Khu cách ly Covid-19 giống "homestay thu nhỏ" ở Sơn La

Hà Hoàng Thứ năm, ngày 26/08/2021 18:57 PM (GMT+7)
Huyện Mai Sơn (Sơn La) là một trong những huyện đầu tiên sáng tạo và xây dựng lán cách ly phòng chống Covid-19 có những tiện nghi cơ bản giống như một “homestay thu nhỏ”. Đây là dự án ông Nguyễn Việt Cường - Bí thư huyện Mai Sơn sáng tạo để phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới.
Bình luận 0

Clip: Quân đội và người dân tham gia dựng lán ở xã Phiêng Pằn (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La).

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để dự phòng cho phương án đón các lao động từ những vùng dịch ngoài tỉnh trở về địa phương, huyện Mai Sơn đã đề xuất xây dựng phương án làm các lán tạm phục vụ cách ly lên Ban thường vụ Tỉnh ủy Sơn La và được tỉnh chấp thuận. Hiện tại, mô hình này đang được triển khai rộng rãi trên toàn huyện Mai Sơn. 

Được biết, huyện Mai Sơn là địa phương đầu tiên trên toàn quốc triển khai mô hình xây dựng các nhà lán tạm, được ví như "homestay thu nhỏ" để phục vụ cho việc cách ly, phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đây là một biện pháp khả thi, hữu hiệu nếu như trong thời gian tới có nhiều trường hợp phải tiến hành cách ly.

Gặp "cha đẻ" homestay thu nhỏ cách ly Covid-19  ở Sơn La - Ảnh 2.

Huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) là địa phương đầu tiên triển khai mô hình lán cách ly Covid-19, giống như một "homestay thu nhỏ" trông rất vững chãi và bắt mắt.

Tâm huyết của bí thư huyện trẻ, năng động, sáng tạo

Để tìm hiểu về mô hình lán tạm phục vụ cách ly, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Cường - Bí thư huyện Mai Sơn, người sáng tạo nên mô hình "homestay thu nhỏ" này.

Gặp "cha đẻ" homestay thu nhỏ cách ly Covid-19  ở Sơn La - Ảnh 3.

Người dân nhiệt tình tham gia hưởng hứng làm lán cách ly Covid-19. Ảnh: Hà Hoàng

Ông Cường cho biết: "Thực ra ý tưởng làm nhà bằng tre đã có từ lâu đời ở khu vực miền núi rồi, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì không còn quá xa lạ với ngôi nhà bằng tre, nứa. Từ đầu, tôi đã có ý tưởng làm nhà bằng tre để phục vụ du lịch cộng đồng. Nhưng sau khi thấy việc cách ly tại một số khu cách ly tập trung xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo, gây khó khăn cho việc phòng chống dịch, tôi luôn suy nghĩ phải tìm cách nào đó để việc này không xảy ra trên địa bàn huyện Mai Sơn. Đồng thời, nếu trong trường hợp người dân đi làm thuê tại các công ty, doanh nghiệp ở ngoài tỉnh trở về quá đông, khả năng khu cách ly tập trung của huyện sẽ có mật độ quá cao".

Gặp "cha đẻ" homestay thu nhỏ cách ly Covid-19  ở Sơn La - Ảnh 4.

Thực hiện chỉ đạo của ban thường vụ Huyện ủy Mai Sơn, xã Phiêng Pằn đang hoàn thiện 10 căn lán tạm, để phục vụ công việc giãn cách trong tình huống các cơ sở y tế trên địa bàn huyện quá tải. Ảnh: Hà Hoàng

Sau một hồi suy nghĩ, ông Cường nảy ra ý tưởng lựa các sân vận động, sân trường học, khuôn viên bằng đất, hoặc vùng đất bằng phẳng chống chải để dựng những lán tạm làm bằng tre, nứa. Nghĩ là làm, ông Cường đã chỉ đạo mỗi bản làm trước từ 1 đến 2 lán để tính toán vật tư, tốc độ hoàn thiện, đồng thời nâng cao ý thức cộng đồng trong công tác phòng chống dịch của bà con.

Gặp "cha đẻ" homestay thu nhỏ cách ly Covid-19  ở Sơn La - Ảnh 5.

