Học nghề nuôi hàu, trồng lan rừng, thu nhập người dân tăng gấp 3

Trần Cửu Long Thứ tư, ngày 16/06/2021 20:30 PM (GMT+7)
Tại TP.HCM, đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) đã được triển khai tại khắp các xã, thị trấn trên địa bàn từ năm 2010.
Bình luận 0

Nhờ đó, chất lượng lao động nông thôn trên địa bàn thành phố đã có bước cải thiện, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người dân, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM).

Vận dụng kỹ thuật mới

Theo UBND huyện Cần Giờ, hiện tỷ lệ lao động có việc làm tại 6 xã hoàn thành NTM của huyện đạt hơn 95% .

Tính từ 2016 đến nay, huyện Cần Giờ đã đào tạo nghề cho hơn 6.990 lao động với các ngành nghề, như: May công nghiệp, may giày, trang điểm, sửa chữa xe máy, kỹ thuật xây dựng, nuôi hàu, thuyền trưởng tàu cá, nuôi trồng thủy sản… Giải quyết việc làm cho 27.930 lao động, tạo việc làm mới cho 9.395 lao động.

Anh Trương Văn Bánh, một hộ nuôi hàu tại xã Long Hòa (Cần Giờ) nhớ lại, năm 2012, gia đình anh chỉ có 1ha nuôi hàu, sản lượng không cao. Sau đó, nhờ tiếp cận nguồn vốn từ Chương trình xây dựng NTM và tham gia các khóa học về nuôi hàu do huyện Cần Giờ tổ chức, anh đã mạnh dạn mở rộng sản xuất. Đến nay, anh đã có 12ha nuôi hàu, doanh thu hơn 500 triệu đồng/năm. 

"Từ ngày được học nghề nuôi trồng thủy sản do chính quyền địa phương tổ chức, tôi tự tin mở rộng sản xuất. Vì vậy, thu nhập của gia đình cũng ngày càng tốt hơn" - anh Bánh chia sẻ.

Có nghề, thu nhập người dân tăng gấp 3  - Ảnh 1.

Các học viên (nông dân Củ Chi) được giảng viên Trung tâm Dạy nghề nông nghiệp công nghệ cao thành phố giảng dạy kết hợp lý thuyết thực hành và tham quan mô hình thực tế. Ảnh: T.Đ

Sở LĐTBXH cho biết, năm 2010, thu nhập bình quân khu vực nông thôn là 23,17 triệu đồng/người/năm, đến năm 2020 đã đạt trên 63 triệu đồng/người/năm.

Tại Củ Chi, cũng nhờ được tham gia học nghề trồng lan rừng do Hội Nông dân xã Phạm Văn Cội tổ chức, bà Nguyễn Hà Y Chiêu (ấp 5, xã Phạm Văn Cội) mới khởi nghiệp bằng nghề này.

Bà Chiêu cho biết, sau học nghề bà đã áp dụng khoa học kỹ thuật, kiến thức đã học vào thực tế trong việc trồng, nhân giống lan rừng. Đồng thời, bà cũng mở rộng quy mô sản xuất lan rừng từ 50m2 lên 300m2 với áp dụng công nghệ cao trồng thành nhiều tầng. "Nhờ đó, tôi đã trồng 2.000 gốc lan rừng và thu nhập tăng đáng kể"- bà Chiêu thổ lộ.

Tăng thu nhập

Theo ông Bùi Thanh Hùng- Trưởng phòng Đào tạo (Trường Trung cấp Kỹ thuật nông nghiệp TP.HCM), hiện nông dân ở ngoại thành thành phố sau khi được đào tạo nghề theo Đề án 1956 đã đã vận dụng kỹ thuật mới vào thực tế trong trồng trọt và chăn nuôi.

Sản phẩm làm ra không chỉ có chất lượng mà còn an toàn thực phẩm. Theo Sở LĐTBXH TP.HCM, 10 năm qua, thành phố đã đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật cho 89.808 lao động nông thôn tại 12 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Riêng số lao động nông thôn qua đào tạo chuyên nghiệp đạt 723.895/851.791 tổng số lao động nông thôn.

Gần 90% số người tham gia đào tạo có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo, nhiều người trở thành những tỷ phú...

Cùng với đào tạo nghề nông nghiệp, những mô hình đào tạo nghề phi nông nghiệp cũng được các địa phương chú trọng quan tâm. Trong đó, các địa phương tập trung đào tạo ngành công nghiệp trọng yếu, dịch vụ cùng 8 ngành tự do dịch chuyển lao động trong khu vực ASEAN.

Sở LĐTBXH cho biết, sau 10 năm xây dựng NTM và thực hiện Đề án 1956, thu nhập của người dân nông thôn thành phố đã tăng gần 3 lần. Năm 2010, thu nhập bình quân khu vực nông thôn là 23,17 triệu đồng/người/năm, đến năm 2020 đã đạt trên 63 triệu đồng/người/năm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem