Khó khăn khi dạy bơi trong trường học

Tùng Anh Thứ bảy, ngày 20/05/2017 10:46 AM (GMT+7)
Bộ GDĐT đã có chủ trương phòng chống đuối nước và dạy bơi trong trường học, tuy nhiên, lãnh đạo ngành giáo dục cũng thừa nhận, việc dạy bơi trong trường học một mình ngành giáo dục làm “không xuể”.
Bình luận 0

Không thể học bơi… trong lớp

Để phòng chống đuối nước cho trẻ em, nhiều năm nay, Bộ GDĐT đã có nhiều công văn hướng dẫn các Sở GDĐT triển khai công tác phòng chống đuối nước và dạy bơi trong trường học.  Tuy nhiên, ông Ngũ Duy Anh – Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GDĐT) cho biết: “Việc dạy bơi cho học sinh gặp không ít khó khăn vì nguồn kinh phí hạn hẹp, điều kiện vật chất thiếu thốn, có tỉnh không có trường nào có bể bơi. Nếu tất cả phụ thuộc vào ngân sách thì rất khó”.

img

Các bước cấp cứu cần thiết khi gặp trẻ đuối nước.   Ảnh:  BSCC

Ông Vũ Duy Anh cũng cho biết  thêm, tử vong do đuối nước không chỉ xảy ra đối với các em không biết bơi mà nhiều em biết bơi, bơi giỏi cũng bị đuối nước. Chính vì vậy, trong các công văn gửi Sở GDĐT địa phương, Bộ cũng nhấn mạnh yêu cầu không chỉ dạy học sinh biết bơi, cần cử cán bộ, giáo viên tham gia các khóa tập huấn về phương pháp, kỹ năng dạy bơi, cứu đuối.  “Bộ cũng yêu cầu  tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân liên kết với các trường, cơ sở giáo dục tổ chức các lớp dạy bơi cho học sinh trong và ngoài nhà trường” – ông Duy Anh nói.

Xã hội hoá dạy bơi

Xã hội hóa dạy bơi cho trẻ là cách làm đã được nhiều địa phương áp dụng thành công. Mới đây, ngày 14.5, Phòng GDĐT huyện Đông Anh (Hà Nội) đã đưa vào sử dụng bể bơi thông minh đầu tiên tại Trường THCS Hải Bối (Đông Anh) theo hình thức xã hội hóa.

Bà Dương Thị Sáu – Trưởng phòng GDĐT huyện Đông Anh cho biết, qua khảo sát, chỉ có khoảng 30% học sinh các trường trên địa bàn huyện biết bơi cơ bản, 70% còn lại chưa biết gì. Trong khi đó, địa phương có rất nhiều sông, hồ, hàng năm vẫn có các vụ tai nạn thương tích. Vì vậy, việc phải dạy bơi cho các em là vô cùng cần thiết.

“Ngân sách địa phương vẫn chi mỗi năm cho khoảng 400 học sinh được học bơi miễn phí ở bể bơi của trung tâm huyện. Con số này quá ít so với nhu cầu học bơi của các em. Kinh phí không có, muốn phổ cập bơi cho học sinh không còn cách nào khác là phải xã hội hóa” – bà Sáu nói.

Cụ thể, huyện kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư bể bơi lắp ghép thông minh, đặt trong phòng đa năng của các trường, hết 3 tháng hè có thể tháo ra cất đi.

“Chỉ cần dạy trong 3 tháng hè, số lượng học sinh biết bơi sẽ rất lớn. Mục tiêu chúng tôi đặt ra là phổ cập bơi cho học sinh lớp 4, lớp 5 cấp tiểu học và THCS. Nếu thuận lợi với mô hình này sẽ mở rộng đến hết cấp tiểu học” – bà Sáu cho biết.

 Được biết, không chỉ có Đông Anh, hiện, rất nhiều quận, huyện tại Hà Nội đã triển khai xã hội hóa đưa bể bơi thông minh vào trường học đạt hiệu quả.

Ở những nơi ngành giáo dục chưa kêu gọi được đầu tư thì một số giáo viên thể dục đã tự tổ chức các lớp bơi giá rẻ cho học sinh. Lớp học của thầy Nguyễn Tuấn Anh – giáo viên thể dục trường Tiểu học Ninh Phong, TP.Ninh Bình là một ví dụ.

Thầy Tuấn Anh cho biết, từ vài năm trước, thầy và một số đồng nghiệp đã cùng nhau mở lớp dạy bơi giá rẻ cho các em. Phụ huynh ban đầu còn e dè nhưng sau đó thấy được việc học bơi rất bổ ích nên họ cho con tham gia rất đông. Mỗi lớp học có khoảng hơn 40 học sinh chia làm 2 ca học hàng tuần. Các em không chỉ được dạy cách bơi mà còn được trang bị kỹ năng phòng tránh, xử lý tình huống khi gặp người bị đuối nước, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu.

“Tôi tin rằng nếu môn bơi lội trở thành môn học bắt buộc trong trường hầu hết phụ huynh sẽ rất ủng hộ, cả các thầy cô giáo cũng vậy” – thầy Tuấn Anh nói.

 Bác sĩ Lê Ngọc Duy - Phó trưởng khoa Cấp cứu và chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương), đuối nước thường xảy ra rất nhanh, nếu phát hiện muộn rất khó cứu hoặc cứu được cũng để lại di chứng ở não, hệ thần kinh hoặc sống đời sống thưc vật. Theo bác sĩ Duy, khi có trẻ đuối nước, cần nhanh chóng đưa bé ra khỏi nước, kiểm tra đường thở có thông thoáng không. Kiểm tra xem bé có còn thở hay không để tiến hành cấp cứu. Nếu trẻ đã mất ý thức và không thở được, thực hiện “cấp cứu cơ bản” bằng: ép tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo để khôi phục lại hơi thở của em bé. Tiếp tục cấp cứu trong khi chờ đợi đội cấp cứu đang đến.    

Diệu Linh

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem