Chọn nghiệp nhà nông
Năm 2013, sau khi tốt nghiệp đại học, chàng trai trẻ Đỗ Mạnh Hùng được một công ty viễn thông lớn tiếp nhận vào làm với mức lương cao. Nhưng với đam mê nghiệp nhà nông, cùng với suy nghĩ dù lương có cao cũng vẫn là đi làm thuê, Hùng đã trăn trở, tìm hướng tự kinh doanh độc lập.
Là người có “cá tính”, Hùng muốn làm điều khác biệt, nên đã quyết định lựa chọn nghề nông. Từ bỏ vùng đất Sài Gòn với nhiều cơ hội phát triển, Hùng trở về quê Thái Bình để cùng gia đình xây dựng trang trại rộng 2ha theo mô hình chăn nuôi tổng hợp với mong muốn góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.
Heo rừng thường đẻ mỗi năm 2 - 5 lứa, mỗi lứa 8-10 con
Vốn có lợi thế thành thạo máy vi tính và giỏi tiếng Anh, Hùng đã lên mạng Internet tìm hiểu nhiều mô hình chăn nuôi ở trong và ngoài nước; so sánh từng con vật nuôi sao cho phù hợp với môi trường, điều kiện kinh tế của địa phương. Sau khi nghiên cứu và tìm hiểu, Hùng thấy ở Việt Nam rất hiếm người nuôi giống lợn rừng từ Thái Lan, trong khi giống lợn này có giá trị kinh tế cao. Hùng đã quyết định thử nghiệm nuôi giống lợn này theo phương pháp “nuôi sạch”.
Trồng rau nuôi lợn sạch
Với số vốn đầu tư ban đầu hơn 400 triệu đồng, Hùng đã mạnh dạn mua 54 con lợn rừng Thái Lan về nuôi. Theo anh Hùng, do giống lợn này không sử dụng thức ăn công nghiệp, sử dụng 95% là “thức ăn xanh”, cho tỷ lệ nạc cao nên tiết kiệm được nhiều chi phí, giá thành sản phẩm cũng cao hơn so với nhiều giống lợn khác.
Hiện trang trại của anh Hùng có khoảng 25 chuồng với 400 con lợn
Chỉ tay vào đàn lợn, anh Hùng chia sẻ: “Vì thức ăn của lợn phần lớn là rau xanh, nên thời gian đầu, tôi đã phải đi xin bà con nông dân rau, củ để đảm bảo đủ thức ăn cho lợn. Nhưng chỉ 2 tháng sau, tôi đã bắt tay vào trồng thêm cỏ, tự cung cấp nguồn thức ăn như chuối, khoai lang, ngô... Giờ đây, tôi có thể hoàn toàn tự chủ lượng thức ăn cho đàn lợn”. Ngoài ra, anh còn bổ sung thêm đá liếm để bổ sung thêm đạm, muối và các sinh tố cần thiết cho lợn rừng.
Anh Đỗ Mạnh Hùng.
Không chỉ tự chế biến được thức ăn riêng cho đàn lợn, Hùng còn nghiên cứu và chọn lọc những con lợn rừng bố mẹ có gen gốc thuần chủng, tự nhân giống để tiết kiệm chi phí. Sau 3 tháng anh lại xuất giống một lần. Để có được những con lợn rừng khỏe mạnh, anh cũng phải tuân thủ quy trình phòng chữa bệnh cho đàn lợn. Từ một tuần đến 10 ngày sẽ phun khử trùng chuồng trại một lần, tiêm vacxin cho lợn theo ngày tuổi và theo chu kỳ, 4 tháng sẽ tiêm nhắc lại vacxin phòng tai xanh, lở mồm long móng.
Sau 3 năm phát triển và mở rộng, từ 54 con lợn nhập từ Thái Lan, giờ đây, trang trại của Hùng đã có hơn 100 con lợn nái, lợn con giao động từ 300 – 400 con. Với giá bán 250.000 đồng/kg thịt, 3 triệu đồng/con lợn giống, trung bình mỗi năm trang trại của Hùng thu về gần 1,3 tỷ đồng. Hiện tại, ngoài cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm cho bà con địa phương, trang trại của anh Hùng cũng thường xuyên xuất giống đi các tỉnh khác.