Họp báo công bố chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân, Festival trái cây Việt Nam

Nhóm P.V Thứ hai, ngày 23/05/2022 14:59 PM (GMT+7)
Chiều 23/5, tại Hà Nội, T.Ư Hội NDVN phối hợp tỉnh Sơn La tổ chức họp báo công bố thông tin về chuỗi sự kiện: Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân; Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022; lễ khởi công và khánh thành các dự án kinh tế – xã hội tại tỉnh Sơn La.
Bình luận 0

Công bố chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân

Dự và đồng chủ trì buổi họp báo có ông Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; ông Lò Minh Hùng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Sơn La; ông Nguyễn Thành Công – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La; ông Trương Xuân Quý – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn; ông Lưu Quang Định – Tổng Biên tập Báo Nông thôn ngày nay. 

Họp báo công bố chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân, Festival trái cây Việt Nam - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi họp báo tại trụ sở Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chiều ngày 23/5. Ảnh: Minh Ngọc

Phát biểu khai mạc buổi họp báo, ông Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta luôn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế xã hội bền vững; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường, sinh thái của đất nước.
Trong những năm qua, các cấp Hội từ Trung ương đến cơ sở và cán bộ, hội viên nông dân luôn nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, chung sức đồng lòng…, góp phần đưa nền nông nghiệp nước ta tiếp tục tăng trưởng bền vững; khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. 

Ông Đính cho biết, trên tinh thần đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng tỉnh Sơn La phối hợp các Bộ, ngành liên quan tổ chức chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân; Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022; lễ khởi công và khánh thành các dự án kinh tế – xã hội quan trọng tại tỉnh Sơn La. 

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2022 với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân; thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững" là sự kiện chính trong chuỗi sự kiện, được tổ chức tại tỉnh Sơn La.

"Đây là diễn đàn để các đại diện nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân nhà khoa học hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong cả nước trực tiếp phản ánh với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt là trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp, phục hồi chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19; việc thực hiện Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050" - ông Đinh Khắc Đính nhấn mạnh. 

Họp báo công bố chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân, Festival trái cây Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN phát biểu về chuỗi sự kiện sẽ được tổ chức tại tỉnh Sơn La. Ảnh: Minh Ngọc

Trên cơ sở đối thoại, đề xuất, kiến nghị những vấn đề về cơ chế, chính sách để Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành và chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp nhằm tháo gỡ kịp thời để nông dân yên tâm khôi phục sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tiếp tục phát huy sự sáng tạo của nông dân nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phục hồi nền kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19.

Đã có hơn 1.600 câu hỏi gửi đến người đứng đầu Chính phủ

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Hoài - Phó Tổng biên tập báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt cho biết, tiếp nối thành công của 3 Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân vào tháng 4/2018 tại tỉnh Hải Dương, tháng 12/2019 tại TP. Cần Thơ và tháng 9/2020 tại Đắk Lắk, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam (lần thứ tư) ngày 29/5/2022. 

Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt là cơ quan được giao tổ chức nội dung Hội nghị.

Hội nghị sẽ diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cùng 500 đại biểu có mặt trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La, trong đó có 300 nông dân tiêu biểu đại diện cho 12 triệu hộ hội viên nông dân cả nước. Cùng với đó, Hội nghị còn có sự tham dự của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tại 62 điểm cầu trên cả nước.

Ban Tổ chức đã mở các "kênh" để gửi câu hỏi đến Thủ tướng Chính phủ, gồm Hội ND các tỉnh, các HTX, chuyên gia, nhà khoa học... Và đến nay đã có hơn 1.600 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới người đứng đầu Chính phủ. 

Qua tổng hợp và báo cáo, nội dung các câu hỏi, đề xuất, kiến nghị tới Thủ tướng lần này tập trung vào một số nội dung chính như: Tình hình giá cả vật tư nông nghiệp như phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc BVTV tăng cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang tác động nặng nề đến sản xuất nông nghiệp; 

Tình trạng sốt đất xảy ra ở nhiều địa phương, khiến không ít nông dân bán vườn, bán tư liệu sản xuất, nhiều ý kiến kiến nghị, cần siết chặt quản lý, sớm sửa đổi Luật Đất đai; Vấn đề về thúc đẩy liên kết, hợp tác, phát huy tốt hơn nữa vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp; Vấn đề khó khăn về nguồn vốn cho sản xuất nông nghiệp; 

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn; Bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa nông thôn; đặc biệt là các chính sách, chiến lược liên quan đến việc phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, căn cơ...

Họp báo công bố chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân, Festival trái cây Việt Nam - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Hoài - Phó Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt thông tin với báo chí về Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 4, tổ chức tại TP.Sơn La. Ảnh: Minh Ngọc

Theo Ban Tổ chức, dự kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp gặp gỡ, đối thoại và trao đổi trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn với đại diện 300 nông dân tiêu biểu; với đại diện Hội ND các cấp. Bên cạnh đó, điểm mới của Hội nghị năm nay, đó là Thủ tướng cũng sẽ đối thoại, trao đổi với các HTX, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; các chuyên gia, nhà khoa học.

Tại Hội nghị lần này, Trung ương Hội NDVN cũng đưa ra các đề xuất, kiến nghị lớn với Thủ tướng và Chính phủ, gồm: Một số định hướng lớn về chính sách tạo điều kiện cho bộ phận cư dân nông thôn chuyển thành công nhân có thể trở thành thị dân. Chủ trương, giải pháp phát triển đô thị ngay tại nông thôn, hình thành những vùng quê đáng sống, để người nông dân “ly nông không ly hương”.

Họp báo công bố chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân, Festival trái cây Việt Nam - Ảnh 5.

Các đại biểu dự buổi họp báo.

Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nông dân đủ tri thức, văn hóa, kỹ năng sản xuất nông nghiệp để thực hiện được vai trò chủ thể của mình trong chuyển đổi số nông nghiệp; Định hướng lại vấn đề về chăn nuôi gia công khi người nông dân hưởng lợi quá ít trong chuỗi giá trị này; Vấn đề về tăng cường các giải pháp, chính sách để tăng tỷ lệ xuất khẩu nông sản chính ngạch; Phong trào khởi nghiệp trong nông nghiệp; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nhất là đối với giống cây trồng, vật nuôi...

Tổ chức ngày hội trái cây và sản phẩm OCOP tại Quảng trường Tây Bắc 

Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Tại chuỗi sự kiện nói trên, tối 28/5, T.Ư Hội NDVN và tỉnh Sơn La đồng tổ chức lễ khai mạc Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam, tại Quảng trường Tây Bắc. 

Họp báo công bố chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân, Festival trái cây Việt Nam - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La thông tin về các sự kiện bên lề.

Quy mô Festival dự kiến khoảng 500 gian hàng chia thành các khu vực: “Nông sản Việt và sản phẩm OCOP - vươn ra Thế giới”; Triển lãm “Thành tựu phát triển nông nghiệp Việt Nam”; Triển lãm “Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và tiềm năng phát triển của tỉnh Sơn La”... 

Mỗi tỉnh, thành phố sẽ tham gia 1-2 gian hàng, trưng bày các sản phẩm trái cây đặc hữu và sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.

Tại Festival còn có các sự kiện như: Hội nghị Kết nối tiêu thụ, xuất khẩu xoài và nông sản Sơn La năm 2022; Triển lãm “Con đường nông sản”; không gian văn hoá “Ẩm thực miền sơn cước”; Hội chợ triển lãm trực tuyến; tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử; Cuộc thi “Tạo hình nghệ thuật từ hoa và trái cây”, “Ảnh đẹp về trái cây”...

Theo Ban Tổ chức, nhân dịp này, dự kiến Thủ tướng sẽ tham dự lễ khởi công dự án Thiên đường sữa Mộc Châu, khánh thành cầu kính Bạch Long (huyện Mộc Châu); thăm mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu xã Hát Lót, thăm tiến độ xây dựng và đầu tư Tổ hợp chế biến rau quả Doveco - dự án chế biến rau quả lớn nhất tỉnh Sơn La tại huyện Mai Sơn; thăm Cảng hàng không Nà Sản. 

"Khi tổ chức chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, Festival trái cây- sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022, Sơn La kỳ vọng sẽ quảng bá được con người và các sản phẩm của tỉnh; kết nối giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh trong cả nước để hỗ trợ, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, trái cây; hỗ trợ để thu hút đầu tư và phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, bền vững; quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường thế giới" - ông Nguyễn Thành Công chia sẻ. 

Tại buổi họp báo, Nhà báo Nguyễn Kiểm, Báo Quân đội nhân dân đặt câu hỏi: Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần 4 có điểm mới gì so với 3 lần trước? 

Họp báo công bố chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân, Festival trái cây Việt Nam - Ảnh 7.

Nhà báo Nguyễn Kiểm, Báo Quân đội nhân dân đặt câu hỏi đến Ban Tổ chức.

Về vấn đề này, thay mặt Ban tổ chức, nhà báo Nguyễn Văn Hoài, Phó Tổng Biên tập Báo NTNN trả lời: Hội nghị lần này sẽ có nhiều điểm mới. Thứ nhất, 3 Hội nghị đối thoại trước thì phần câu hỏi gửi đến Thủ tướng chỉ có nông dân, nhưng lần này sẽ có thêm các HTX, chuyên gia, các nhà khoa học và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ hai, do thành phần gửi câu hỏi đến Thủ tướng đa dạng, nên câu hỏi cũng sẽ rộng hơn rất nhiều. Trong 3 lần đối thoại trước, nông dân hỏi rất cụ thể, ở trong 1 địa phương, công việc của họ, còn Hội nghị lần này sẽ có nhiều vấn đề liên quan đến chính sách tam nông, tham mưu, quyết sách giải quyết bất cập hiện nay. 

Họp báo công bố chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân, Festival trái cây Việt Nam - Ảnh 8.

Nhà báo Nguyễn Văn Hoài trả lời câu hỏi của phóng viên.

Thứ ba, ngoài tổ chức trực tiếp tại Hội trường thì sẽ tổ chức trực tuyến đến 62 điểm cầu của các tỉnh, thành phố. Thành phần gồm: Đại diện Tỉnh ủy, UBND, Sở NNPTNT, Hội ND và Hội ND các tỉnh thành, tạo sự lan tỏa rộng hơn.

"Thêm vào đó, trước đây chỉ có Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân nhưng lần này có chuỗi các sự kiện, với 10 nội dung khác. Những sự kiện này chúng tôi cho rằng sẽ bổ trợ cho nhau, tạo thành sự kiện chính trị - kinh tế, lan tỏa rộng rãi - ông Hoài nhấn mạnh. 

Nhà báo Bích Hồng, Thông tấn xã Việt Nam đặt câu hỏi: "Trong những năm gần đây tỉnh Sơn La đã có những bước phát triển đột phá trong ngành nông nghiệp. Trong đó, thu hút nhiều nhà đầu tư, xây dựng các nhà máy chế bến nông sản. Vậy tỉnh sẽ có kế hoạch gì để xây dựng liên kết vùng về sản xuất, tiêu thụ và chế biến nông sản, cũng như là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư?

Họp báo công bố chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân, Festival trái cây Việt Nam - Ảnh 9.

Nhà báo Bích Hồng, Thông tấn xã Việt Nam đặt câu hỏi tại buổi họp báo

-Thay mặt Ban Tổ chức, ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La trả lời: Trong những năm qua tỉnh ủy Sơn La đã lãnh đạo, chỉ đạo trong phát triển ngành nông nghiệp, trong đó, kiên trì thu hút các nhà đầu tư.

Hiện nay, tỉnh có 560 cơ sở chế biến, nhà máy, trong đó có 17 nhà máy công suất lớn. Phải kể đến một số nhà máy chế biến như: Nhà máy tinh bột sắn Sơn La, nhà máy cà phê Phúc Sinh, nhà máy chế biến rau quả của Tập đoàn TH và Trung tâm chế biến rau quả Doveco.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Sơn La xây dựng liên kết vùng cho phát triển. Thứ nhất Bộ NNPTNT đã ban hành quyết định quy hoạch vùng trồng cây ăn quả các tỉnh phía Bắc, trong quyết định này đã quy định rất rõ vùng cây ăn quả của Sơn La.

Thứ hai, Trung tâm chế biến rau quả Doveco sẽ tạo liên kết vùng nguyên liệu giữa Sơn La, Lào Cai, Lai Châu.

Thứ ba, khi Doveco đầu tư vào Sơn La thì chúng tôi sẽ đảm bảo với nguyên liệu đầu vào 389.000 tấn/năm. Hiện, trên địa bàn Sơn La đã và đang thu hoạch với sản lượng cây công nghiệp, cây ăn quả…trên 2 triệu tấn. "Hiện nay, Sơn La có diện tích 80.000ha ngô ngọt, đảm bảo đủ đáp ứng cho nhà máy chế biến ngô ngọt của Doveco. Bên cạnh đó, các loại rau, củ thì chúng tôi cũng đảm bảo được".

Đối với cây ăn quả, Sơn La có 82.000ha, trong đó, xoài 19.900ha, nhãn 19.800, như vậy sản phẩm xoài đưa vào chế biến của Doveco với sản lượng 15.000 tấn/năm.

Đối với dứa, Sơn La đã huy động, thực hiện các giải pháp hỗ trợ để phát triển vùng nghiên liệu. Hiện nay, dứa của các huyện Sốp Cộp, Quỳnh Nhai, Sông Mã đã phát triển và cho thu hoạch lứa đầu tiên. Tiếp tục liên kết vùng với các huyện Tuần Giáo (Điện Biên), Mường Khương, Văn Bàn (Lào Cai) sẽ đảm bảo liên kết vùng, cung ứng đủ nguyên liệu cho nhà máy của Doveco.

Đại diện Báo Quân đội nhân dân đặt câu hỏi: Hiện nay về sản xuất nông nghiệp, chúng ta nói rất nhiều về phát triển kinh tế tập thể. Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII vừa qua cũng đã chỉ ra những thành quả, cũng như hạn chế, tồn tại về phát triển kinh tế tập thể. Xin hỏi thông qua chuỗi sự kiện này, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và tỉnh Sơn La đã hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế tập thể như nào? 

Ông Lò Minh Hùng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Sơn La cho biết: Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII vừa qua đã ban hành Nghị quyết phát triển kinh tế tập thể. Tỉnh Sơn La đã, đang, tiếp tục chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế tập thể. 

Họp báo công bố chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân, Festival trái cây Việt Nam - Ảnh 10.

Ông Lò Minh Hùng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Sơn La trả lời tại buổi họp báo

 Để phát triển kinh tế tập thể, Sơn La đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ HTXvề đất đai, tín dụng cho HTX, thuế, cơ sở hạ tầng như đường điện để sản xuất, chế biến tốt... Sơn La tích cực hỗ trợ cho HTX tham gia các chương trình khoa học công nghệ ở địa phương. Một trong những hoạt động quan trọng nữa được Sơn triển khai tốt là hỗ trợ xúc tiến, thương mại nông sản thị trường trong nước, cũng như xuất khẩu nhiều nước trên thế giới...

Ông Nguyễn Khắc Toàn – Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Về phát triển kinh tế tập thể nằm trong nhóm các vấn đề chung trong bản câu hỏi T.Ư Hội Nông dân Việt Nam gửi tới Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, Thủ tướng sẽ giao cho các bộ ngành, các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đánh giá, tham mưu những chính sách trong phát triển kinh tế tập thể.

Họp báo công bố chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân, Festival trái cây Việt Nam - Ảnh 11.

Ông Nguyễn Khắc Toàn – Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trả lời câu hỏi của phóng viên

Trên cơ sở chỉ đạo về những chính sách cụ thể, chắc chắn sau hội nghị này, các bộ ngành liên quan sẽ cùng với Hội Nông dân Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể. Trong thời gian qua, Hội Nông dân Việt Nam đã tập trung vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng các mô hình kinh tế tập thể. Điển hình như mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp Chà Mạy "3 trong 1" ở xã Long Hẹ, Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Mô hình này gồm: Chi hội nông dân; HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và tổ đảng viên của HTX sinh hoạt tại bản.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem