Lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường có phải hành vi vi phạm pháp luật không?

Việt Sáng Thứ sáu, ngày 17/03/2023 08:21 AM (GMT+7)
Theo luật sư, Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP nêu rõ lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường là hành vi vi phạm hành chính theo quy định.
Bình luận 0

Bạn đọc hỏi về hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường

Tham gia giao thông hằng ngày, tôi thấy vỉa hè, lòng đường bị lấn chiếm rất nhiều làm chỗ để vật liệu xây dựng, kinh doanh... gây cản trở và mất an toàn giao thông.

Tôi muốn hỏi, hành vi nêu trên theo quy định có phải là hành vi vi phạm phát luật?

Bạn đọc Nguyễn Xuân Lịch (Thanh Xuân, Hà Nội) hỏi.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Đoàn LS TP Hà Nội cho biết, Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP nêu rõ lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường là hành vi vi phạm hành chính theo quy định.

Lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường có phải hành vi vi phạm pháp luật không? - Ảnh 1.

Theo luật sư, Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP nêu rõ lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường là hành vi vi phạm hành chính theo quy định.

Lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường có phải hành vi vi phạm pháp luật không?

Căn cứ khoản 1 Điều 36 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định:

"Lòng lề đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông".

Đồng thời theo khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định:

"Không được thực hiện các hành vi sau đây:

Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ;

Tụ tập đông người trái phép trên đường bộ;

Thả rông súc vật trên đường bộ;

Phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ;

Đặt biển quảng cáo trên đất của đường bộ;

Lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông;

Che khuất biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông;

Sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy;

Hành vi khác gây cản trở giao thông."

Như vậy, đối với hành vi buôn bán vỉa hè, khai thác lòng đường; vào những mục đích cá nhân, gây ảnh hưởng và cản trở đến người; giao thông hay các hoạt động bình thường khác thì bị coi là hành vi lấn chiếm lòng đường. Lấn chiếm lòng lề đường là vi vi phạm hành chính.

Ai có thẩm quyền xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường?

Căn cứ tại Điều 74 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được bổ sung bởi điểm d khoản 26 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:

Cảnh sát giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi các hành vi lấn chiếm lòng lề đường trừ điểm a khoản 5, điểm b khoản 8 và khoản 9 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi lấn chiếm lòng lề đường trừ điểm a khoản 5, điểm đ khoản 6 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Trưởng Công an cấp xã trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng và họp chợ, mua, bán hàng hóa trong phạm vi đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị.

Thanh tra giao thông vận tải, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường bộ.

Thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi Xả nước ra đường bộ không đúng nơi quy định, đổ rác ra đường bộ không đúng nơi quy định và đổ, để trái phép vật liệu, chất phế thải trong phạm vi đất dành cho đường bộ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem