Hòa Bình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng: Dấu ấn triển khai 4 khâu đột phá chiến lược

Thành An Thứ sáu, ngày 11/11/2022 06:14 AM (GMT+7)
Đến nay, việc thực hiện 4 khâu đột phá chiến lược đã đạt được kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Bình luận 0

Từ việc thực hiện 4 khâu đột phá chiến lược đã góp phần quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, phấn đấu đến năm 2025, kinh tế của tỉnh đạt mức trung bình của cả nước; đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển của cả nước.

Việc thực hiện 4 khâu đột phá chiến lược (về quy hoạch; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư; phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động; phát triển hạ tầng) để triển khai, thực hiện đồng bộ, toàn diện và có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đảng các cấp của tỉnh Hòa Bình được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình hồi đầu năm (tháng 3/2022) và đánh giá đây là "chủ trương và hướng đi rất đúng, rất trúng", phù hợp với điều kiện địa phương.

Những bước chuyển mình quan trọng

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Hoàng Đức Chính - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hòa Bình, Đại biểu Quốc hội khóa XV cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII đề ra 4 đột phá, 11 nhiệm vụ trọng tâm. Đầu năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các đề án, đồng thời ban hành kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện. Đến nay, việc thực hiện 4 khâu đột phá chiến lược đã đạt được kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Hòa Bình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng: Dấu ấn triển khai 4 khâu đột phá chiến lược - Ảnh 1.

Ông Bùi Văn Khánh (thứ 2 từ phải) - Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Mông Hóa (huyện Kỳ Sơn). Ảnh: V.B.F

Đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã có 65/129 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt NTM kiểu mẫu, 60 khu dân cư kiểu mẫu và 170 vườn mẫu; có 3 huyện, thành phố hoàn thành xây dựng NTM và 100 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên.

Thứ nhất, về quy hoạch, tiếp tục lãnh đạo triển khai công tác lập quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến nay tỉnh Hòa Bình đang triển khai hoàn thiện các bước thuộc giai đoạn 4 với nội dung lấy ý kiến quy hoạch tỉnh theo quy định tại Điều 32, Nghị định số 37/2019, đồng thời xin ý kiến đối với các địa phương trong vùng, các tỉnh lân cận về quy hoạch tỉnh. "Dự kiến báo cáo quy hoạch tỉnh Hòa Bình sẽ được hoàn thành để làm cơ sở trình Hội đồng thẩm định trong tháng 11/2022 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12/2022" - ông Chính cho hay.

Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, trong đó trọng tâm là cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý Nhà nước; lãnh đạo rà soát, cắt giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của các sở, ban, ngành so với quy định hiện hành.

Cùng với đó, kêu gọi các nhà đầu tư đến khảo sát nghiên cứu đầu tư tại tỉnh; thường xuyên tiếp xúc, trao đổi với các nhà đầu tư để nắm bắt và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Lãnh đạo xây dựng đề án nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư vào tỉnh Hòa Bình đến năm 2025 và sửa đổi, bổ sung hướng dẫn trình tự thực hiện dự án đầu tư không sử dụng vốn Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Hòa Bình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng: Dấu ấn triển khai 4 khâu đột phá chiến lược - Ảnh 3.

Người dân xã Chiềng Châu (huyện Mai Châu) tham gia xây dựng nhà văn hóa, góp phần xây dựng nông thôn mới của địa phương. Ảnh: Hà Hoàng

Hòa Bình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng: Dấu ấn triển khai 4 khâu đột phá chiến lược - Ảnh 4.

 Về phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động, ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa bình tiếp tục lãnh đạo triển khai thực hiện Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 23/1/2014 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Tỉnh đã ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã năm 2022 và thực hiện thông báo kế hoạch đào tạo, chương trình bồi dưỡng năm 2022; xem xét, cho phép mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ năm 2022; thông báo các chương trình liên kết đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ tư, về phát triển kết cấu hạ tầng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung huy động các nguồn vốn để đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, ưu tiên đầu tư phát triển vùng động lực, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, giao thông nông thôn; hạ tầng khu, cụm công nghiệp, đô thị, khu, điểm du lịch quốc gia...

Đồng thời, giải quyết các nội dung liên quan đến các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là một số dự án giao thông trọng điểm, kết nối hệ thống giao thông trong tỉnh và khu vực như đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình giai đoạn 2, đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu... Cùng với đó, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đôn đốc triển khai thực hiện đối với một số dự án trọng điểm sử dụng vốn trong kế hoạch đầu tư công và vốn ngoài ngân sách (các dự án do Sungroup, Pacific làm chủ đầu tư) trên địa bàn tỉnh để khởi công năm 2022.

Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội

"Nhờ sự tích cực, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Hòa Bình đã phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn, thúc đẩy kinh tế phát triển toàn diện. Đặc biệt, với tinh thần đoàn kết, chủ động ứng phó với các cấp độ của dịch Covid-19, Hòa Bình không chỉ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh mà còn bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội" - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hòa bình Quách Thế Ngọc khẳng định.

Đến nay, kinh tế của tỉnh Hòa Bình đang tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 5,13% so với cùng kỳ năm trước, an sinh xã hội được bảo đảm; các chương trình mục tiêu quốc gia đạt hiệu quả.

Để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, thực hiện linh hoạt, hiệu quả "mục tiêu kép". Đặc biệt, những tháng cuối năm, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2022; rà soát, quản lý kịp thời nguồn thu phát sinh để bù đắp các khoản hụt thu do thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; rà soát, điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ cho các dự án trọng điểm đã có khối lượng thực hiện, bảo đảm giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2022.

Bên cạnh đó, tỉnh Hòa Bình sẽ đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng; tiếp tục rà soát, điều chỉnh và lập các đồ án quy hoạch quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như các quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng các huyện và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các đô thị đã được điều chỉnh mở rộng theo Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem