Là tỉnh có diện tích lúa lớn nhất nhì miền Bắc, Thái Bình mới xuất khẩu được 600 tấn gạo, vì sao?

Thứ bảy, ngày 20/05/2023 16:57 PM (GMT+7)
Là địa phương có diện tích sản xuất lúa gạo lớn nhất nhì miền Bắc nhưng đến nay Thái Bình vẫn chưa có tên trên bản đồ xuất khẩu gạo Việt Nam và thế giới.
Bình luận 0

Công ty TNHH Hưng Cúc (cụm công nghiệp Xuân Quang, huyện Đông Hưng, Thái Bình) là doanh nghiệp tham gia chế biến, xuất khẩu gạo. Từ đầu năm đến nay, Công ty đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu vào thị trường Đài Loan, Cộng hòa Séc...

Ông Hà Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty cho biết: "Nhu cầu sử dụng gạo của các nước trên thế giới những tháng đầu năm nay cao và có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Đây chính là cơ hội lớn để các doanh nghiệp chế biến thóc gạo đẩy mạnh xuất khẩu gạo. 4 tháng qua, chúng tôi đã xuất khẩu được khoảng 600 tấn gạo, giá trị đạt hơn 300.000 USD".

Đúng như nhận định của Công ty TNHH Hưng Cúc, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, tình hình xuất khẩu gạo trong quý II của Việt Nam vẫn duy trì đà tăng mạnh. Ở thị trường các nước châu Âu, theo Hiệp định Thương mại tự do EVFTA, Việt Nam được cấp hạn ngạch là 80.000 tấn gạo xuất khẩu. Khi doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được yêu cầu theo quy định thì được hưởng ưu đãi với mức miễn thuế là 175 Euro/tấn. 

Là tỉnh có diện tích lúa lớn nhất nhì miền Bắc, Thái Bình mới xuất khẩu được 600 tấn gạo, vì sao? - Ảnh 1.

Nguồn nguyên liệu thiếu, Công ty TNHH Hưng Cúc (Thái Bình) chỉ chế biến gạo đủ phục vụ thị trường trong nước, sản lượng xuất khẩu không đáng kể.

Thái Bình có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến gạo, trong đó có 4 doanh nghiệp được Bộ Công Thương cấp phép đủ điều kiện xuất khẩu gạo, một số doanh nghiệp liên kết xuất khẩu ủy thác. 

Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm nay, chỉ duy nhất 1 doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu với sản lượng khoảng 600 tấn. Giữa lúc thị trường xuất khẩu gạo đang nhộn nhịp, giá cả tăng cao, việc các doanh nghiệp không nắm bắt được cơ hội để tiêu thụ là tín hiệu bất thường đáng quan tâm với nhiều câu hỏi.

Công ty TNHH Hưng Cúc có đơn hàng xuất khẩu gạo nhiều năm qua, song từ đầu năm đến nay, dường như doanh nghiệp này cũng chỉ duy trì ở mức ổn định giữ chân bạn hàng chứ không chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Hà Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty chia sẻ: Giá lúa gạo và nhu cầu thị trường thế giới tăng cao nhưng chúng tôi không thể mở rộng xuất khẩu được bởi thiếu nguyên liệu, khả năng dự trữ của doanh nghiệp có giới hạn, việc mua mới cũng rất hạn chế. 

Khó nhất hiện nay là giá thu mua đầu vào rất cao nhưng cũng không dễ tiếp cận, cạnh tranh, cộng với chi phí vận chuyển từ miền Trung ra cao nên dù có tăng sản lượng xuất khẩu thì lợi nhuận cũng không đáng kể. Chính vì vậy, chủ trương của chúng tôi là chú trọng chăm sóc tốt bạn hàng và chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Là tỉnh có diện tích lúa lớn nhất nhì miền Bắc, Thái Bình mới xuất khẩu được 600 tấn gạo, vì sao? - Ảnh 2.

Gần như từ bỏ thị trường xuất khẩu gạo, Công ty TNHH Liên Hạnh (Thái Bình) tập trung cho chế biến sâu các sản phẩm từ gạo để phát triển doanh nghiệp.

Là một trong những doanh nghiệp lớn, có uy tín về chế biến, xuất khẩu gạo ở Thái Bình nhưng không phải bây giờ mà gần 2 năm qua, Công ty TNHH Liên Hạnh (cụm công nghiệp thị trấn Vũ Thư, huyện Vũ Thư) đã chuyển hướng không đầu tư nhiều cho xuất khẩu gạo mà tập trung phát triển thị trường trong nước và chế biến sâu các sản phẩm từ gạo.

Ông Trần Hữu Hạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty cho biết: Trước đây mỗi năm chúng tôi xuất khẩu hơn 10.000 tấn gạo. Thế nhưng nhận thấy sự cạnh tranh và những tiêu chuẩn về gạo của các nước ngày càng khắt khe trong khi điều kiện của ta nhiều bất cập nên chúng tôi thay đổi chiến lược phát triển. 

Cái khó cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Thái Bình nói riêng, các doanh nghiệp phía Bắc nói chung là không có vùng nguyên liệu chuyên canh đủ lớn, ổn định để thực hiện chuỗi sản xuất đáp ứng đơn hàng của đối tác. Cùng với đó, xu hướng người tiêu dùng sử dụng gạo dinh dưỡng, gạo chất lượng cao organic thì chúng ta gần như chưa có.

Để đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp chế biến lúa gạo mong có vùng nguyên liệu đủ lớn tại chỗ, ông Hà Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc cho rằng: Chỉ khi có nguồn nguyên liệu tại chỗ, doanh nghiệp mới kiểm soát được chất lượng và giảm được chi phí vận chuyển, có sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. 

Thực tế, sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp gặp khó về tài chính dẫn đến không kịp thu mua lúa ở thời điểm giá tốt để dự trữ. Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi về tín dụng giúp các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo phục hồi và đủ sức tham gia vào thị trường xuất khẩu.

Còn ông Phạm Ngọc Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực thực phẩm Khang Long (xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương) cho biết: Doanh nghiệp mong muốn nhà nước quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện về đất đai để xây dựng nhà máy bảo đảm đủ lớn, đầu tư công nghệ chế biến hiện đại cho ra gạo chất lượng cao. 

Có hệ thống các nhà máy chế biến tốt, bảo đảm điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, xử lý nước thải bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, đó là những tiêu chí quan trọng để doanh nghiệp đáp ứng đủ các tiêu chuẩn xuất khẩu gạo của các nước.

Các doanh nghiệp chế biến gạo chung một nhận định, tỷ lệ hấp thụ gạo của thị trường nội tỉnh và trong nước chiếm tỷ lệ lớn từ 60 - 70% nên sản lượng dành cho xuất khẩu không nhiều. Cả người dân và doanh nghiệp mong muốn hiện nay đó là làm sao nâng giá trị hạt gạo lên để tăng lợi nhuận. 

Câu trả lời là cần có sự quy hoạch các vùng chuyên canh giống lúa đặc sản, chất lượng cao, đồng thời sớm tập trung mọi nguồn lực để xây dựng thương hiệu cho lúa gạo của Thái Bình có tên trên bản đồ lúa gạo Việt Nam và thế giới.

Khắc Duẩn (Báo Thái Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem