Lai Châu: Người trồng địa lan Trần Mộng mất ăn mất ngủ vì bệnh lạ trên cây

Thuý Hạnh-Vinh Duy Thứ năm, ngày 24/06/2021 18:45 PM (GMT+7)
Bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) nổi tiếng về trồng địa lan Trần Mộng kết hợp du lịch cộng đồng. Mấy năm gần đây, người trồng địa lan mất ăn mất ngủ do xuất hiện bệnh lạ trên cây mà không rõ nguyên nhân?
Bình luận 0

Cách thành phố Lai Châu hơn 30km, chúng tôi men theo con đường nhỏ 2 bên là đồi núi heo hút đến thăm bản du lịch người mông Sin Suối Hồ thuộc xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ. Được biết gần đây cây địa lan Trần Mộng tại khu du lịch của bản có dấu hiệu bị bệnh lạ mà không rõ nguyên nhân.

Lai Châu: Người trồng địa lan Trần Mộng mất ăn mất ngủ vì bệnh lạ trên cây   - Ảnh 1.

Địa lan Trần Mộng của nhà anh Sùng A Phùa bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) bị bệnh và thiệt hại hơn 300 chậu. Ảnh: Thuý Hạnh.

Được biết, cây địa lan Trần Mộng vốn là cây trồng quen thuộc gắn liền với sinh kế của đồng bào dân tộc Mông bản Sin Suối Hồ. 

Nhưng gần đây, không hiểu vì lý do gì, hàng loạt chậu địa Lan Trần Mộng tại đây bỗng nhiên chết dần chết mòn, gây tổn thất về kinh tế cho người trồng địa lan.

Lai Châu: Người trồng địa lan Trần Mộng mất ăn mất ngủ vì bệnh lạ trên cây   - Ảnh 3.

Khoảng 1 năm trở đây địa lan Trần Mộng có dấu hiệu không phát triển được và chết ngày càng nhiều. Ảnh: Thuý Hạnh.

Ông Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ cho biết: Bản trồng được 40 nghìn chậu địa lan Trần Mộng. Khoảng 2 năm trở lại đây địa lan Trần Mộng của bản bị bệnh không rõ nguồn gốc nên đã bị chết một nửa.

Chúng tôi tìm tòi, học hỏi rất nhiều cách để bảo vệ cây nhưng không thành công, đành nhìn những chậu địa lan Trần Mộng chết dần rồi vứt đi. Có những gia đình thiệt hại 100 đến 150 triệu đồng.

Đưa chúng tôi đi xem những chậu địa lan Trần Mộng từng một thời tỏa sắc cuốn hút khách thập phương giờ đang chết dần chết mòn, ông Chỉnh thông tin thêm: Nhà tôi cũng trồng được 600 chậu địa lan Trần Mộng nhưng do xuất hiện bệnh lạ trên cây nên gần 50% chậu địa lan Trần Mộng chết, thối củ không rõ nguyên nhân làm tôi và gia đình rất lo lắng. 

Theo tính toán, gia đình anh Chỉnh thiệt hại khoảng 250 triệu đồng đến 300 triệu đồng do cây địa lan bị bệnh lạ.

Cây địa lan Trần Mộng đang là nguồn thu nhập chính của gia đình và bà con trong bản khi vào mỗi dịp lễ, tết khách các nơi đên mua. Đồng thời, cây địa lan Trần Mộng cũng đã và đang góp phần làm đẹp thêm phong cảnh khu du lịch của bản chúng tôi.

Lai Châu: Người trồng địa lan Trần Mộng mất ăn mất ngủ vì bệnh lạ trên cây   - Ảnh 4.

Địa lan Trần Mộng có dấu hiệu vàng lá và thối củ rất nhanh. Ảnh: Thuý Hạnh.

Được biết cây địa lan Trần Mộng được người dân lấy từ trong rừng già về trồng và nhân giống lên, cách chăm cũng rất dễ, chỉ cần phân trâu khô và gỗ mục làm phân bón thì địa lan phát triển rất nhanh và tươi tốt.

Mỗi chậu địa lan Trần Mộng được người dân trong bản bán ra thị thị trường với giá trung bình từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng/chậu. Còn những chậu to nhiều khóm hoa thì được bán từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng chậu.

Từ lúc địa lan Trần Mộng của bản bị bệnh người dân hoang mang lo lắng không biết phải làm thế nào, cứ chậu nào vàng lá hoặc thối tầm một đến hai củ là cứ đến một vài ngày sau là cả chậu địa lan Trần Mộng bị chết không cứu được. 

Cũng gần một năm trở lại đây địa lan Trần Mộng càng ngày càng kém phát triển, làm cho thu nhập của người dân cũng dần bị kém hơn so với mấy năm trước.

Chính quyền bản có báo cáo lên xã và huyện về tình trạng cây địa lan Trần Mộng  bị bệnh lạ như thế này, nhưng khi cán bộ của sở nông nghiệp tỉnh và người của Viện hàn lâm Hà Nội lên kiểm tra cũng lắc đầu chưa biết được nguyên nhân tại sao lại vàng lá và thối củ như thế này.

Lai Châu: Người trồng địa lan Trần Mộng mất ăn mất ngủ vì bệnh lạ trên cây   - Ảnh 5.

Những chậu địa lan Trần Mộng của ông Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ bị bệnh và gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Ảnh: Thuý Hạnh.

Anh Sùng A Phùa, bản Sin Suối Hồ một trong những hộ gia đình cũng đầu tư vào trồng địa lan Trần Mộng chia sẻ: Nhà tôi trồng được hơn 700 chậu địa lan Trần Mộng nhưng đến hiện tại đã chết hơn 300 chậu. 

Địa lan Trần Mộng là thu nhập chính của gia đình tôi, nên tôi luôn cố gắng tìm cách cứu chữa và lên mạng hỏi mua thuốc và phân bón để làm sao cho cây phục hồi lại nhưng cũng chẳng ăn thua. 

Sau đấy chúng tôi được cán bộ nông nghiệp tỉnh hướng dẫn dùng thuốc nanobac nhưng vẫn không có hiệu quả, còn địa lan Trần Mộng của dân bản chúng tôi thì càng ngày càng chết dần, bà con rất lo lắng mong sớm tìm được loại thuốc phù hợp để chữa trị cho cây địa lan Trần Mộng.

Lai Châu: Người trồng địa lan Trần Mộng mất ăn mất ngủ vì bệnh lạ trên cây   - Ảnh 6.

Người dân trồng địa lan Trần Mộng luôn cố gắng tìm cách cứu chữa và lên mạng hỏi mua thuốc và phân bón để làm sao cho cây phục hồi lại nhưng cây vẫn vàng lá, thối củ. Ảnh: Thuý Hạnh.

Được biết, 130 hộ đồng bào dân tộc Mông ở bản Sin Suối Hồ sinh sống nơi đỉnh Sơn Bạc Mây trước đây chỉ quẩn quanh với cây lúa, cây ngô và trồng ít thảo quả trong rừng. 

Từ khi UBND tỉnh Lai Châu công nhận bản Sin Suối Hồ là bản du lịch cộng đồng, thì người dân bản Sin Suối Hồ có thêm nguồn thu nhập từ trồng, chăm sóc địa lan Trần Mộng bán ra thị trường.

Ông Trần Đức Phúc, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Phong Thổ, thông tin: Bệnh trên cây địa lan ở Sin Suối Hồ xuất hiện khoảng 2 năm nay. 

Trung tâm cũng đã kiến nghị và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh cũng đã có đề tài nghiên cứu về nội dung này nhưng chưa đạt kết quả. Qua thực tế kiểm tra cho thấy cây bị nấm và hiện tượng thối lõi. Hiện tại vẫn chưa có thuốc đặc trị. 

Do vậy, Trung tâm cũng đã hướng dẫn người trồng địa lan dùng thuốc trừ bệnh Ridomil gold 68wg và trong quá trình trồng, chăm sóc nên để các chậu địa lan sống trong môi trường thông thoáng. 

Đồng thời, hướng dẫn người dân chọn những giống cây khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng và giá thể trồng địa lan phải được xử lý đúng quy trình, đảm bảo không gây hiện tượng nấm và các loại bệnh khác cho cây trồng.

Lai Châu: Người trồng địa lan Trần Mộng mất ăn mất ngủ vì bệnh lạ trên cây   - Ảnh 7.

Những chậu địa lan Trần Mộng có giá hàng triệu đồng giờ bị chết khô, không cứu chữa được. Ảnh: Thuý Hạnh.

Mỗi năm, bản Sin Suối Hồ đón hàng chục nghìn lượt du khách đến thăm quan, trải nghiệm đời sống sinh hoạt, nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. 

Cũng nhờ làm du lịch và trồng địa lan Trần Mộng bán ra thị trường nên đời sống, thu nhập của người dân trong bản cũng nhờ đó mà không ngừng cải thiện, nâng cao. 

Do vậy, rất mong các cơ quan chuyên môn của tỉnh Lai Châu cần sớm phối hợp với các chuyên gia về cây trồng để tìm ra nguyên nhân khiến cho hàng loạt địa lan Trần Mộng đang chết hàng loạt...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem