Kho ứng dụng và trung gian thanh toán khiến game lậu tràn vào Việt Nam

Thứ tư, ngày 22/03/2023 20:58 PM (GMT+7)
Với việc các kho ứng dụng giảm chiết khấu cùng với sự hỗ trợ từ các bên thanh toán như thẻ tín dụng, ví điện tử (MoMo), game lậu của các nhà phát hành quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc dễ dàng vào thị trường Việt Nam.
Bình luận 0
Kho ứng dụng và trung gian thanh toán khiến game lậu tràn vào Việt Nam - Ảnh 1.

Kho ứng dụng và trung gian thanh toán khiến game lậu tràn vào Việt Nam

Game không phép từ Trung Quốc dồn dập phát hành vào Việt Nam

Theo Bộ TT&TT, từ năm 2017 đến nay, Google đã gỡ 294 game cờ bạc, đổi thưởng, game bạo lực, game không phép tại Việt Nam; Apple đã gỡ 90 game cờ bạc, đổi thưởng, không phép, game có nội dung vi phạm, nhưng hiện nay số lượng game không phép trên các nền tảng vẫn không giảm mà có dấu hiệu tăng lên.

Kho ứng dụng và trung gian thanh toán khiến game lậu tràn vào Việt Nam - Ảnh 2.

Nhiều game lậu Trung Quốc phát hành vào thị trường Việt Nam trên các kho ứng dụng. Ảnh chụp màn hình

Người dùng tại Việt Nam chỉ cần vào Google Play hay Apple Store là có thể tiếp cận được hàng trăm game không phép của các công ty nước ngoài, nhiều nhất là Trung Quốc. Có thể kể đến các game như: Mộng Huyễn Phi Tiên, Chiến ký chư thần, Souland Reload, Blade Idle, Monster & Puzzles: God Battle; Last Day on Earth- Vuvial, Age of Frostfall, Age of Magic: Chiến nhập vai, Blitz: Thời đại Anh Hùng, Marsaction: Infinite Ambition, Blood&Legend: Dragon King Idle, Immortal; Star Healer, Vệ binh Vua: Chiến tranh Rồng…

Theo đại diện một nhà phát hành game trong nước, một trong những nguyên nhân khiến các công ty Trung Quốc đưa game trực tiếp vào Việt Nam tăng mạnh mà không cần xin giấy phép từ cơ quan quản lý trong nước là do các kho ứng dụng AppStore của Apple hay Google Play thay đổi chính sách chiết khấu.

Cụ thể, Google đã có sự điều chỉnh về mức hoa hồng trên cửa hàng ứng dụng xuống còn 15%, áp dụng cho các nhà phát triển thu được 1 triệu USD đầu tiên mỗi năm. Trong khi đó, Apple cũng có động thái tương tự, chỉ khác là đối với các nhà phát triển có thu nhập hàng năm từ AppStore dưới 1 triệu USD cũng chỉ mất 15%. Trước đây, mức chiết khấu hoa hồng cho cả 2 kho ứng dụng là 30%.

Một nguyên nhân nữa được vị đại diện này đưa ra là phương thức thanh toán cho các game trên kho ứng dụng cũng đơn giản hơn. Ngoài việc dùng thẻ tín dụng, người chơi có thể thanh toán qua ví điện tử MoMo trên cả hai kho ứng dụng AppStore và Google Play và mới đây, có thêm Shopee Pay cũng đã tiến hành kết nối thanh toán trên kho ứng dụng AppStore của Apple.

Kho ứng dụng và trung gian thanh toán khiến game lậu tràn vào Việt Nam - Ảnh 3.

Dùng Ví MoMo để thanh toán cho game lậu trên kho ứng dụng. Ảnh: Lê Mỹ

“Trước đây, các kho ứng dụng của Apple và Google chỉ cho thanh toán qua thẻ tín dụng, mà tỉ lệ người dùng Việt Nam sử dụng loại thẻ này thanh toán cho game là rất ít nên các nhà phát hành Trung Quốc không mặn mà với các kho ứng dụng, chuyển sang hợp tác với nhà phát hành trong nước. Nhưng giờ đây các ví điện tử như MoMo, Shopee Pay có lượng người dùng đông đảo, thanh toán thuận tiện hơn. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến số lượng game không phép của Trung Quốc vào Việt Nam tăng nhanh”, vị này chia sẻ.

Vị đại diện cho biết thêm, khi phát hành một game trên kho ứng dụng thì doanh thu đưa về từ thanh toán qua thẻ tín dụng không đáng kể chỉ 5-7%, nhưng qua MoMo lên tới 60% và gần như độc chiếm doanh thu đưa về cho các game trên ứng dụng.

Nhà phát hành trong nước thua "toàn tập"

Kho ứng dụng chỉ thu 15% mức hoa hồng, thêm vào đó là sự hỗ trợ của nhiều ví điện tử thì việc các công ty Trung Quốc chọn phát hành game không phép trên các kho ứng dụng, thay vì hợp tác với những nhà phát hành game trong nước là điều hiển nhiên

“Chúng ta đang thua tới thua lui ở mảng này, mấu chốt liên quan đến việc giảm chiết khấu hoa hồng của kho ứng dụng và kết nối thanh toán của các ví như MoMo. Nhà phát hành không thể mua game về Việt Nam phát hành dễ dàng như trước vì các công ty Trung Quốc chọn phát hành trên kho ứng dụng có lợi hơn. Chẳng hạn, nếu làm trực tiếp với nhà phát hành trong nước, xin phép chính thống thì các công ty Trung Quốc mất ít nhất 24% phần chiết khấu, từ thuế VAT, thuế nhà thầu và bao gồm cả khoản chia lại cho các trung gian thanh toán… Trong khi đó, qua kho ứng dụng họ chỉ mất 15%, không phải đóng thuế, không mất thời gian xin phép từ cơ quan quản lý”, đại diện một nhà phát hành trong nước khác chia sẻ với VietNamNet.

Lê Mỹ (Theo viettimes)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem