Lao động đi làm việc ở nước ngoài gặp rủi ro, về nước được hỗ trợ chuyển đổi việc làm

Thùy Anh Thứ tư, ngày 07/12/2022 15:43 PM (GMT+7)
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài về nước sẽ được hỗ trợ để học nghề, chuyển đổi nghề, tạo việc làm. Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg.
Bình luận 0

Hỗ trợ tới 6 triệu đồng để lao động học nghề

Theo đó, Quyết định số 40/2021/QĐ -TTg có quy định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; mức đóng góp vào Quỹ của doanh nghiệp và người lao động.

Mức đóng góp vào Quỹ của doanh nghiệp và người lao động. Nội dung chi và mức chi đối với các nhiệm vụ của Quỹ thực hiện theo quy định tại Điều 67 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ cho người lao động gặp rủi ro do tử vong, tai nạn lao động… thì Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước cũng hỗ trợ hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động.

 Cụ thể khi người lao động phải về nước trước hạn quy định tại Điều 10, Điều 11, Điều 12 Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg có nhu cầu được đào tạo chuyển đổi nghề, được hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề để tham gia thị trường lao động, ổn định cuộc sống với mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/tháng, tối đa 6 tháng/người/khóa học.

lao động đi làm việc ngoài nước

Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không may gặp rủi ro phải về nước có thể được hỗ trợ để đào tạo chuyển đổi nghề.

Ông Lê Nhật Tân – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực (LOD) cho rằng đây là chính sách nhân văn. Ông Tân cho rằng khi đi làm việc ở nước ngoài không chỉ người lao động ngay cả các doanh nghiệp đều mong muốn người lao động có được công việc và thu nhập tốt. Tuy vậy, cũng có nhiều trường hợp không may gặp phải rủi ro không muốn muốn như: phải về nước trước hạn vì đối tác phá sản, yếu tố sức khỏe, rủi ro do tai nạn lao động… Đây là điều không ai muốn xong khi xảy ra người lao động đều mong nhận được sự hỗ trợ tốt nhất để tìm kiếm công việc mới tại quê hương cũng như tìm kiếm cơ hội đi làm việc ở thị trường khác. Vì vậy, việc hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, được hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề để tham gia thị trường lao động, ổn định cuộc sống là một chính sách rất cần thiết và có ý nghĩa với người lao động.

Cũng theo ông Tân, lao động không may gặp rủi ro phải về nước, phía công ty đã có những chính sách hỗ trợ như căn tính thời gian người lao động đã làm việc ở nước ngoài, trích trả lại những tháng chưa làm việc cho người lao động.

Anh Nguyễn Hải Nam, 35 tuổi (Thanh Hóa) lao động của Công ty từng đi làm việc tại Nhật Bản không may phải về nước cũng được hỗ trợ học nghề lái xe để chuyển đổi nghề.

Theo Quyết định 40 thì người lao động sẽ nhận được hỗ trợ từ Quỹ việc làm ngoài nước 6 triệu đồng/khóa học để nâng cao kỹ năng nghề. Với mức hỗ trợ này, anh Nam đã có khoản tiền để đóng học phí khi học nghề lái xe nâng cao kỹ năng và tìm kiếm việc làm mới sau khi về nước.  Anh Nam dự định học nghề xong sẽ đi lái xe tắc xi.

 
Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài vượt chỉ tiêu trong năm 2022

Theo số liệu của Cục quản lý Lao động ngoài nước, 11 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã được được hơn 122 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài, đạt hơn 135% kế hoạch năm 2022. Dù mục tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2022 đã hoàn thành xong Bộ LĐTBXH vẫn nỗ lực đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc tại các thị trường trọng điểm, truyền thống, đồng thời, tìm kiếm các ngành nghề mới, các thị trường mới có việc làm ổn định, thu nhập cao tiếp nhận lao động Việt Nam.

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Nguyễn Gia Liêm - Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, có được kết quả này Bộ LĐTBXH và các địa phương đã chủ động nắm bắt thông tin, nghiên cứu đề xuất các giải pháp, chính sách kịp thời để đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc tại các thị trường trọng điểm, truyền thống. Đồng thời, tìm kiếm các ngành nghề mới, các thị trường mới có việc làm ổn định, thu nhập cao tiếp nhận lao động Việt Nam.

"Thời gian qua, Bộ LĐTBXH đã làm việc với cơ quan chức năng các nước tiếp nhận đề nghị mở cửa tiếp nhận lao động Việt Nam, tăng số lượng lao động nhập cảnh để những lao động đã được đào tạo, hoàn thành các thủ tục có thể xuất cảnh. Bộ cũng đề nghị nước tiếp nhận có chính sách tăng lương cũng như cải thiện điều kiện làm việc, ăn, ở của người lao động", ông Liêm nói.

hỗ trợ lao động tìm hiệc làm sau khi về nước

Đại diện Công ty Cổ phần nhân lực XKLĐ LOD tặng quà cho gia đình lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: LOD

Ngoài ra, Bộ cũng đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với các cơ sở dạy nghề, trung tâm dịch vụ việc làm để tạo nguồn lao động có kỹ năng nghề, ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỷ luật đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ngoài nước. Đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo cho người lao động thông qua thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

"Từ đầu năm tới nay Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước cũng đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn tại các địa phương nhằm thúc đẩy hoạt động tư vấn, hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài", ông Liêm nói.                                         

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem