Lạm phát ở Mỹ, châu Âu ảnh hưởng tới một ngành sản xuất quan trọng của Việt Nam như thế nào?

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 01/08/2022 20:03 PM (GMT+7)
Lạm phát ở Mỹ, châu Âu đã ngay lập tức ảnh hưởng đến các đơn hàng của doanh nghiệp xuất khẩu gỗ. Trước tình hình đó, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các doanh nghiệp ngành gỗ bình tĩnh, chủ động mở rộng thị trường để vượt qua khó khăn trước mắt.
Bình luận 0

Lạm phát ở Mỹ tăng cao nhất trong 40 năm

Lạm phát ở Mỹ vào tháng 5/2022 bất ngờ tăng tốc lên mức cao nhất trong 40 năm là 8,6%. Theo dữ liệu Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 8,6% so với một năm trước đó. Như vậy, lạm phát ở Mỹ đang ở mức cao nhất trong 40 năm. 

Tại châu Âu, theo tin từ Reuters, số liệu sơ bộ được văn phòng thống kê châu Âu Eurostat công bố ngày 1/7 cho thấy lạm phát so với cùng kỳ năm ngoái ở Eurozone trong tháng 6 là 8,6%, cao hơn mức 8,4% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Trong tháng 5, lạm phát ở khu vực này là 8,1%. 

Sự tăng tốc của lạm phát cho thấy chi phí sinh hoạt trong khối ngày càng tăng mạnh.

Lạm phát ở Mỹ, châu Âu tăng cao khiến người dân thắt chặt chi tiêu. Điều này ngay lập tức tác động đến xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, vốn là một thế mạnh của Việt Nam tại thị trường Mỹ. 

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 7 ước đạt 1,41 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng 6 năm 2022 và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. 

 Trong đó, xuất khẩu gỗ và lâm sản sang Mỹ đạt trên 5,84 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ 5,58 tỷ USD, giảm 5,1%.

Lạm phát đe dọa tăng trưởng ngành gỗ - Ảnh 1.

Lạm phát ở Mỹ, châu Âu đã tác động đến ngành chế biến, xuất khẩu gỗ. Trong ảnh: Chế biến gỗ tại Công ty Minh Thành (Đồng Nai). Ảnh: K.N

Trước những khó khăn của doanh nghiệp ngành gỗ, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các hiệp hội ngành gỗ, nên khuyến cáo đến các doanh nghiệp cần cập nhật thông tin thị trường thường xuyên; thúc đẩy doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số, cải tiến công nghệ; liên kết nhằm giảm giá thành; tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá, tăng trưởng xuất khẩu 7 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ năm 2021 và những năm trước đó. Nguyên nhân chủ yếu do giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm tăng cao (chi phí vật tư sản xuất, vận chuyển tăng mạnh); các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh.

Lạm phát ở Mỹ, doanh nghiệp ngành gỗ lo sụt giảm doanh thu

Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, lạm phát tăng cao ở Mỹ, châu Âu, Anh đang tác động tiêu cực trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành gỗ.

Khảo sát nhanh đối với 52 doanh nghiệp ngành gỗ mà Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp với tổ chức Forest Trends tiến hành trong 2 tuần vừa qua cho thấy, trong 45 doanh nghiệp hiện xuất khẩu đi Mỹ có 33 doanh nghiệp cho biết doanh thu hiện tại đã giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Chỉ có 10 doanh nghiệp cho biết doanh thu tăng so với các tháng trước đó, tuy nhiên mức tăng rất nhỏ (11%).

Tại thị trường EU, trong số 38 doanh nghiệp tham gia thị trường này có tới 24 doanh nghiệp cho biết doanh thu hiện giảm trên 41% so với các tháng trước đó. Chỉ có 4 doanh nghiệp cho biết nguồn thu tăng, ở mức 14%. Tại thị trường Anh, trong 25 doanh nghiệp tham gia thị trường này thì 17 doanh nghiệp thông báo có nguồn thu giảm, ở mức trên 41%.

Khoảng 71% doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, với tình hình thị trường như hiện nay, 44% doanh nghiệp cho rằng nguồn thu của doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành gỗ, ông Bùi Chính Nghĩa cho biết, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ phối hợp với các hiệp hội tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư chế biến gỗ và lâm sản vào các tỉnh khu vục miền núi phía bắc vào quý III năm 2022, Hội thảo thúc đẩy thương hiệu gỗ Việt tại Thành phố Hồ Chí Minh, quý IV năm 2022.

Phối hợp với Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, kịp thời tham mưu xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành gỗ.

Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị các Hiệp hội chế biến gỗ và lâm sản thường xuyên phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi các quy định pháp luật; kiến nghị Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương để tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực cho phát triển ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ.

 Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; kịp thời phát hiện và thông báo đến các cơ quan quản lý nhà nước để xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước trong việc ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại.

Các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; kịp thời ứng phó với những biến động của thị trường; thực hiện nghiêm quy định về hồ sơ nguồn gốc lâm sản và các quy định khác có liên quan trong hoạt động sản xuất, kinh doanh gỗ và lâm sản.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem