Hợp đồng chuyển giao khoa học công nghệ cho Công ty Việt Á thực hiện theo quy định nào?

Phi Long Thứ năm, ngày 30/12/2021 14:55 PM (GMT+7)
Trước băn khoăn liên quan tới việc chuyển giao khoa học công nghệ cho Công ty Việt Á, luật sư đã phân tích với Dân Việt ở góc độ pháp lý về vấn đề này.
Bình luận 0

Thẩm định năng lực của Công ty Việt Á như nào?

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích: Đề tài nghiên cứu khoa học "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019" là một công trình nghiên cứu khoa học do Bộ KHCN chủ trì đề tài. 

Luật KHCN cho phép giao cho đơn vị chủ trì nghiên cứu và ở đề tài này đã giao cho Học viện Quân y.

Hợp đồng chuyển giao khoa học công nghệ cho Công ty Việt Á có gì? - Ảnh 1.

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Mặt khác, Luật KHCN  khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức khoa học và công nghệ, nhà khoa học liên kết với doanh nghiệp và tổ chức khác để xác định, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ yêu cầu đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Do đó, việc Học viện Quân y phối hợp với Công ty Việt Á để nghiên cứu là phù hợp quy định pháp luật.

Tuy nhiên, Trần Tuấn Anh đặt vấn đề, vì sao Công ty Việt Á được chọn tham gia nghiên cứu mà lại không phải là một doanh nghiệp khác? 

Trong Luật KHCN quy định, các đơn vị tham gia nghiên cứu, liên kết với doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải có năng lực và có hội đồng khoa học thẩm định. 

Tuy nhiên, không có hồ sơ thẩm định của Hội đồng thẩm định đối với Công ty Việt Á để biết được thẩm định ra sao nên không đủ dữ liệu để đánh giá năng lực của Công ty Việt Á khi được lựa chọn tham gia vào nghiên cứu đề tài này.

Tuy nhiên, Điểm b, khoản 2, Điều 32, Luật KHCN cũng quy định "Hỗ trợ đến 50% vốn đầu tư cho dự án thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm của Nhà nước". Tức là, mức tối đa cho các đề tài nghiên cứu ở vùng khó khăn hoặc đề tài trọng điểm cũng chỉ được hỗ trợ tối đa là 50%.

Như vậy, chủ trương đường lối cho phép nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ khuyến khích xã hội hoá có sự tham gia của doanh nghiệp là có nhưng khoản tiền gần 19 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước đã được sử dụng như thế nào, sử dụng và nhiệm vụ nghiên cứu gì cần được cơ quan điều tra đã làm rõ hơn.

Hợp đồng chuyển giao khoa học công nghệ cho Công ty Việt Á có gì? - Ảnh 2.

Công ty Việt Á là đơn vị trúng thầu cung cấp kit test Covid-19 cho nhiều địa phương trên cả nước. Ảnh: Chinh Hoàng

Sở hữu đề tài khoa học và tỉ lệ phân chia lợi nhuận

Ls Trần Tuấn Anh cũng cho biết, Đề tài "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019" là đề tài cấp Nhà nước, do Bộ KHCN chủ trì thì sở hữu đề tài này là của Nhà nước, không thuộc Học viện Quân y. 

Học viện Quân y và Công ty Việt Á chỉ có quyền tác giả còn quyền sở hữu thuộc về Nhà nước.

Việc vì sao lại chuyển giao sang cho Việt Á để khai thác kinh doanh thương mại cũng là câu hỏi lớn và cần phải làm rõ. Vậy Nhà nước, mà đại diện ở đề tài nghiên cứu này là Bộ KHCN được lợi gì khi bỏ tiền ra nghiên cứu?

Theo Ls Trần Tuấn Anh, khi nghiên cứu khoa học thì Luật KHCN quy định bắt buộc phải ký hợp đồng KHCN và sau đó nếu giao cho doanh nghiệp sản xuất phải có hợp đồng chuyển giao khoa học công nghệ. Hợp đồng này chưa được công bố lên phương tiện thông tin đại chúng. 

Chỉ nhìn vào hợp đồng sẽ thấy đúng hay sai, có lợi cho Công ty Việt Á hay không. Liên doanh, liên kết như thế nào, hợp đồng sẽ thể hiện quyền và nghĩa vụ sau khi nghiên cứu giữa các bên. 

Sau khi chuyển giao cho Công ty Việt Á sản xuất thì việc chuyển giao thương mại hóa sẽ có hợp đồng quy định cụ thể và phân chia tỷ lệ lợi nhuận giữa các bên.

Về vấn đề phân chia lợi nhuận, Điều 43, Luật KHCN cũng quy định về phân chia lợi nhuận khi sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng,  chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước

Theo đó, lợi nhuận thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được chia cho tác giả tối thiểu 30%; phần còn lại được phân chia giữa chủ sở hữu, cơ quan chủ trì, người môi giới theo quy định của Chính phủ.

Hợp đồng chuyển giao khoa học công nghệ cho Công ty Việt Á có gì? - Ảnh 3.

Địa chỉ 134/3D đường Đào Duy Anh, phường 9, quận Phú Nhuận, nơi được cho là trụ sở chính của Công ty Việt Á. Ảnh: Chinh Hoàng

Tuy nhiên, do chưa tiếp cận hợp đồng khoa học công nghệ và hợp đồng chuyển giao công nghệ nên không thể biết được quyền lợi của các bên liên quan đã được thực hiện như thế nào. 

Về vấn đề này, cơ quan điều tra đã vào cuộc sẽ có tài liệu, căn cứ để làm rõ việc nghiên cứu đề tài này sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và chuyển giao cho Công ty Việt Á sản xuất thì quyền lợi và nghĩa vụ của các bên được thể hiện rõ trong hợp đồng như thế nào.

Ls Trần Tuấn Anh cũng cho biết, dù chưa có hợp đồng này nhưng đã thấy xuất hiện nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi cần phải làm rõ. 

Trong đó, quyền và lợi ích của Nhà nước đối với đề tài này với vai trò là chủ sở hữu như thế nào? Số tiền ngân sách gần 19 tỷ đồng được sử dụng ra sao…

Ls Trần Tuấn Anh cũng phân tích thêm, để nghiệm thu đề tài này, Nhà nước phải có Hội đồng khoa học và phải có đại diện Bộ KHCN, Bộ Y tế, Học viện quân y và Công ty Việt Á.

Từ đó, Hội đồng phải biết kit test khi đưa vào sản xuất cấu thành từ nguyên liệu gì và giá thành sản xuất. Từ đó mới đưa ra giá thương mại và phân chia lợi nhuận của các bên. 

Do đó, giá bán kit test Covid-19 của Công ty Việt Á cho các địa phương mà Bộ KHCN với Bộ Y tế nếu làm đúng quy trình sẽ có được giá thành sản xuất và giá bán cụ thể cho sản phẩm này.

Về đấu thầu, Ls Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, trong trường hợp này chỉ định thầu không phải là sai, vì Luật Đấu thầu cũng quy định trong trường hợp cấp bách được chỉ định thầu. 

Tuy nhiên, Bộ Y tế đang "làm thay" doanh nghiệp, tạo ra niềm tin cho CDC các địa phương có mức giá đưa ra khi đấu thầu hoặc chỉ định thầu khi lựa chọn mua sắm thiết bị kit test Covid-19. 

Chỉ định thầu không sai, nhưng sai ở đây là một số địa phương dựa vào chỉ định thầu để nâng khống giá kit test Covid-19, đút tiền ngân sách vào túi. 

Trường hợp cấp bách Luật Đấu thầu cho phép chỉ định thầu nhưng vấn đề tham ô, tham nhũng, bòn rút tiền ngân sách do lỗi ở người thực hiện.  

Thực tế, có nhiều địa phương cũng thực hiện mua kit test Covid -19 của Công ty Việt Á nhưng chứng minh trong sạch. Sai ở đây là sai về con người, được giao quyền lực, biến quyền lực đó để tư túi cá nhân. 

Do đó, phải xử lý nghiêm các trường hợp này để răn đe, làm gương cho những người khác khi tham gia vào đấu thầu, chỉ định thầu đặc biệt là có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.


Bộ Y tế nhiều lần gửi công văn tới Sở Y tế các địa phương, các bệnh viện, viện nghiên cứu trực thuộc bộ ngành, thông báo danh sách sinh phẩm/trang thiết bị y tế xét nghiệm nCoV đã được cấp số đăng ký lưu hành hoặc cấp giấy phép nhập khẩu. 

Bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á bằng phương pháp PCR nằm trong nhóm "sản xuất trong nước", được thông báo ở đầu danh sách (số thứ tự 1). Tên kit là LightPower, số đăng ký 2000001, ngày 4/12/2020, có giá trị 5 năm. Tên đơn vị sản xuất là "Chi nhánh Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á, địa chỉ 1/9A quốc lộ 1A, khu phố Bình Đường 2, phường An Bình, thành phố Dĩ An, Bình Dương".

Giá bán do đơn vị cung ứng công bố, được dẫn lại trong danh sách kèm theo công văn của Bộ Y tế là 470.000 đồng/test, áp dụng cho đơn hàng dưới 500.000 test. Đơn hàng số lượng càng lớn, mức giá càng được giảm. Cụ thể, 367.500 đồng/test với đơn hàng từ 500.000 đến dưới 1.000.000 test; 315.000 đồng với đơn hàng từ 1.000.000 đến 5.000.000 test; 220.500 đồng với đơn hàng từ 5.000.000 test. Công ty Việt Á được giới thiệu có khả năng cung cấp 3 triệu test mỗi tháng.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem