Khai hội đền Huyền Trân, đông đảo du khách dâng hương tri ân người mở cõi

Trần Hòe Thứ hai, ngày 30/01/2023 13:54 PM (GMT+7)
Đến với Lễ hội đền Huyền Trân, đông đảo người dân, du khách dâng hương tưởng niệm, tri ân công chúa Huyền Trân- người đã có công lao to lớn trong việc mở mang bờ cõi đất nước.
Bình luận 0

Ngày 30/1, tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (phường An Tây, thành phố Huế), tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức khai mạc Lễ hội đền Huyền Trân với chủ đề "Ngưỡng vọng tiền nhân".

Khai hội đền Huyền Trân, đông đảo du khách dâng hương tri ân người mở cõi  - Ảnh 1.

Thừa Thiên Huế tổ chức khai mạc Lễ hội đền Huyền Trân với chủ đề "Ngưỡng vọng tiền nhân". Ảnh: T.V.

Huế: Khai hội đền Huyền Trân, đông đảo du khách dâng hương tri ân người mở cõi

Lễ hội đền Huyền Trân được mở đầu bằng chương trình nghệ thuật tưởng nhớ công lao to lớn của công chúa Huyền Trân - ái nữ của vua Trần Nhân Tông, người đã dấn thân, hy sinh tình riêng để góp công lập nên vùng Thuận Hóa- Phú Xuân- Thừa Thiên Huế.

Sau phần lễ và nghi thức đánh trống khai hội, lãnh đạo địa phương cùng đông đảo người dân, du khách đã dâng hương tưởng niệm, tỏ lòng thành kính, tri ân đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông, công chúa Huyền Trân, những bậc tiền nhân có công lao to lớn trong việc mở mang bờ cõi đất nước.

Bên cạnh các hoạt động mang tính nghi lễ, du khách và người dân đến với Lễ hội đền Huyền Trân còn được thưởng thức các chương trình biểu diễn ca Huế, nghệ thuật bài chòi, các trò chơi dân gian, biểu diễn võ thuật, trình diễn thư pháp, các chương trình trưng bày, trình diễn nghề làm bánh ngũ sắc, nghề chằm nón lá, trình diễn áo dài truyền thống...

Khai hội đền Huyền Trân, đông đảo du khách dâng hương tri ân người mở cõi  - Ảnh 2.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cùng đông đảo người dân, du khách dâng hương tưởng niệm, tri ân đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông, công chúa Huyền Trân. Ảnh: T.V.

Theo sử liệu, Huyền Trân công chúa là ái nữ của vua Trần Nhân Tông. Mùa hạ năm Bính Ngọ (1306), thực hiện lời hứa hôn của vua cha, kết hòa hiếu với lân bang, Huyền Trân công chúa lên đường sang Chiêm quốc kết duyên với Chế Mân và trở thành Hoàng hậu Chiêm quốc Paramesvari.

Để đáp lại mối thịnh tình của vua Trần Nhân Tông, trước đó mấy tháng, Chế Mân cắt đất 2 châu Ô, Rí (vùng đất từ bờ nam sông Hiếu, Quảng Trị đến bờ bắc sông Thu Bồn, Quảng Nam) dâng lên nhạc phụ làm sính lễ. Kể từ đó, 2 châu này được sáp nhập vào Đại Việt.

Công chúa Huyền Trân đã được nhân dân dựng đền để thờ phụng và truyền tụng nhiều giai thoại nhằm tri ân và ghi nhớ công lao của bà.

Lễ hội đền Huyền Trân với chuỗi các hoạt động phong phú, hấp dẫn, mang nhiều ý nghĩa đã thể hiện giá trị văn hóa Huế và khát vọng, quyết tâm của tỉnh Thừa Thiên Huế trong hành trình phát triển để xứng tầm là trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc, thành phố festival đặc trưng của Việt Nam.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem