Kể chuyện làng: Bản Bướt nơi quê hương yêu dấu của người Thái

Xuân Tuấn Thứ bảy, ngày 15/04/2023 08:10 AM (GMT+7)
Bản Bướt, xã Chiềng Yên (Vân Hồ, Sơn La) nho nhỏ, xinh đẹp và yên bình. Đây là nơi sinh sống của mấy chục hộ người Thái và có rất nhiều nét riêng biệt.
Bình luận 0

Bản Bướt những ngày khai hoang lập nghiệp

Nằm cách Quốc lộ 6 chưa đầy 2km, bản Bướt ở trọn trong thung lũng xinh đẹp. Bốn bề được bao quanh bởi dãy núi cao và suối nguồn tuôn chảy. Bao đời nay, bà con người Thái sống vui êm đềm cùng núi rừng. Ít ai biết rằng, lai lịch của bản lại gắn bó mật thiết với công cuộc khai hoang mở đất của bà con người dân tộc Thái ở huyện Mai Châu (Hòa Bình).

Trái với không khí ồn ào, tấp nập ngoài quốc lộ, bản Bướt như một nàng tiên ngủ quên giữa rừng. Những nếp nhà sàn yên bình, thô mộc đã tồn tại cả mấy chục năm được bà con người Thái sử dụng. Đến bản ta như lạc vào thế giới thần tiên. Trên cao gió ngàn, trời xanh, mây trắng, dưới núi cây mọc um tùm, chim hót líu lo. Suối chảy róc rách ôm lấy bản Thái như người mẹ hiền che chở. Khúc nhạc thiên nhiên đó cứ tấu lên ngày này qua tháng khác khiến ai đặt chân đến bản cũng ngỡ ngàng, bởi giữa thế kỷ 21 rồi còn nơi thơ mộng đến vậy.

Bản Bướt nơi quê hương yêu dấu của người Thái - Ảnh 2.

Khung cảnh yên bình tại bản Bướt. ảnh: Xuân Tuấn.

Nhịp sống nơi đây diễn ra thật chậm, như nó vốn có. Các công dân người Thái gắn bó với bản cả đời người và coi đây là quê hương thứ hai. Nhà cụ Lò Văn Thiêng ở ngay đầu bản. Cụ Thiêng đã ngoài 80 tuổi, đang ngồi đan rọ bắt cá bên hiên nhà. Đôi tay cụ đan thoăn thoắt. Đám lạt tre qua tay cụ dần tạo thành sản phẩm tinh xảo. 

Ngơi tay, cụ Thiêng đưa mắt nhìn về hướng rừng già mà cảm thán, người Thái sống được là nhờ mẹ thiên nhiên che chở. Cụ đưa ánh mắt đầy hoài niệm về dãy núi đá cao vời vợi chắn lấy thung lũng Mai Châu, quê gốc của chúng tôi ở đó. Ngày trước, nhà đông anh em, nên bố mẹ tôi đã phải di dân tìm vùng đất mới. Các cụ đi bộ 2 ngày thì tìm thấy thung lũng xinh đẹp là bản Bướt bây giờ. Thời gian đầu chỉ có 3 hộ gia đình. Mọi người mang theo hạt giống và bắt đầu khai hoang, lập bản. Người Thái vốn khéo tay nên từ nhà cửa đến dụng cụ lao động đều được làm từ tre, luồng, gỗ. Ngày đó, rừng già còn ngút ngàn, đêm đêm các cụ vẫn phải đốt lửa để đuổi thú dữ. Mùa nối mùa trôi qua, cuộc sống nơi bản mới ngày một ổn định. Ngô lúa đầy bồ, cá đầy suối; lợn, gà chạy tung tăng... đã làm cho cuộc sống của những con người khai hoang dần ổn định.

Bản Bướt nơi quê hương yêu dấu của người Thái - Ảnh 3.

Bản Bướt là nơi đáng sống. Nơi này còn giữ được rừng, suối nguồn quanh năm tuôn chảy. Từ mấy năm gần đây, bản Bướt là nơi để du khách tìm đến nghỉ dưỡng. Ảnh: Xuân Tuấn.

Sau mỗi năm lại có vài hộ tìm đến đất này định cư, người Thái rộng lòng họ lại cùng nhau san sẻ từng ô ruộng, đồi nương. Chẳng mấy chốc dân số của bản dần tăng lên. Có làng có bản cuộc sống cũng đỡ trống vắng. Nhà đến sau được hộ đến trước cưu mang, cho thức ăn, giúp công dựng nhà sàn. Sau ngày mùa màng cả bản đổ dồn vào giúp các gia đình mới chuyển đến dựng nhà. Công cán không lấy mà làm giúp ngày này qua tháng khác. Từ đây tình làng nghĩa xóm được gây dựng thêm bền chặt.

Biến bản Bướt thành điểm du lịch

Kể về những ngày xa lắc xa lơ đó mà cụ Thiêng vẫn còn rưng rưng xúc động. Trải qua mấy chục mùa trăng, mà đến giờ ở bản Thái vẫn giữ được sự đoàn kết. Tình làng nghĩa xóm thân mật như anh em ruột. Bản Thái nhiều ruộng, nhiều đất nương, các hộ dân chẳng bao giờ thiếu đói, cuộc sống luôn no ấm. Ở bản còn trồng giống lúa tẻ râu. Thứ gạo ngon chẳng kém gì gạo Séng Cù. Sau bao năm giống lúa đó đã sống bằng linh khí và thổ dưỡng của đất này cho chất lượng tuyệt hảo. Nhà nào cũng trồng và luôn để dành gạo ngon để đón khách quý. 

Bản Bướt nơi quê hương yêu dấu của người Thái - Ảnh 4.

Đa phần các hộ dân ở bản Bướt là người dân tộc Thái. Họ làm nông nghiệp kết hợp với du lịch cộng đồng. Ảnh: Xuân Tuấn.

Như cái lệ đã tồn tại từ bao đời, khách đến bản là được mời nghỉ lại ăn cơm và "kin lẩu" - uống rượu. Người Thái đãi món rau rừng, cá nướng, vịt suối... ăn ngon tuyệt vời. Nâng chén rượu men lá, trong không khí đêm xuân nơi bản Bướt quả là hào sảng. Khách đến nhà, nếu say rượu thì mời ngủ lại nhà. Đệm bông lau mà bà con người Thái dày công làm cả năm mới xong đã trải sẵn. Giấc ngủ ở bản mà chứa chan bao tình cảm mến thương gửi vào đó.

Bản Bướt nơi quê hương yêu dấu của người Thái - Ảnh 5.

Món ăn dân dã được bà con người Thái đón khách trong mỗi chuyến đi khám phá núi rừng. Ảnh: Xuân Tuấn.

Buổi sáng ở bản Bướt cũng quả là cảm giác yên bình đến lạ. Đêm qua trăng tròn vành vạnh nơi đầu núi, buổi sáng mây trắng sà cả vào cửa sổ. Mở mắt ra thấy núi tràn trong mắt. Mỗi giây phút qua đi yên bình mới thấy bà con người Thái chọn nơi này sinh sống là sáng suốt. Cụ Thiêng đánh thức tôi rồi đưa ra suối, trong tay xách theo cả gói mì tôm to. Con suối ngày đêm tuôn chảy nước trong vắt, phía dưới cả ngàn vạn con cá ung dung bơi lội. Nom thấy dáng cụ Thiêng, chúng còn lũ lượt kéo nhau vào tận bờ như chờ đợi. Cụ Thiêng bóp vụn gói mì tôm rồi tung vào mặt nước. Cả vạn con cá đua nhau giành giật thức ăn. Chúng là đàn cá mà bà con trong bản có quy ước, không ai được đánh bắt. Ai vi phạm phạt bao thóc để cho cá ăn. Lệ đặt ra vậy, nhưng điều đáng nói là chưa có ai vi phạm lệ làng này bao giờ.

Bản Bướt nơi quê hương yêu dấu của người Thái - Ảnh 6.

Bản Bướt có suối, có thác, có rừng là nơi được nhiều du khách lựa chọn trong mỗi dịp hè đến. Ảnh: Xuân Tuấn.

Bản Bướt còn giữ được nét nguyên sơ của miền sơn cước. Bà con người Thái sống có luật, có lệ nên rừng được bảo tồn. Nguồn suối mát trong chẳng bao giờ cạn. Khi con đường bê tông được mở vào bản và điện lưới kéo về, cuộc sống của bà con đỡ vất vả. Tuy nhiên, nếp sống tôn trọng tự nhiên vẫn được bà con duy trì. Có đường khách du lịch đến bản nhiều hơn. Các hộ gia đình cũng biết mở mang, trang hoàng nhà cửa đón khách.

Ăn uống, ngủ nghỉ ở đâu cũng vậy, nhưng khách đến bản Bướt sẽ cảm nhận được sự khác biệt. Từ mớ rau, con cá đến chén cơm đều vô cùng sạch, không hóa chất. Nếp sinh hoạt ngày nào của bà con vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Bà con người Thái đã thành công trong việc "đem cái văn hóa đặc trưng của mình" để mời khách, đón khách và giữ khách. Cái bản yên bình giờ trở thành nơi đáng đến với khách du lịch.

Nói về cái hay, cái đẹp ở bản còn nhiều lắm, nhưng những gì đã trải nghiệm ở bản Bướt thật sâu đậm. Người Thái đã lập làng, dựng bản và họ đã giữ và phát huy được nếp sống văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Và giờ đây, giá trị đó đang được lan tỏa đến với du khách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem