Đam mê tép kiểng…
Show room trưng bày thủy sinh của anh Thanh nằm khép nép trên con đường làng thuộc xã Phước Hiệp. Nhìn bề ngoài nó khá khiêm tốn với sự bộn bề của những chiếc tủ kiếng chơi thủy sinh. Nhưng chỉ cách một cái cổng là cơ ngơi tép kiểng thu tiền tỷ của anh Thanh. Trong khu vực này, có đến cả trăm cái hồ (6-12m2/hồ) đang nuôi lúc nhúc tép kiểng được che phủ bởi lưới lan.
Hiện, anh Thanh nuôi khá nhiều loại tép dùng chơi thủy sinh, như: tép đỏ, tép vàng, tép rili, tép ong đen, tép blue pearl… Mỗi loại tép có đặc tính và màu sắc khác nhau. “Tất cả các loại tép này là dòng cho giới chơi thủy sinh bình dân, đều nhập từ nước ngoài với giá vài chục ngàn đồng/con chỉ dài khoảng 2cm” - anh Thanh cho biết.
Ngoài dòng này, theo anh Thanh, còn có dòng tép kiểng dành cho giới chơi thủy sinh trưng lưu và cao cấp. Hiện, có rất nhiều loại tép ngoại với những cái tên rất kêu đã xuất hiện ở Việt Nam và giành được nhiều sự ưu ái của dân chơi tép, như: tép cọp (Caridina Tiger), tép ong đỏ (Crytal
Red Shrimp), tép Sulawesi, White Pearl, Red Fire, Multidentata... giá những loại tép ngoại này dao động trong khoảng vài chục USD/con. Đặc biệt, loại tép ong đỏ chỉ bằng đầu tăm nhưng có giá đến hàng trăm USD/con. Thế nhưng, tép ong đỏ vẫn chưa phải là loại đắt nhất. Tép Sulawesi (có nguồn gốc từ vùng đảo Sulawesi của Indonesia) được mệnh danh là “vua tép cảnh” mới giữ vị trí quán quân về giá. Tép Sulawesi có giá từ vài trăm đến hàng nghìn USD/con.
Hiện tại, Việt Nam đang rất thịnh hành các chú tép tên là Pinto (đỏ và đen), nhiều bạn trẻ nuôi thành công, vẻ đẹp của loại tép này là trắng toàn thân, đầu đỏ với những chấm trắng lớn trên đầu. Càng nhiều chấm đều trên đầu, đối xứng, giá trị sẽ tăng cao. Pinto zebra, hay còn gọi là ngựa vằn, có những vạch ngang lưng đều… Ngoài ra, những chú tép khác như SRC, King Kong, Panda, Wine Red, Red King Kong, Blue Bolt có màu sắc rất rực rỡ. Những loại tép mới phải kể đến Red/Black Galaxy Fishbone (nhiều chấm li ti trên 2 má và lưng hình xương cá), hay tép có đôi mắt cam, phản quang. Những con tép này có giá trị từ 800 - 2.500 đô la Mỹ tùy vào size và khẩu hình từng con”.
“Những loại tép dòng cao cấp nhập về đã khó, nuôi và cho nhân giống còn khó gấp bội. Nó rất dễ chết. Và nếu chết là người nuôi lao đao bởi giá quá cao” - anh Thanh thổ lộ. Chính vì vậy, để bảo toàn đồng vốn và dần bổ túc thêm kinh nghiệm, kiến thức nhân nuôi tép kiểng, hiện anh Thanh chỉ cho nhân tép kiểng dòng bình dân phục vụ cho giới chơi thủy sinh. “Tôi mê chơi cá kiểng từ những năm còn học phổ thông. Đến khi học đại học, kinh phí học hành đều lấy từ tiền lời nuôi cá cảnh. Thậm chí, lương kỹ sư của công ty nước ngoài cũng không dứt tôi ra khỏi nghề này.
Vài năm nay, tôi nhập tép kiểng nhân giống phục vụ giới chơi thủy sinh trong nước. Kiến thức là tự tôi học lấy từ kinh nghiệm chú bác đi trước, từ sách vở, mạng internet. Cho tới giờ, giới nhân giống tép kiểng trong nước cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và làm đại trà, kinh doang như tôi lại càng ít. Bởi việc nhân giống quá khó, cần kỹ thuật cao và quá rủi ro”, anh chia sẻ.
Chọn tép giống để nhân hay lai tạo, Hoài Thanh cho rằng có 2 đặc điểm cơ bản, là: màu sắc và hình dáng. Đặc biệt khi chúng bước vào giai đoạn sinh sản, việc chăm sóc để giữ được tép con lại càng khó khăn. Tỷ lệ tép bột sống rất thấp, do đó cần có kỹ năng để xử lý tốt sự cố, từ đó mới có thể lai tạo thêm nhiều giống mới.
Theo một số người chơi tép kiểng tại Sài Gòn, khi mang trứng, lưng tép sẽ dần hạ xuống bụng, sau 20-25 ngày tép sẽ xả hết trứng và phát triển thành con. Sau khi lột vỏ, tép con sẽ lớn hơn từ 0,1 - 0,5 cm. Tép trưởng thành cũng vậy, chúng sẽ lột vỏ để lớn. Nuôi khoảng 3 tháng, những con tép kiểng sẽ đạt chiều dài 2cm. Lúc này, người nuôi có thể bán ra thị trường.
Theo anh Thanh, việc chinh phục cái khó trong kỹ thuật nhân giống hay lai tạo tôm kiểng là cái thú đầu tiên khi chọn lựa thú chơi này. Người chơi có thể lai tạo ra những con tép tuyệt đẹp với nhiều hình dáng, màu sắc vô cùng đặc biệt. Những con tép mới được lai tạo chưa thuần có giá rất cao, lên đến cả ngàn USD.
Không kịp giao hàng…
Theo Hoài Thanh, hiện ở Việt Nam trào lưu chơi thủy sinh với tép kiểng đang phát triển mạnh. “Có thời điểm, tôi đóng tép gửi đi không kịp nhu cầu đặt hàng. Mỗi con tép dài 2cm có giá 20.000 đồng, nhưng giới chơi tép kiểng vẫn ùn ùn mua” - anh cho biết.
Hiện, anh Thanh bán tép kiểng chủ yếu qua mạng, 3 khu vực đang “ăn” hàng tép kiểng mạnh nhất, là: Sài Gòn, Hải Phòng và Hà Nội. Theo anh Thanh, tép kiểng rất khó nuôi nên chết nhiều. Với đặc tính mong manh, nên thường khi mới bắt đầu, người chơi sẽ không khỏi lúng túng trong việc làm thế nào để chăm sóc tép kiểng. “Thực tế, những con tép này dễ dàng bị chết với hàng trăm lí do khác nhau. Vì vậy, đòi hỏi người chơi phải có tính kiên nhẫn, có cách xử lý nhanh chóng, phù hợp để tránh tình trạng tép chết hàng loạt” - anh chia sẻ.
Sắp tới, anh Thanh sẽ cho mở rộng diện tích nhân nuôi tép kiểng lên gấp 3 lần hiện nay, cũng như chọn hướng đột phá vào dòng tép kiểng trung lưu, cao cấp phục vụ giới chơi thủy sinh trong nước. “Đây là một nghề rất có tiềm năng kinh tế có thể mang lại lợi nhuận lớn cho người nuôi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi tháng. Nhưng cũng rủi ro rất cao, có thể mất cả chì lẫn chài” - anh Thanh đánh giá.
Theo ông Trần Quốc Cường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hiệp, anh Hoài Thanh là nông dân trẻ rất đam mê, cần cù, tìm tòi học hỏi kiến thức để phát triển nghề nuôi tép kiểng phục vụ thú chơi thủy sinh. Mô hình này đang cho hiệu quả kinh tế khá lớn, nhiều nông dân trên địa bàn đang học tập và áp dụng.