Mô hình lán cách ly Covid-19 được thực hiện tại xã Phiêng Pằn, có sự tham gia của thành viên Ban chỉ đạo, cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng cùng với nhân dân triển khai xây dựng. Ảnh: Hà Hoàng

Để triển khai đồng bộ và hiệu quả, ông Nguyễn Việt Cường - Bí thư huyện Mai Sơn đã giao cho Phòng Kinh tế hạ tầng huyện thiết kế mẫu lán cách ly. Sau hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 trên toàn huyện, mẫu thiết kế đã được hoàn thiện, huyện yêu cầu mỗi bản xây dựng khoảng 2 cái lán phòng chống dịch. Từ đó, hàng trăm lán đã được dựng lên ở các bản trên địa bàn huyện chỉ sau vài ngày, hoàn toàn bằng sức dân đóng góp. 

Tại huyện Mai Sơn có 327 bản, tổ, tiểu khu, hiện nay đã có một số bản triển khai hoàn thiện lán xong, tuy nhiên đến nay trên địa bàn huyện vẫn chưa xuất hiện F0.

Gặp "cha đẻ" homestay thu nhỏ cách ly Covid-19  ở Sơn La - Ảnh 6.

Mái lán được buộc bằng dây thép và được cắt đẽo rất gọn gàng và chắc chắn. Ảnh: Hà Hoàng

Theo ông Nguyễn Việt Cường, với mục tiêu chống dịch như chống giặc, không được chủ quan, lơ là, vật tư tre nứa luôn được chuẩn bị sẵn và người dân cũng rất thuận thục trong công tác dựng lán. Nếu xảy ra tình trạng khẩn cấp, mô hình lán tạm cách ly này sẽ được nhân rộng ra mỗi bản khoảng 10 lán.

Gặp "cha đẻ" homestay thu nhỏ cách ly Covid-19  ở Sơn La - Ảnh 7.

Người dân đang đào rãnh quanh lán để phòng chống nước mưa tràn vào. Ảnh: Hà Hoàng

Lán cách ly Covid-19 giống như một "homestay thu nhỏ"

Qua tìm hiểu và quan sát của phóng viên, các lán phục vụ công tác cách ly phòng chống dịch Covid-19 được dựng tại những vị trí đất tương đối bằng phẳng, đủ diện tích bố trí nhà ở, nhà tắm, khu vệ sinh. Khoảng cách giữa nhà ở phục vụ cho người cách ly và nhà ở của gia đình lớn hơn 8m. Khoảng cách từ nhà ở cách ly đến khu vệ sinh của người cách ly tối thiểu 10m. 

Gặp "cha đẻ" homestay thu nhỏ cách ly Covid-19  ở Sơn La - Ảnh 8.

Vật liệu để xây dựng lán cách ly Covid-19 chủ yếu là những vật tư có sẵn tại địa phương như tre, nứa, gỗ. Ảnh: Hà Hoàng

Các vật tư phục vụ công tác thi công lán gồm: Tre, nứa, gỗ có đường kính từ 7 - 10cm dùng làm cột, kèo, và một số hạng mục chịu lực trong nhà. Móng cột có 2 loại kích thước hố móng (C1) 40x40x40cm, (C2) 30x30x40cm; cột được dựng thẳng đứng và vuông góc, đổ đất và móng cột đầm chặt. 

Khung nhà lán được dùng khoan và con sỏ, kết hợp dây thép, day dù, dây dứa buộc để liên kết khung chắc chắn. 

Vách sàn, giường ngủ được làm bằng tre bổ, chẻ có thể sử dụng ván gỗ sẵn có tại gia đình. Vật liệu lợp mái dùng bạt dứa hoặc lá cọ đảm bảo không bị dột mưa.

Gặp "cha đẻ" homestay thu nhỏ cách ly Covid-19  ở Sơn La - Ảnh 9.

Sau khi lán được dựng lên, những trường hợp trở về từ vùng dịch, sau khi đã thực hiện cách ly tập trung, sẽ được đưa về đây để tiếp tục cách ly và theo dõi. Ảnh: Hà Hoàng

Chia sẻ với PV, ông Mùi Văn Bay - Trưởng bản Mường (xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) cho hay: "Bản chúng tôi có 110 người đi làm thuê ở các tỉnh dưới xuôi, trước đó đã có 20 trường hợp về bản, nay còn 90 người đang đi làm ăn xa ở ngoài tỉnh và đang nằm trong vùng có dịch chưa về. Sau khi nhận được chỉ đạo của huyện, xã và được tiếp cận mẫu lán cách ly của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện thiết kế, chúng tôi đã tiến hành họp bản, phân công nhiệm vụ cụ thể cho những người làm thợ mộc đóng nhà sàn có tiếng trong bản đo đạc và thực hiện.

Ngoài ra, chúng tôi còn huy động nhân lực khoảng 100 người, mỗi hộ gia đình đóng góp 2 cây tre, tận dụng tôn của trường học cũ dùng để lợp mái lán. Hiện tại, bản đã dựng được 5 cái lán. Đây là cách làm rất hay và chu đáo, khi người dân trong bản trở về sẽ được cách ly gần gia đình, tạo tinh thần thoải mái cho bà con".

Kinh phí triển khai làm lán tạm tại huyện Mai Sơn là 100% người dân tự lo, các Chi bộ, Ban quản lý bản đã họp dân, mỗi hộ nộp 2 cây tre để triển khai làm lán cách ly phòng chống Covid-19, không tốn kinh phí đầu tư xây dựng. 

Gặp "cha đẻ" homestay thu nhỏ cách ly Covid-19  ở Sơn La - Ảnh 11.

Sạp ngủ tại lán cách ly phòng chống Covid-19 được làm bằng tre rất gọn gàng và chắc chắn. Ảnh: Hà Hoàng

"Homestay thu nhỏ" có thể di chuyển lưu động

Hiện tại, trên địa bàn huyện Mai Sơn có khoảng 5.321 người dân đi lao động và làm ăn xa ở ngoài tỉnh. Sau khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số người trở về địa phương khoảng 1.900 người, còn khoảng 3.100 người lao động chưa về. Nắm bắt được tình hình đó, huyện Mai Sơn đã chỉ đạo các xã, bản, tiểu khu tuyên truyền vận động và gọi điện trực tiếp đến các hộ gia đình có người đi lao động làm ăn xa, động viên họ ở lại nơi làm việc sở tại. Đồng thời, huyện Mai Sơn cũng cho rà soát các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, để có những giải pháp giúp đỡ kịp thời cho bà con.

Gặp "cha đẻ" homestay thu nhỏ cách ly Covid-19  ở Sơn La - Ảnh 12.

Hiện, huyện Mai Sơn đang thử nghiệm làm lán mẫu tại xã Nà Bó. Mẫu lán này, có thể di chuyển lưu động đặt ở bất kỳ mặt nền bằng phẳng nào. Ảnh: Hà Hoàng

Ông Nguyễn Việt Cường cho biết: "Tôi đã chỉ đạo mỗi bản chỉ làm khoảng 2 cái lán thôi, tuy nhiên có một số bản nói dân đang đồng tình ủng hộ rất cao nên có những bản làm nhiều lán hơn".

Gặp "cha đẻ" homestay thu nhỏ cách ly Covid-19  ở Sơn La - Ảnh 13.

Để xây dựng lán, mỗi bản lựa chọn một khu đất rộng, có thể bố trí điện, nước,… để làm 1, 2 nhà tạm bằng vật liệu sẵn có của địa phương. Ảnh: Hà Hoàng

Ngoài mô hình được triển khai thực hiện tại các bản như hiện nay, ông Nguyễn Việt Cường còn chỉ đạo thử nghiệm làm lán mẫu tại xã Nà Bó có mái lợp bằng tre, để tận dụng tối đa vật liệu mà người dân có trong tay. Mẫu lán này có thể di chuyển lưu động đặt ở bất kỳ mặt nền bằng phẳng nào. 

Gặp "cha đẻ" homestay thu nhỏ cách ly Covid-19  ở Sơn La - Ảnh 14.

Vật liệu làm lán cách ly chủ yếu là bằng tre, nứa, gỗ,... những vật sẵn có tại đây và do người dân tại các địa phương trực tiếp dựng lên. Ảnh: Hà Hoàng

Hiện tại tỉnh Sơn La đang gồng mình phòng chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là tại huyện Phù Yên với các ca dương tính bắt nguồn từ lao động ngoại tỉnh trở về địa phương trong thời gian vừa qua. Dự báo số lao động ngoài tỉnh trở về địa phương sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, nên việc xây dựng các khu cách ly ở các bản như thế này sẽ giúp tỉnh Sơn La chủ động hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem