĐLĐ TP.HCM, trong năm 2021, TP.HCM xảy ra 7 vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể trong những tháng đầu năm với 3.696 người lao động tham gia. Nguyên do chủ yếu vì người sử dụng lao động chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về lao động như thanh toán tiền lương còn nợ không đúng thời gian quy định, không thực hiện đúng thỏa ước lao động tập thể về lương, thưởng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem