Phong trào nông dân sản xuất kinh, doanh giỏi ở Cà Mau với hơn 2.000 hộ có thu nhập 1 tỷ trở lên

Chúc Ly Thứ ba, ngày 09/08/2022 09:38 AM (GMT+7)
Trong 5 năm qua, tỉnh Cà Mau có hơn 366.900 hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi các cấp, trong đó có hơn 2.000 hộ có thu nhập 1 tỷ trở lên.
Bình luận 0

Nở rộ nhiều mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả

Bên cạnh các mô hình nuôi trồng thủy sản là thế mạnh, nông dân trong tỉnh Cà Mau không ngừng nỗ lực, sáng tạo tạo ra các mô hình có hiệu quả.

Từ năm 2017 đến nay, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. Có thể kể đến các mô hình như: Mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm quảng canh cải tiến; nuôi tôm, cua kết hợp; nuôi cá chình, cá bống tượng...

Hay các mô hình trồng hoa kiểng; sản xuất đất sạch NaTa và trồng dưa lưới trong nhà kính theo công nghệ Israel; khu du lịch miệt vườn; trồng dưa hấu và trồng lúa trên đất nuôi tôm đạt chuẩn VietGAP; trồng rau an toàn trong nhà lưới, trên sân thượng, trồng nấm bào ngư...

Các mô hình chăn nuôi như nuôi trăn, rắn, cá sấu, cua đinh, chồn hương... cũng đã mang lại thu nhập cao cho nhiều nông dân Cà Mau.

Theo Hội Nông dân tỉnh Cà Mau, những phong trào này đã nâng cao vai trò vị thế của Hội, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế ở địa phương, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá giàu, tạo ra bước chuyển biến mới trong nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Cà Mau: Nở rộ nhiều mô hình hiệu quả, hơn 2.000 hộ có thu nhập 1 tỷ trở lên - Ảnh 2.

Nuôi trồng thủy sản là thế mạnh của tỉnh Cà Mau. Trong ảnh: Nông dân huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: Chúc Ly.

Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã thu hút hội viên, nông dân tham gia, tạo ra ý thức mới trong sản xuất, từ phương thức sản xuất độc canh, nhỏ lẻ, chuyển sang sản xuất đa cây, đa con, theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, đem lại năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.

 Qua phong trào, đời sống nông dân được nâng lên, tích cực đóng góp hơn 10 tỷ đồng và hiến 520.000m2 đất để làm lộ giao thông nông thôn và xây dựng trường học.

Hơn 2.000 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có thu nhập 1 tỷ trở lên

Trong 5 năm qua, số lượng hộ hội viên, nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp là hơn 712.000 hộ. Số hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp trong 5 năm qua là 366.917 hộ; trong đó cấp cơ sở 291.460 hộ; cấp huyện 66.428 hộ; cấp tỉnh 8.785 hộ; cấp trung ương 244 hộ.

Cà Mau: Nở rộ nhiều mô hình hiệu quả, hơn 2.000 hộ có thu nhập 1 tỷ trở lên - Ảnh 3.

Mô hình nuôi cá chình cho hiệu quả cao của nông dân xã Tân Thành, TP. Cà Mau. Ảnh: Chúc Ly.

Trong số 366.917 hộ nông dân đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi các cấp có 213.352 hộ thu nhập từ 100 triệu đồng/năm đến dưới 200/triệu/năm; 80.092 hộ có thu nhập từ 200 triệu đồng/năm đến dưới 300/triệu/năm; 39.776 hộ có thu nhập từ 300 triệu đồng/năm đến dưới 500/triệu/năm; 24.550 hộ có thu nhập từ 500 triệu đồng/năm đến dưới 1 tỷ/năm; 2.157 hộ có thu nhập đạt từ 1 tỷ/năm trở lên.

Để đạt được những kết quả tích cực đó, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tích cực phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan trong chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào.

Cụ thể: Hội đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm khuyến nông mở các lớp tập huấn, dạy nghề cho hội viên, nông dân; phối hợp cấp hơn 80.000 tập san, tờ rơi tuyên truyền, về: Thông tin khoa học công nghệ, thông tin; thông tin về một số ngành hàng thủy sản chủ lực, thông tin thị trường….; hỗ trợ 92 máy vi tính cho 92 cơ sở hội. Tổ chức được 1.864 lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học – công nghệ có 49.940 lượt cán bộ, hội viên dự...

Cà Mau: Nở rộ nhiều mô hình hiệu quả, hơn 2.000 hộ có thu nhập 1 tỷ trở lên - Ảnh 4.

Mô hình nuôi rắn ri tượng của nông dân xã Khánh Tiến, huyện Phú Tân. Ảnh: Chúc Ly.

Trung tâm Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh và các huyện, thành Hội phối hợp tổ chức 1.369 lớp dạy nghề, cho 43.478 hội viên, nông dân, các lớp dạy nghề được lựa chọn phù hợp với tình hình, nhu cầu của từng địa phương. Vì vậy tỷ lệ nông dân sau khi học nghề có việc làm và thu nhập ổn định đạt trên 90%.

Qua 5 năm, các cấp Hội đã giúp đỡ được 1.938 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đáng kể của tỉnh.

Bên cạnh đó, đến thời điểm này Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đang thực hiện 56,4 tỷ đồng thực hiện 265 dự án cho 4.725 hội viên, nông dân vay.

Qua các mô hình, dự án, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động thành lập mới được 386 tổ hợp tác, 104 hợp tác xã, 655 tổ hội Nông dân nghề nghiệp, 28 chi Hội Nông dân nghề nghiệp và giải quyết được trên 10.000 lao động nhàn rỗi có việc làm.

Bà Trần Thị Quyết – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau, thông tin: Hội Nông dân các cấp luôn xác định muốn thực hiện tốt phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi thì công tác tuyên truyền, vận động là vô cùng quan trọng. Từ đó, các đơn vị đã đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động như gắn với sinh hoạt chi tổ Hội, câu lạc bộ nông dân, sinh hoạt lồng ghép, tập huấn, hội thi, hội thảo, trên trang thông tin điện tử Hội Nông dân tỉnh, Đài Truyền thanh, trên mạng xã hội...

"Số lượng của các mô hình điển hình tăng hơn 30% (so với năm 2015), đồng thời chất lượng mô hình từng bước được nâng lên, đổi mới ngày càng phù hợp với sự phát triển của thị trường và của địa phương. 

Bên cạnh đó, từ phong trào, đội ngũ cán bộ Hội các cấp đã từng bước trưởng thành hơn, có nhiều đóng góp chung cho sự phát triển của Hội, của địa phương, nhiều cán bộ Hội đã được Đảng tin tưởng, giao trọng trách lãnh đạo chủ chốt cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở địa phương", bà Quyết cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem