Nông dân thiếu kiến thức
Bà Nguyễn Thị Minh ở Việt Yên (Bắc Giang) cho bết: “Chúng tôi cứ ra đại lý nói là bị sâu gì, bệnh gì, như đạo ôn, sâu cuốn lá, khô vằn,… là đại lý đưa cho thuốc. Có nhiều lần, tôi phun thuốc sâu cuốn lá cho xu hào, bắp cải nhưng 2 ngày sau vẫn không thấy sâu chết nên ra đại lý đổi thuốc, hoặc họ tư vấn mua thêm để phun”, bà Minh nói.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện nay có rất nhiều nông dân sử dụng thuốc BVTV phụ thuộc vào đại lý bán thuốc như trường hợp bà Minh. Trong khi người sản xuất thiếu kiến thức thì không phải doanh nghiệp nào cũng giữ được “đạo đức”, trong kinh doanh. Ngoài những doanh nghiệp “có tâm” thì vẫn còn một số nhà sản xuất không tuân thủ các quy định an toàn về thành phần, liều lượng hoặc sản xuất thuốc tăng độc tính, hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh. Ở nhiều vùng, chính quyền chưa thật sự quan tâm, người nông dân chưa được trang bị đầy đủ kiến thức để phòng, tránh những tác hại do sử dụng không đúng cách hoặc lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp.
Nông dân đang phuc thuốc BVTV cho lúa tại Bắc Giang
Thực tế cho thấy, trên mỗi vỏ bao bì thuốc BVTV đều ghi rõ thời gian cách ly nhưng lại không ghi phun tối đa bao nhiêu lần thì dừng lại. Do đó, có nhiều nông dân phun chưa thấy sâu chết, bệnh chưa khỏi tiếp tục tăng thêm liều lượng để phun. Rất nhiều người không được hướng dẫn mà tự sử dụng thuốc theo thói quen và nhu cầu diệt sâu hại; tự pha tăng nồng độ gấp rưỡi, hoặc gấp đôi để diệt tận gốc sâu hại mà không biết dư lượng thuốc còn lại sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường.
Còn theo một nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, có đến 85% các hộ trồng rau phun thuốc dựa vào kinh nghiệm. 43% số hộ nông dân tăng nồng độ phun thuốc gấp đôi so với khuyến cáo. Đa số các hộ không tuân thủ đúng thời gian cách ly.
Ông Ngô Tiến Dũng - nguyên Phó Cục trưởng Cục BVTV, Bộ NN&PTNT cho biết: Nguyên nhân chính của việc lạm dụng thuốc BVTV là do nhiều nông dân thiếu hiểu biết về thuốc BVTV. Mặt khác, người dân khi đi mua thuốc BVTV chỉ ra cửa hàng nói triệu chứng, cây trồng của tôi đang bị như thế này thế kia, căn cứ vào đó người bán thuốc BVTV sẽ bán loại nào,… Do đó, hầu như người dân đều phụ thuộc vào người bán thuốc. “Do thiếu hiểu biết nên nhiều nông dân vẫn lạm dụng và sử dụng thuốc BVTV không đúng cách”, ông Dũng nói.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
“Thuốc BVTV nếu dùng sai thì không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của người dùng mà còn liên quan tới sức khỏe của cộng đồng. Dư lượng thuốc BVTV ảnh hưởng tới an toàn vệ sinh thực phẩm, tới chất lượng, hiệu quả sản phẩm khi phải tăng thêm chi phí cho sản xuất nông nghiệp. Thậm chí phun quá liều còn gây chết các loài thiên địch, từ đó phát sinh ra các loại dịch bệnh mới”, ông Dũng cho biết.
Không chỉ nông dân thiếu hiểu biết về thuốc BVTV, mà ngay cả các đại lý kinh doanh thuốc BVTV cũng rất thiếu hiểu biết về lĩnh vực thuốc BVTV.
Hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV đúng quy trình VietGAP tại Tuyên Quang
Theo Cục BVTV, hiện cả nước có 33.200 cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc BVTV đang chi phối nông dân. Trình độ của các chủ cơ sở kinh doanh này còn hạn chế. Dự án điều tra kinh doanh thuốc BVTV của Cục BVTV cho thấy, có tới hơn 91% đại lý kinh doanh thuốc BVTV không hiểu về hệ sinh thái đồng ruộng, không hướng dẫn nông dân về thời gian cách ly khi sử dụng thuốc BVTV.
Một thực tế hiện nay trong lĩnh vực thuốc BVTV so với lĩnh vực khác là thuốc giả, thuốc kém chất lượng lại chính là thuốc có độ độc cao. Nhiều loại thuốc dù có trong danh mục được phép nhập khẩu, nhưng khi về Việt Nam, các doanh nghiệp, cơ sở nhỏ lẻ phối trộn với các chất phụ gia có giá rẻ, từ đó dẫn tới gây độc hại cho cây trồng và người sử dụng.
Mới đây nhất, các cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện có loại thuốc BVTV còn sử dụng chất phụ gia là chất nhuộm vải trong công nghiệp, loại chất cấm sử dụng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và thực phẩm nhưng vẫn được phối trộn vào với mục đích chính là giảm giá thành cho sản phẩm.
Ngoài ra, tình trạng làm nhái, sản phẩm thuốc BVTV kém chất lượng cũng có tác dụng phòng trừ sâu bệnh, thậm chí còn giết sâu nhanh hơn do có độc tính cao hơn. Khi sử dụng các loại thuốc này, người nông dân thấy có hiệu quả tức thì nhưng sản phẩm thì lại độc hại và nguy cơ tồn dư trên sản phẩm nông nghiệp là rất cao.
Các chuyên gia lý giải, sau khi xử lý bằng nhiều biện pháp như sử dụng các con thiên địch, sử dụng phương pháp thủ công bắt bằng tay… nếu không được mới phải can thiệp tới thuốc. Thông thường, những loại thuốc tốt của các doanh nghiệp có uy tín thì phun đúng, đủ liều cũng chỉ khắc chế các loại sâu bệnh và nhiều loại sâu sẽ chết từ từ (do cơ chế của thuốc là làm cho sâu không phát triển, không hấp thụ được, sau đó mới chết). Tuy nhiên, khi sâu bệnh chưa kịp chết và khỏi bệnh, nông dân thấy “xót ruột” lại mua thuốc về phun tiếp, hoặc đổi thuốc khác. Mà thông thường, các loại thuốc có cùng công dụng thường là hàng nhái, lại có độc tố cao hơn do sử dụng các chất phụ gia rẻ tiền, không đảm bảo an toàn.
Cục BVTV cho biết: Chủ trương của Bộ NN&PTNT là hình thành và phát triển dịch vụ BVTV. Nếu hoạt động được tổ dịch vụ này sẽ giảm được 90% lượng người sử dụng thuốc, từ đó sẽ đơn giản hơn cho quản lý, giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV. “Nếu làm tốt được IPM và dịch vụ BVTV sẽ giải quyết được hàng loạt vấn đề và đảm bảo sẽ giảm được 30-40% lượng sử dụng thuốc BVTV trên lúa hiện nay”, ông Nguyễn Tiến Dũng nói.