Lào Cai: Nhà nông Bắc Hà hối hả trồng cây dược liệu “vàng”, nở ra hoa tím

Tráng Xuân Cường Chủ nhật, ngày 06/03/2022 18:27 PM (GMT+7)
Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân người dân tộc Mông ở xã Tả Văn Chư (Bắc Hà, Lào Cai) đã hối hả ra ruộng đồng trồng nốt diện tích cây dược liệu cát cánh niên vụ 2021- 2022.
Bình luận 0

Qua nhiều vụ trồng cây cát cánh với doanh thu vài trăm triệu đồng/ha, bà con người Mông ở đây ví von cát cánh như cây "vàng". Loài cây dược liệu quý, nở ra hoa màu tím rất đẹp này đã và đang giúp nhiều hộ gia đình có thu nhập khá.

Trồng cây dược liệu cát cánh, thu nhập cao gấp 7-8 lần trồng ngô

Cũng như một số hộ nông dân trồng cây dược liệu cát cánh trà muộn sau tết, gia đình ông Giàng Seo Hồ (56 tuổi, ở thôn Lả Gì Thàng, xã Tả Văn Chư) khẩn trương lên luống, làm đất để trồng cây cát cánh cho kịp khung thời vụ. 

Nhà ông Hồ là hộ đã tham gia mô hình trồng cây cát cánh lấy giống của huyện Bắc Hà từ vụ đông xuân 2017- 2018, niên vụ 2020-2021 nhà ông trồng tiếp gần 1ha cây cát cánh nên kinh nghiệm "đầy mình".

Nhà nông Bắc Hà hối hả trồng cây  dược liệu “vàng” - Ảnh 1.

Ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, bà con nông dân người Mông thôn Lả Gì Thàng, xã Tả Văn Chư ra quân trồng cây dược liệu cát cánh vụ đông xuân 2021- 2022. Ảnh: T.X.C

Cát cánh có tên khoa học là Platycodon grandiforum, thuộc họ hoa chuông. Rễ cát cánh có tác dụng giảm đau, hạ nhiệt, giảm ho và khử đờm, chống loét và chống viêm.

Trao đổi với phóng viên, ông Giàng Seo Hồ cho biết: "Từ cuối tháng 12/2021, cán bộ huyện, xã đã xuống tận nơi hướng dẫn chúng tôi thu hoạch cây cát cánh, rồi cán bộ Trung tâm Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp huyện đến tận nhà cân mua với giá cao, 25.000 đồng/kg củ tươi. Tính ra nhà tôi bán được hơn 120 triệu đồng, cao gấp 7-8 lần so với trồng ngô".

Vụ đông xuân 2021- 2022, do phải để đất nghỉ, phục hồi độ màu mỡ sau 3 vụ trồng liên tiếp nên diện tích trồng cát cánh tại Tả Van Chư giảm, trung bình mỗi hộ đăng ký trồng với 5 cuộn túi nylon. 

Riêng nhà ông Hồ vẫn mạnh dạn trồng 10 cuộn nylon, bằng gần 2/3 diện tích năm ngoái. Hiện gia đình ông đã cày, bừa, đánh luống, làm xong đất trồng, vài ngày nữa là xuống giống hết diện tích.

Vào dịp trước Tết Nguyên đán, một số hộ dân ở các thôn Sừ Mừn Khang - Xà Ván, Tẩn Chư, Lả Gì Thàng đã trồng xong trà sớm, ước tính đạt hơn 15/33ha diện tích cây dược liệu cát cánh. Năm nay, xã Tả Văn Chư phấn đấu hoàn thành trồng 33ha cây cát cánh trong tháng 2.

Lý giải diện tích trồng cát cánh vụ đông xuân 2021- 2022 giảm tới 32ha (gần 50% diện tích) so với vụ trước, ông Bùi Trọng Nam - Chủ tịch UBND xã Tả Văn Chư, huyện Bắc Hà, cho biết: Hiện cây cát cánh không gặp khó khăn về chuyện đầu ra. Sở dĩ diện tích giảm là do những nơi đã trồng đủ 3 vụ liên tiếp cần phải cho đất nghỉ, phục hồi độ màu mỡ theo đúng tiêu chuẩn. Vì vậy, vụ này bà con nông dân trong xã đã chủ động chuẩn bị đủ phân bón, giống, nylon; xã và Trung tâm Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho người dân yên tâm sản xuất.

Người Mông trồng dược liệu theo chuẩn thế giới

Nhà nông Bắc Hà hối hả trồng cây  dược liệu “vàng” - Ảnh 3.

Vụ thu hoạch trước diễn ra từ tháng 12/2021 và đầu tháng 1/2022, nông dân Tả Văn Chư thắng lớn từ trồng cây dược liệu cát cánh, khi giá cao, ổn định. Ảnh: T.X.C

Vùng trồng cát cánh ở Bắc Hà, Lào Cai được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn GACP-WHO, với sự hỗ trợ và giám sát kỹ thuật bởi BioTrade – Dự án phát triển dược liệu sạch do Liên minh châu Âu tài trợ và chính thức được cấp chứng nhận đạt chuẩn vào tháng 9/2018.

Đây là vụ thứ 4 liên tiếp, cây cát cánh được trồng trên vùng đất rẻo cao Tả Văn Chư theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Cây dược liệu này đã khẳng định vị thế cây giảm nghèo, làm giàu cho bà con nông dân địa phương.

Được biết, vụ đông xuân năm 2020-2021, bà con nông dân xã Tả Văn Chư gieo trồng 65ha cây cát cánh, tăng 15ha so với vụ trước đó, đạt 130% so với kế hoạch giao. Cây cát cánh được trồng chủ yếu tại các thôn Lả Dì Thàng, Sín Chải, Xà Ván Sừ Mần Khang, Pù Chù Ván, Tẩn Chư, Lao Chải - Phà Hai Tủng.

Ông Bùi Trọng Nam cho biết: "Với diện tích gần 65ha, sản lượng trên 450 tấn, giá bán trung bình 20.000 đồng/kg, bà con người Mông địa phương có doanh thu trên 9 tỷ đồng, tăng hơn 4 tỷ đồng so với vụ trước. Đây thực sự là nguồn thu lớn, cải thiện, nâng cao đời sống đồng bào Mông".

Ở khu vực vùng cao Tả Văn Chư, đặc biệt là thôn Lả Gì Thàng, những cách đồng hoa cát cánh đang mang lại giá trị bạc tỷ mỗi năm. 

Anh Trần Văn Sơn - cán bộ Trung tâm Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp huyện, phụ trách khuyến nông xã cho biết: "Tham gia dự án trồng cây dược liệu cát cánh, bà con người Mông được Trung tâm Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp huyện ký cam kết hỗ trợ gieo trồng và bao tiêu 100% sản phẩm. 

Theo đó, nông dân được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật để mở rộng diện tích trồng cây dược liệu theo hướng an toàn của WHO. Khi thu hoạch chúng tôi đến tận cánh đồng thu mua trực tiếp, tạo niềm tin cho bà con gắn bó lâu dài với loại cây dược liệu này".

Nhờ có thu nhập ổn định từ trồng dược liệu nên thay vì phải đi làm thuê xa nhà như trước, giờ đây những hộ người dân tộc Mông dành thời gian chăm sóc những thửa ruộng canh tác dược liệu. Nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành dần vùng cây dược liệu cát cánh theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. 




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem