Học sinh vùng sâu, vùng xa bỏ học tăng cao: Vì đâu nên nỗi?

Văn Long Thứ ba, ngày 07/03/2023 06:00 AM (GMT+7)
Lâm Đồng là địa phương có nhiều dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên sinh sống, lao động. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào ngành nông nghiệp, chính vì vậy việc nhiều học sinh nghỉ học giữa chừng để phụ giúp bố mẹ đi làm hay nghỉ học ngang do thiếu phương tiện đi lại là thực trạng khiến ngành giáo dục "đau đầu".
Bình luận 0

Theo thống kê của Sở GDĐT tỉnh Lâm Đồng, trong năm học 2021-2022, toàn tỉnh đã có hơn 2.220 học sinh bỏ học, tạm ngưng học trong tổng số hơn 270.000 học sinh các cấp. Con số này tăng 740 học sinh so với năm học 2020-2021. Điều này cho thấy thực trạng học sinh bỏ học ở Lâm Đồng đang trở nên báo động.

Giáo viên tại Lâm Đồng thường xuyên đến nhà vận động học sinh đến lớp trở lại - Ảnh 1.

Đến nay, ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để vận động học sinh đến lớp trở lại, giảm tỷ lệ học sinh các cấp bỏ học. Ảnh minh họa: CTV

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, cô giáo Phạm Thị Hạnh – Chủ nhiệm lớp 6A2, Trường THCS Đạ M’Rông (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) cho biết: "Học sinh trong trường chúng tôi thì 100% là người dân tộc thiểu số, vì vậy đã có nhiều học sinh bỏ học giữa chừng. Trong 1 học kỳ, các giáo viên phải đến nhà nhiều học sinh để vận động các em quay lại trường tiếp tục học tập. Phần lớn, các em học sinh nghỉ ngang đều do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ngoài ra, việc các em học sinh có nhà xa trường vài km, không có phương tiện để đến lớp cũng là nguyên nhân khiến các em học sinh phải nghỉ học".

Giáo viên tại Lâm Đồng thường xuyên đến nhà vận động học sinh đến lớp trở lại - Ảnh 2.

Các học sinh Trường THCS Đạ M'rông thường xuyên được tham gia các buổi ngoại khóa, điều này giúp các em thích đến trường học tập, giảm tỷ lệ bỏ học. Ảnh do cô giáo cung cấp

Cô Hạnh cũng cho biết, hàng năm trường phải kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ các em học sinh người dân tộc thiểu số về phương tiện đến trường. Bố mẹ các em học sinh là người dân tộc thiểu số nên việc trao đổi, vận động gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, Trường THCS Đạ M’rông phải thành lập ban vận động trong đó có giáo viên người dân tộc thiểu số để việc vận động đạt hiệu quả cao. Kết quả, tỷ lệ các em học sinh quay trở lại trường học tập đã được cải thiện.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, đại diện Sở GDĐT tỉnh Lâm Đồng cho hay, ngay từ đầu các năm học, để giảm tỷ lệ học sinh các cấp bỏ học, lãnh đạo các nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn rà soát, điều tra cơ bản từng học sinh để bố trí, xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp đối tượng, xây dựng kế hoạch phụ đạo học sinh yếu kém và phân công giáo viên có năng lực, kinh nghiệm giảng dạy.

Giáo viên tại Lâm Đồng thường xuyên đến nhà vận động học sinh đến lớp trở lại - Ảnh 3.

Với những học sinh có nguy cơ nghỉ học cao, giáo viên các trường sẽ có kế hoạch dạy học, phụ đạo phù hợp. Ảnh: CTV

Bên cạnh đó, các trường thường tổ chức đa dạng, phong phú các hoạt động học tập, các câu lạc bộ sau giờ học nhằm thu hút học sinh tham gia, nhằm tăng cường, phát triển kỹ năng, năng lực xã hội đồng thời làm giảm tình trạng bỏ học. Lãnh đạo các trường học trên địa bàn tỉnh cũng chỉ đạo đội ngũ giáo viên thường xuyên quan tâm, động viên, khuyến khích những học sinh yếu, kém, học sinh có nguy cơ bỏ học bằng nhiều hình thức như: Điểm số, giao nhiệm vụ phù hợp, hỗ trợ tài liệu, giải đáp.

Đặc biệt, các trường đã phối hợp chặt chẽ với Ban đại diện cha mẹ học sinh, các tổ chức chính quyền, đoàn thể tại địa phương vận động, tuyên truyền học sinh ra lớp, điều tra nguyên nhân bỏ học để có biện pháp phù hợp như hỗ trợ, tài trợ sách vở, miễn giảm học phí, trao học bổng đối với học sinh bỏ học do có điều kiện kinh tế khó khăn... Đồng thời, phân công giáo viên giúp đỡ, kèm cặp học sinh bỏ học do mất căn bản về kiến thức môn học…

"Quá trình thực hiện các giải pháp trên, ngành giáo dục Lâm Đồng đã gặp không ít khó khăn. Những trường học có số lớp, số học sinh ít thì số lượng giáo viên ít nên việc lựa chọn giáo viên có năng lực, giáo viên giàu kinh nghiệm trong công tác phụ đạo gặp nhiều vấn đề.

Hơn nữa, ở những trường học vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc phối hợp với cha mẹ học sinh hạn chế, chủ yếu là khoán trắng cho nhà trường trong công tác giáo dục học sinh, dẫn đến tỉ lệ học sinh bỏ học cao. Trong khi đó, một số trường còn hạn chế về cơ sở vật chất, sân chơi, bãi tập nên việc tổ chức hoạt động tập thể, thành lập các câu lạc bộ gặp nhiều khó khăn", vị đại diện Sở GDĐT Lâm Đồng cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem