Hoà Bình: Giúp người dân yên tâm trồng rừng gỗ lớn

Nguyệt Hằng - Thiên Hương Thứ tư, ngày 12/08/2020 06:05 AM (GMT+7)
Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: "Giải pháp phát triển rừng gỗ ớn cung cấp nguyên liệu cho sản xuất đồ gỗ xuất khẩu" vừa được Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Tổng cục Lâm nghiệp, Sở NNPTNT Hoà Bình tổ chức.
Bình luận 0

Giúp người dân nâng cao nhận thức về hiệu quả kinh tế từ trồng rừng gỗ lớn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, phục vụ nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu... là những nội dung chính của diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: "Giải pháp phát triển rừng gỗ ớn cung cấp nguyên liệu cho sản xuất đồ gỗ xuất khẩu".

Nhiều khó khăn trồng rừng gỗ lớn

Không dễ đưa chăn nuôi nông hộ khỏi nội đô - Ảnh 1.

Giới thiệu về nuôi cấy mô giống cây keo lai tại Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình. Ảnh: N.H

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, mục tiêu đặt ra là tới năm 2020 xây dựng các vùng trồng rừng gỗ lớn tập trung với diện tích khoảng 1,2 triệu ha để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, chuyển hóa 110.000ha rừng trồng hiện có sang kinh doanh gỗ lớn (gỗ xẻ), trồng mới 100.000ha và trồng lại 165.000ha với mục đích kinh doanh gỗ lớn. 

Ông Quách Đại Ninh - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết: Về mặt lý thuyết, để có thể cung cấp được 2 triệu m3 gỗ lớn cho chế biến sản phẩm đồ gỗ, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 30.000ha rừng trồng gỗ lớn đưa vào khai thác. 

Như vậy với chu kỳ 12 năm, cây sinh trưởng nhanh thì phải phát triển và duy trì được 360.000ha rừng trồng gỗ lớn.

"Với trồng rừng gỗ lớn, thời gian chăm sóc từ 10-12 năm nên kéo theo rủi ro cũng lớn, như thiên tai, hỏa hoạn, tuy nhiên lợi nhuận tăng lên. Do đó, các hộ gia đình trồng rừng cũng cần đầu tư tính toán, lựa chọn mô hình phù hợp".

Ông Kim Văn Tiêu

Do thiếu nguyên liệu cho chế biến gỗ nên lâu nay, các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài và hiện đang gặp sự cạnh tranh gay gắt với các nước khác. 

Đồng thời, nhiều thị trường xuất khẩu gỗ có độ rủi ro cao do luôn thay đổi chính sách xuất khẩu, yêu cầu gỗ sạch có nguồn gốc và chứng chỉ rõ ràng… 

"Do đó, việc nhập khẩu gỗ trong thời gian tới có thể sẽ giảm dần, thay vào đó cần đẩy mạnh nguồn cung trong nước để đảm bảo an ninh nguyên liệu cho tăng trưởng ngành chế biến gỗ, góp phần hạ giá thành sản phẩm" - ông Ninh nói.

Trên thực tế, nhiều địa phương đã và đang triển khai có hiệu quả các mô hình trồng rừng cung cấp gỗ lớn. Tuy nhiên, theo đánh giá tại các mô hình, việc phát triển trồng rừng gỗ lớn tại các địa phương còn gặp một số khó khăn: Rừng trồng sản xuất tập trung chủ yếu ở khu vực hộ gia đình, cá nhân có diện tích manh mún, nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư; chu kỳ trồng rừng dài và rủi ro cao; việc liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất theo chuỗi còn hạn chế...

Ông Nguyễn Huy Nhuận – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hoà Bình cho biết, Hòa Bình là địa phương có diện tích trồng rừng lớn, thời gian qua tỉnh đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học để trồng rừng gỗ lớn. Ưu điểm của mô hình này là hiệu quả kinh tế thu được khoảng 200 - 300 triệu đồng/ha chu kỳ 10-12 năm.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, trung bình mỗi năm có khoảng 300ha gỗ nhỏ chuyển sang gỗ lớn, 6.000ha trồng mới thâm canh gỗ lớn bằng giống chất lượng cao và 3 mô hình sản xuất được cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) với sản lượng gỗ đạt 150m3/ha; giảm dần nguyên liệu thô sang sản phẩm sơ chế…

Giúp nông dân yên tâm

Ông Bùi Văn Dành - nông dân huyện Lạc Thủy, Hòa Bình, cho biết, sau một thời gian thực hiện dự án trồng rừng gỗ lớn, thu nhập của gia đình cao hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ trước kia, tuy rằng thời gian trồng rừng gỗ lớn dài hơn. 

Ông Dành cũng đề nghị nhà nước có nhiều chính sách, đặc biệt là về vốn và giống cây trồng sao cho phù hợp điều kiện trồng rừng của bà con, các doanh nghiệp có kế hoạch thu mua sản phẩm để bà con yên tâm trồng rừng gỗ lớn.

Trả lời câu hỏi của nông dân về những giống cây lâm nghiệp phù hợp trồng rừng gỗ lớn, đại diện Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2020, công tác nghiên cứu cải thiện giống các loài cây rừng mọc nhanh ở Viện để phục vụ trồng rừng gỗ lớn và nguyên liệu giấy đã đạt được nhiều thành tựu, chọn tạo và công nhận được 93 giống của các loài keo lai, keo lá tràm, keo tai tượng, keo lá liềm, bạch đàn urô và bạch đàn lai là giống quốc gia và giống tiến bộ kỹ thuật. 

Song song với công tác chọn tạo giống, Viện đã đào tạo tập huấn và chuyển giao quy trình nhân giống bằng công nghệ mô - hom cho 15 cơ sở sản xuất để nhanh chóng phát triển giống cho trồng rừng. Một số đơn vị như đã có thể sản xuất hàng triệu cây giống/năm từ công nghệ mô - hom...

Phát biểu kết luận diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhận định: Đối với trồng rừng gỗ lớn, để đảm bảo hiệu quả kinh tế bà con nên trồng thưa, để sau này có gỗ lớn và kết hợp trồng cây ngắn ngày để tăng giá trị sử dụng trên một đơn vị diện tích. Với trồng rừng phục vụ xuất khẩu, cần có chứng chỉ rừng trồng, đồng thời phải đủ 4 tiêu chí xanh, sạch, thông minh và nhân văn...  


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem