Lạm phát, xuất khẩu thủy sản cuối năm sẽ tiếp tục chậm lại

13/11/2022 07:33 GMT+7
"Trong thời gian còn lại của năm 2022, nhiều khả năng xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục chậm lại khi tình hình lạm phát toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt". Đây là nhận định mới nhất của các chuyên gia ngành nông nghiệp...

Xu hướng xuất khẩu thủy sản đã có dấu hiệu chậm lại

Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản tháng 10/2022 ước đạt 815,9 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. 

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 517,5 nghìn tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 352,8 nghìn tấn, tăng 4,4%; tôm đạt 109,6 nghìn tấn, tăng 4,3%. 

Sản lượng thu hoạch của cá tra trong tháng 10/2022 tiếp tục tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 168,2 nghìn tấn. Sản xuất cá tra tiếp tục tăng trưởng do cá tra là mặt hàng có giá cả phù hợp với khả năng chi tiêu của người tiêu dùng trên thế giới trong bối cảnh lạm phát tăng cao. 

Sản lượng tôm thẻ chân trắng tháng 10/2022 ước đạt 75,9 nghìn tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 25,3 nghìn tấn, tăng 0,8%. 

Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng 10/2022 ước đạt 298,4 nghìn tấn, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 230,7 nghìn tấn, giảm 0,6%; tôm đạt 13,6 nghìn tấn, giảm 0,7%; thủy sản khác đạt 54,1 nghìn tấn, giảm 0,9%. Sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 279,9 nghìn tấn, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước do điều kiện thời tiết ngư trường trong tháng 10/2022 không thuận lợi cho ngư dân đánh bắt.

Lạm phát, xuất khẩu thủy sản cuối năm sẽ tiếp tục chậm lại - Ảnh 1.

Sản xuất cá tra tiếp tục tăng trưởng do cá tra là mặt hàng có giá cả phù hợp với khả năng chi tiêu của người tiêu dùng trên thế giới trong bối cảnh lạm phát tăng cao.

Tính chung 10 tháng năm 2022, sản lượng thủy sản ước đạt 7.450,7 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 5.366,7 nghìn tấn, tăng 2,6%; tôm đạt 1.009,8 nghìn tấn, tăng 8,2%; thủy sản khác đạt 1.074,2 nghìn tấn, tăng 1,2%. 

Trong 10 tháng năm 2022, cá tra là mặt hàng lợi thế do nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu phục hồi, giá cá tra nguyên liệu tại tỉnh An Giang liên tục đứng ở mức cao. 

Giá tôm thẻ chân trắng nguyên liệu cỡ 20 con/kg tại tỉnh Cà Mau quý 3/2022 cũng tăng mạnh so với quý trước đó, trong khi giá tôm sú cỡ 30 con/kg lại có xu hướng giảm nhẹ.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, quý 3/2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 577,5 nghìn tấn, giảm 9% so với quý trước đó, nhưng tăng 33,4% so với quý 3/2021. Xuất khẩu thủy sản quý 3/2022 tăng mạnh so với quý 3/2021 chủ yếu do đó là thời điểm ngành thủy sản xuất khẩu bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19 bùng phát tại các tỉnh, thành phố phía Nam. 

Xu hướng xuất khẩu thủy sản đã có dấu hiệu chậm lại so với mức tăng trưởng đầu năm, đặc biệt là đối với 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực là cá tra, basa và tôm các loại. Theo đó, quý 3/2022, lượng cá tra, basa xuất khẩu giảm 24,9% so với quý trước đó; lượng tôm xuất khẩu cũng giảm 12,4%.

Lạm phát, xuất khẩu thủy sản cuối năm sẽ tiếp tục chậm lại - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

So với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng thủy sản trong quý 3/2021 3/2022 tăng, trừ xuất khẩu cua các loại và nghêu các loại giảm. Tính chung 9 tháng năm 2022, xuất khẩu các chủng loại thủy sản đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. 

Quý 3/2022, xuất khẩu tôm các loại tăng trưởng chậm lại, chỉ tăng 7,3% về lượng và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng chung 9 tháng năm 2022. 

Trong khi đó, xuất khẩu cá tra, basa tiếp tục tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2021, đạt 194,4 nghìn tấn, trị giá 545,99 triệu USD, tăng 45,5% về lượng và tăng 84,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 9 tháng năm 2022, xuất khẩu cá tra, basa đạt 685,5 nghìn tấn, trị giá 1,97 tỷ USD, tăng 31,2% về lượng và tăng 82,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu lớn tiếp theo trong quý 3/2022 gồm cá đông lạnh, cá ngừ các loại, chả cá…

Lạm phát, xuất khẩu thủy sản cuối năm sẽ tiếp tục chậm lại - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Theo các chuyên gia nông nghiệp, trong thời gian còn lại của năm 2022, nhiều khả năng xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục chậm lại khi tình hình lạm phát toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Giá cả tăng cao khiến nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ, thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam có xu hướng giảm. 

Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu thủy sản từ Trung Quốc, EU vẫn khả quan để phục vụ mùa lễ hội cuối năm. Mặc dù lạm phát tại EU liên tục đạt mức kỷ lục, nhưng hiệp định EVFTA sẽ là yếu tố nâng cao khả năng cạnh tranh đối với mặt hàng thủy sản Việt Nam tại thị trường này.

5 thị trường nhập thủy sản lớn nhất thế giới, thị phần của Việt Nam là bao nhiêu?

Theo tính toán từ số liệu thống kê của ITC, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của 5 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới là EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc các tháng đầu năm 2022 đều có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, trừ Trung Quốc, nhập khẩu thủy sản của các thị trường có xu hướng chậm lại kể từ quý 3/2022. Đặc biệt, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ sau khi đạt đỉnh vào tháng 5/2022 đã liên tục giảm trong những tháng gần đây.

Lạm phát, xuất khẩu thủy sản cuối năm sẽ tiếp tục chậm lại - Ảnh 4.

Trong thời gian còn lại của năm 2022, nhiều khả năng xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục chậm lại khi tình hình lạm phát toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo thống kê của ITC, trong 6 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu thủy sản của EU đạt 30,4 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021. Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của EU chậm lại trong tháng 3/2022 do tác động tức thời của căng thẳng giữa Nga và Ukraine, nhưng sau đó đã phục hồi kể từ tháng 4/2022. 

Trong 8 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ đạt 22,3 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 5 cho Hoa Kỳ, chiếm 7,49% trong tổng trị giá nhập khẩu thủy sản của nước này. Nhập khẩu thủy sản của Hoa Kỳ từ tháng 7/2022 đã giảm so với cùng kỳ năm 2021 do tồn kho cao. 

Nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc 9 tháng năm 2022 đạt 13,5 tỷ USD, tăng 39,7% so với cùng kỳ năm 2021. Xu hướng tăng nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc vẫn được duy trì trong quý 3/2022 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm 2022. 

8 tháng năm 2022, nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản đạt 9,4 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 4 của Nhật Bản, chiếm 8,7% tổng trị giá nhập khẩu thủy sản của nước này. 

9 tháng năm 2022, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc đạt 4,84 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Hàn Quốc, chiếm 14,06% trong tổng trị giá nhập khẩu thủy sản của nước này.

Lạm phát, xuất khẩu thủy sản cuối năm sẽ tiếp tục chậm lại - Ảnh 5.

Nguồn: ITC

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục