Lào Cai: Vùng cao Bắc Hà nhân rộng cây "giảm nghèo" lạc đỏ, trồng cây dược liệu quý

Tráng Xuân Cường Thứ ba, ngày 06/04/2021 05:18 AM (GMT+7)
Thời gian qua, nhờ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, nhiều xã vùng cao huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa một số cây dược liệu, cây ăn quả ôn đới có giá trị vào sản xuất.
Bình luận 0

Những mô hình này đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, mở ra hướng đi mới hiệu quả trong xóa nghèo bền vững cho đồng bào vùng cao huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, cán bộ nông nghiệp và lãnh đạo xã Nậm Mòn đang tích cực xuống đồng tập trung động viên, đôn đốc bà con nông dân khẩn trương gieo cấy vụ xuân năm 2021.

Vùng cao xuất hiện cánh đồng một giống

Điểm mới trong vụ xuân ở vùng cao Nậm Mòn là ngoài việc gieo trồng các giống ngô lai, lúa lai, cánh đồng lúa một giống, Nậm Mòn còn phát triển cây lạc đỏ địa phương. Giống lạc này đang được thị trường ưa chuộng, tiến tới Nậm Mòn sẽ xây dựng thành sản phẩm OCOP.

Vụ xuân năm nay, xã Nậm Mòn phấn đấu gieo cấy 54ha lúa chất lượng cao, chủ yếu là giống hạt tròn Bản Liền, Bắc thơm và Séng Cù; 57ha ngô xuân, chủ yếu là giống ngô lai Nk66, 67, Nk4300, Cp311 và 9ha cây lạc đỏ.

Bắc Hà “mạnh tay” chuyển đổi sản xuất - Ảnh 1.

Cây lạc đỏ khẳng định vị thế cây giảm nghèo, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Ảnh: T.X.C

Lãnh đạo xã Lùng Cải cho biết, từ nguồn vốn Nghị quyết 30a, xã Lùng Cải đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai trồng mới 11ha cây dược liệu đương quy. Thực tế cho thấy cây đương quy sinh trưởng và phát triển tốt, đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân, cao hơn nhiều so với trồng ngô, lúa...

Ông Hoàng Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Nậm Mòn cho biết: "Ngay từ đầu vụ, UBND xã đã tập trung chỉ đạo cán bộ khuyến nông xã, hướng dẫn nhân dân sử dụng các giống chủ lực và một số giống lúa lai, ngô lai khác; nạo vét kênh mương thủy lợi; đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất. 

Để đảm bảo mục tiêu năng suất, sản lượng, bước vào đầu vụ, cán bộ khuyến nông huyện phụ trách xã cũng đã tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp bà con nông dân nắm được cơ cấu mùa vụ, nhất là việc thâm canh các loại giống lúa mới, chất lượng cao. Chúng tôi cũng giao trách nhiệm cho HTX Cồ Dề Chải làm tốt dịch vụ đảm bảo cung ứng giống, phân bón cho bà con nông dân để sản xuất đúng khung lịch thời vụ".

Đến thời điểm này, bà con nông dân xã Nậm mòn đã trồng xong 30ha lạc và 57ha ngô vụ xuân, đồng thời tiến hành làm cỏ ngô đợt 1 đối với trà ngô sớm.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lừu Văn Chẩn (ở thôn Nậm Mòn Hạ) chia sẻ: "Giữa tháng 3, tranh thủ trời có mưa, đất ẩm, nhà mình đã gieo xong mạ, cày bừa và cấy lúa, trồng xong ngô vụ xuân. Bây giờ lúa chỉ làm đủ ăn, ngô giá giảm nên trồng để phục vụ chăn nuôi là chính. Nhà mình và các hộ dân ở đây chuyển sang tập trung trồng lạc đỏ 2 vụ, trong đó vụ xuân này nhà mình trồng hơn 10kg giống. 

Năm trước trồng thử hơn 3kg giống có lãi lắm, được tư nhân, hợp tác xã đến tận nhà mua, giá lạc tươi từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, lạc khô từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Lãi hơn trồng ngô, lúa nên vụ này nhà mình quyết định xuống giống nhiều hơn".

Phát triển vùng trồng dược liệu quý

Trong khi đó, ở xã vùng cao Lùng Cải (Bắc Hà), chúng tôi tận mắt thấy bên cạnh những nương ngô, ruộng lúa nước, xuất hiện những vạt đồi trồng nhiều loại cây mới, đó là những cây dược liệu có giá trị, như đương quy, cát cánh...

Được biết, Lùng Cải là xã vùng cao, thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Hà, với nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trước đây, đời sống của bà con nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp nên thu nhập rất bấp bênh. 

Với mục tiêu nâng cao thu nhập, xóa nghèo bền vững, từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, nâng cao thu nhập cho nhân dân địa phương, xã Lùng Cải đã tích cực triển khai đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2016 - 2020 và đạt được kết quả rõ nét.

Theo đó, xã đã lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn từ Chương trình 135, 30a... để triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, đưa cây con giống mới vào gieo trồng như cây ăn quả ôn đới (lê, mận), cây dược liệu đương quy; chú trọng hình thành mối liên kết "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp, liên kết với doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sản phẩm nông sản cho bà con nhân dân, nhất là với sản phẩm cây dược liệu đương quy. 

Cây đương quy sau khi thu hoạch sẽ được Công ty Traphaco Sapa, Công ty Nam Dược, Viện Dược liệu thu mua, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, gắn bó với nghề nông.

Anh Thào A Chô (thôn Hoàng Nhì Phố) là 1 trong những hộ dân đầu tiên của xã Lùng Cải thực hiện trồng cây đương quy, chia sẻ: "Năm 2018, khi xã triển khai dự án này, gia đình được thôn tuyên truyền vận động nên đã trồng thử 3.000m2 đương quy. Tham gia dự án, gia đình mình được cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trên đồng ruộng, được hỗ trợ giống, nylon, phân bón... 

Qua 8 tháng trồng, ruộng đương quy cho thu hoạch, gia đình thu được hơn 30 triệu đồng, cao gấp 5-6 lần trồng ngô. Vì thế vụ sau gia đình mình đã tăng diện tích trồng lên 4.000m2". 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem